Đàn ông ví mỏng!
Có lẽ bởi cái ví da đắt tiền của anh ấy không nhét nổi nhiều tờ tiền cho lắm.
Hồi lâu rồi tôi có đọc trên mạng một chia sẻ không còn nhớ của bạn nào, rằng, trong đám bạn trai của bạn ấy, anh nào dùng ví xịn chắc chắn là anh hiếm tiền nhất bọn.
Có lẽ bởi cái ví da đắt tiền của anh ấy không nhét nổi nhiều tờ tiền cho lắm. Đi ăn cả đám nếu có chi trả cũng rất rón rén. Còn anh nào không dùng ví da lại là anh chàng hào phóng nhất, luôn móc tiền ra trả cho cả đám một cách rất hồn nhiên. Và tất nhiên, tiền cũng nhiều nhất đám, nhiều tới nỗi chẳng cái ví da nào đựng nổi cả cục.
Không thấy bạn ấy nói đến mệnh giá của những tờ tiền. Tuy nhiên hình dung ra cái cách ứng phó với tiền cũng đã thấy ngộ nghĩnh. Như thể nhìn thấy trong đó cả phong thái của chủ nhân. Dù cố gắng tránh lỗi sơ đẳng là lấy tiền ra để xét đoán người, nhưng rõ ràng, trong câu chuyện ấy hoàn toàn không hề chỉ định nói về tiền, mà còn nói về đàn ông trong mắt đàn bà. Và tiền chỉ là một phản chiếu nào đó của người đàn ông đang đứng sừng sững.
Có lần tôi đi dạo phố với một anh bạn. Chúng tôi tìm được một chiếc áo sơ mi trắng cho anh ấy ở một sạp hàng dọc phố, tôi nghĩ anh ấy mặc áo này sẽ rất vừa và đẹp. Giá rất mềm vì là sạp bán lẻ trên phố du lịch. Rất bất ngờ là anh bạn tôi đã không mặc thử cũng không mua cái áo đó. Anh dắt tôi vào cửa hàng thời trang lớn cách đó năm mươi mét và mua đúng cái áo đó, với giá đắt hơn khoảng ba trăm Đài tệ, tức là đắt hơn khoảng hai trăm nghìn đồng tiền Việt. Tôi rất kinh ngạc.
Tôi hỏi sao anh kỳ quặc thế? Không phải cùng nhãn hiệu, cũng chính là cái áo này sao? Cửa hàng này nó có bảo hành áo sơ mi cho anh à? Hay đàn ông thì cứ phải vào cửa hàng xịn mới thấy tự tin, còn em mua ở hè phố của chợ đêm thì làm anh mất tư cách?
Đàn ông kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa (Ảnh minh họa)
Anh bạn tôi điềm đạm nói:
- Ai cũng như em, thì những cửa hàng lớn họ sập tiệm hết ư? Mình sống thì mình cũng phải cho người khác sống nữa chứ!
Tôi sực nhớ ra anh bạn tôi cũng là một chủ doanh nghiệp, và anh ấy cũng đang phải cạnh tranh rất dữ dội trong kinh doanh. Có thể, tôi là đàn bà nên trong mắt tôi chỉ có mệnh giá của tờ tiền. Còn trong mắt anh bạn đàn ông ấy, tiền chỉ là một thông điệp!
Chả trách, nạn nhân của mua chung, nhóm mua, shopping tập thể toàn là… đàn bà! Bị mắc mồi giá rẻ nên sẵn sàng bỏ tiền ra cho một thứ vốn không nằm trong dự định chi tiêu của bản thân. Và về bản chất quản lý tài chính gia đình, đó chính là những đồng tiền lạm chi, đẩy ngân sách gia đình vào nguy cơ ngay lập tức.
Hóa ra có lúc, cái đồng tiền tưởng “được rẻ” của đàn bà như thế lại chẳng bằng cái đồng tiền tưởng “chi đắt” của đàn ông!
Tôi nghĩ nhìn vào việc đàn ông kiếm tiền và tiêu tiền, ta có thể phán đoán ra năng lực giỏi giang và đẳng cấp văn hóa của người đàn ông đó. Đàn ông kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa.Thật bi kịch nếu có tay đàn ông nào vỗ ngực nói: “Tôi kiếm tiền thì rất có văn hóa, và tiêu tiền thì rất… có năng lực!”. Ôi trời!
Cho nên, tôi chẳng quan tâm việc đàn ông tiêu tiền thế nào, anh mua siêu xe hay anh đòi bạn gái chi trả nửa tiền cho bữa cà phê! Nhưng, đàn ông ví dày hay mỏng có lẽ chẳng quan trọng bằng việc, anh đừng để việc tiêu tiền của mình thành thị phi và đàm tiếu của đám đông!
Kiểu như họ nói, ví anh rất xịn! Nhưng mỏng!
Nhà văn Trang Hạ
Xem thêm các bài viết liên quan: