Dân phượt nói gì về Huyền Chip?
Nhiều người cho rằng, với 700 USD, Huyền Chip có thể đi phượt qua 25 nước.
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đặt ra nhiều câu hỏi về sự thật những câu chuyện được kể trong cuốn sách “Xách balô lên và đi” của tác giả Huyền Chip, rằng đi qua 25 nước chỉ tốn 700 USD. Trước nguồn dư luận trái chiều, một số phượt thủ đã không thể ngồi yên. Nhiều người đã lên tiếng bệnh vực Huyền Chip trên trang cá nhân của mình cũng như những diễn đàn Phượt nổi tiếng…
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với chị Thanh Tina, người phụ nữ nổi tiếng trong giới phượt và moto tại Việt Nam. Chị đã phượt và du lịch tại 35 nước trên thế giới và đặc biệt hầu hết các chuyến đi phượt đều bằng mô tô phân khối lớn. Năm 2012, chị Thanh đã thực hiện chuyến phượt dài nhất của mình từ Mỹ sang Canada với tổng đoạn đường 10.000 km. Ngoài ra, chị cũng có một số chuyến phượt tới vài ngàn km xuyên Châu Âu (Italia, Hy Lạp, Pháp,…), Nam Á (Sri Lanka)…
Chị Thanh chụp ảnh tại đường 66 lịch sử nối liền thành phố Chicago của bang Illinois phía bắc nước Mỹ đến thành phố Los Angeles bang California phía tây nước Mỹ trong chuyến phượt từ Canada sang Mỹ với tổng chiều dài 10.000 km.
Khi cuốn sách của Huyền Chip ra đời, khá nhiều người thắc mắc: "Với chi phí 700 đô ban đầu không thể đi phượt qua 25 nước trong khi chi phí ăn ở, sinh hoạt cũng rất tốn kém?". Chị Thanh Tina chia sẻ : “Dân phượt nước ngoài đến mỗi quốc gia, họ sẽ làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống và tiết kiệm tiền để có một khoản để phượt tới những đất nước tiếp theo. Đây là chuyện hết sức bình thường. Nếu chịu khó để ý, ngay ở phố cổ Hà Nội này thôi, có rất nhiều người nước ngoài làm việc trong các quán bar tây, phát tờ rơi du lịch, trong số họ có rất nhiều người là dân phượt. Có tiếng Anh, chăm chỉ, không ngại việc, năng động là có thể kiếm được những việc đơn giản để tích lũy tiền trang trải tại Việt Nam cũng như tích cóp tiền để đi tới những đất nước lân cận. Người nước ngoài họ làm được thì tại sao người Việt Nam mình lại không làm được chứ. Số tiền khởi đầu là 700 đô, đi du lịch qua 25 nước là việc có thể làm được nếu như Huyền Chip năng động, chịu khó kiếm được việc làm tại những nước bạn ấy tới ”.
Xe mô tô phân khối lớn luôn là người bạn đồng hành của chị. Trong ảnh, chị Thanh phượt tại Sri Lanka.
Xoay quanh câu chuyện chi phí sinh hoạt trong những chuyến đi phượt của Huyền Chip, chị Thanh cho biết: "Điểm khác biệt giữa phượt và du lịch đó là việc ăn ở, sinh hoạt. Nếu bạn đi du lịch tức là đã chuẩn bị kỹ về mặt tài chính nên sẽ dễ dàng kiếm được một khách sạn hoặc nhà nghỉ với đầy đủ đồ ăn, thức uống. Tuy nhiên, nếu là dân phượt thì việc tự trải nghiệm cuộc sống trên những đất nước bạn đến lại khác, dân phượt thường thích khám phá và cố gắng tự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bạn sẽ phải tự biết cách đi chợ, tự nấu ăn, tìm chỗ để có thể cắm trại qua đêm, tìm những nhà nghỉ giá rẻ để có tiết kiệm tối đa chi phí . Trong hành trang thường có đầy đủ đồ phượt chuyên dụng như: nồi, bát, bếp, túi ngủ, lều... Chị Thanh cũng cho biết, chuyến phượt xuyên Mỹ của mình, chị mang đầy đủ các vật dụng nấu nướng cần thiết.
Chị Thanh tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí
Khác với du lịch, những người đi phượt thường dựng trại ngủ dọc đường để tiết kiệm tiền thuê chỗ ngủ.. Tại nhiều nước còn có khu vực dành riêng cho dân phượt cắm trại với giá từ 15 – 25 đô/lều dành cho 2 người. Nếu trong tình hình thời tiết khắc nghiệt (mưa, bão tuyết), họ sẽ qua đêm ở các Motel (nhà khách) có giá từ 60 – 80 đô/phòng (đối với các quốc gia đắt đỏ như Mỹ và châu Âu). Các quốc gia đang phát triển hoặc chậm phát triển, chi phí Motel sẽ rẻ hơn nhiều. Nếu kinh phí eo hẹp hơn, dân phượt có thể qua đêm tại các Hostel (khu kí túc xá) có 6 – 8 giường/phòng với giá 7 – 8 đô/người.
Dựng lều ngủ ngoài trời. "Mỗi lều như thế này có chỗ dành cho 2 người với giá khoảng 10 đô/người", chị Thanh chia sẻ.
Một trong những nghi vấn của cư dân mạng là việc Huyền Chip có thể xin visa 25 nước, không cần chứng minh tài chính. Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của chị Thanh và một số người đi phượt có kinh nghiệm thì được lý giải: "Việc xin visa Mỹ hay các nước Châu Âu mới khó vì cần phải chứng minh tài chính. Còn việc xin visa vào những đất nước Huyền Chip đã từng đi qua (Kenya, Ethiopia, Tazania, Sri Lanka,…) là việc không khó. Muốn xin visa thành công, việc cần nhất là bạn cần nói trung thực, thẳng thắn mục đích chuyến đi của mình, khai hồ sơ và nộp vài chục USD là đã có visa”.
Khá nhiều người thắc mắc, đi tới đâu, Huyền Chip cũng có bạn và được nhiều người giúp đỡ, câu hỏi này được chị Thanh và một số dân phượt chuyên nghiệp lý giải: Ở rất nhiều nước trên thế giới, phượt được rất nhiều người đam mê và cũng có rất nhiều diễn đàn về phượt. Muốn đi phượt ở nhiều quốc gia với chi phí rẻ, bạn nên vào diễn đàn phượt tìm kiếm người có cùng sở thích giống mình. Những thành viên này có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tại đây, các thành viên sẽ trao đổi, chỉa sẻ kinh nghiệm, lập kế hoạch để đưa ra mức chi phí rẻ nhất cho chuyến đi. Nếu càng đông người tham gia, chi phí càng rẻ. Việc kết bạn như vậy, giúp người đi phượt có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè ở các quốc gia khác nhau. Sau này muốn đi phượt tại quốc gia nào đó, bạn không khó để có thêm bạn đồng hành. Đối với một người có vốn tiếng Anh tốt như Huyền, từng diễn thuyết ở TEDxYouth@HaNoi (một chương trình hội thảo dành cho những người có ý tưởng sáng tạo) thì việc kết bạn chắc không quá khó. Tuy nhiên, việc đồng hành cùng với người xa lạ, đôi lúc cũng phải có đầu óc tỉnh táo để tránh bị lừa.
Sau hơn một tiếng trò chuyện, chị Thanh chia sẻ: Dù không biết nhiều về Huyền Chip nhưng đối với cô bé ngoài 20 tuổi, một mình đi qua 25 nước là điều rất đáng khâm phục. Em ấy cũng đã vượt qua được chính bản thân mình, dám theo đuổi ước mơ, được đi phượt nhiều nơi và tiếp xúc, trải nghiệm với nhiều nền văn hóa, nhiều lối sống khác nhau. Đối với một số người, họ cho rằng việc đi phượt là việc rất khó khăn, là điều không thể thực hiện được nên đã tự đặt ra cho mình rào cản và không dám bước qua rào cản đó. Tuy nhiên, nếu có đam mê và biết sống với đam mê đó thì bằng cách này hay cách khác, dù nhanh hay chậm, bạn chắc chắn sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Tiếp tục theo dõi trên các diễn đàn phượt, nhiều phượt thủ cũng lên tiếng bênh vực Huyền Chip. Một FB có tên Rosie Nguyen đã đưa ra một số quan điểm, được khá nhiều người từng du lịch nước ngoài quan tâm và khẳng định là đúng. "Có một số quốc gia chỉ cần nộp hồ sơ là có thể xin được visa. Để đến Sri Lanka, bạn chỉ cần điền vào một cái form trên mạng, nộp 25 USD là có ngay visa Sri Lanka. Muốn lấy visa đến Ấn Độ? 40 USD và bộ hồ sơ hợp lệ, thế là bạn có thể đến thăm đền Taj Mahal. Thử xem các nước mà Huyền chip đã đi qua: Kenya, Ethiopia, Tazania..., đa phần là những quốc gia nằm dưới cùng trong bảng xếp hạng GDP đầu người thế giới, họ có gì để lo sợ chứ?”.
Một phượt thủ khác có tên Tuancamau cũng chia sẻ: "Cá nhân mình nghĩ quyển sách này không thể đúng hẳn 100%. Nhưng ít nhất cũng phải được 80%. Vậy là đủ rồi. Vì đây không phải là cẩm nang du lịch hay đại loại như thế! Đây đơn giản chỉ là “hồi ức” của một cô gái 23 tuổi đang trên đường thực hiện ước mơ của mình mà thôi. Viết sách mà … hư cấu tý thì có sao đâu. Và thật sự đối với dân hay đi ... thì có rất nhiều cảm xúc hay ho mà chả có từ ngữ nào đủ để diễn tả hết được".
T
Ý kiến bênh vực Huyền Chip của một phượt thủ có tên Tuancamau.
Bên cạnh những ý kiến bênh vực cũng có không ít ý kiến phản bác lại những thông tin Huyền Chip viết trong sách. Một phượt thủ có tên Nktung chia sẻ trên diễn đàn nổi tiếng của dân phượt cho biết: "Tôi chưa bao giờ giới hạn suy nghĩ của bản thân rằng một người Việt Nam với 700 USD không thể đi du lịch bụi ở 25 quốc gia. Vấn đề ở đây là chuyến đi Huyền kể lại có rất nhiều điểm không hợp lý. Trong 24 tháng mà đi được 25 nước thì Huyền tự kiếm tiền như thế nào? Huyền không có bằng cấp quốc tế, không làm việc từ xa, mà làm "công việc của người dân sở tại". Huyền vẫn có khả năng sinh tồn, vẫn đi tiếp được nhưng trong khoảng thời gian 2 năm hoàn toàn bất khả thi, chưa kể thời gian Huyền bị gãy chân, mua thêm máy ảnh. Câu hỏi là tiền từ đâu ra? Trang phục của Huyền cũng là một vấn đề? Mỗi tấm ảnh Huyền chụp đều là một bộ quần áo khác nhau và đa số đều mới? Balo của Huyền có thể mang được bao nhiều quần áo? Không lẽ cứ một thời gian Huyền lại trích tiền ra mua quần áo mới một lần".
Hình ảnh Huyền Chip tham gia lễ hội ở Bolivia.
Huyền cho biết, dù trước mắt có nhiều khó khăn cũng không ngăn cản được hành trình của cô đi khám phá những vùng đất mới.
Một phượt thủ khác có tên Trungdd cũng đặt ra nghi vấn xung quanh việc Huyền chia sẻ kinh nghiệm xin việc trong cuốn sách của mình: "Ấn Độ là trung tâm gia công phần mềm hàng đầu Châu Á (có thể nói là của cả thế giới) cả về chất và lượng. Thế nên tôi không thể nào tin được việc Huyền có thể vượt qua vòng xét tuyển CV để có công việc ở đây thông qua những gì Huyền chia sẻ trong sách là chỉ mới tốt nghiệp 12 ở Việt Nam. Nếu bạn có khả năng, trình độ, profile tốt thì việc bạn có việc làm là khả thi. Nhưng tại sao Huyền lại không trình bày điều này mà lại hướng dư luận theo một lối suy nghĩ khác là Huyền chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực trên nhưng lại có thể tìm kiếm việc làm?"...
Chúng tôi cũng liên hệ phỏng vấn nhưng Huyền Chip từ chối trả lời với lý do chỉ mong sự việc này mau chóng qua đi. Huyền chỉ cho biết: "Dù trước mắt có khó khăn tới đâu, em cũng không từ bỏ đam mê của mình. Thời gian tới em vẫn sẽ tiếp tục làm việc, tiết kiệm tiền để khám phá những miền đất mới".