Dân mạng tranh cãi dữ dội câu hỏi Hóa học của Trọng Thành Olympia
Phần đối đáp giữa Trọng Thành - Việt Thành và câu trả lời cuối cùng của ban cố vấn chương trình khiến dân mạng tranh cãi.
“Đường lên đỉnh Olympia 2023” đã chính thức tìm ra chủ nhân vòng nguyệt quế. Đó là Lê Xuân Mạnh – học sinh trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa. Với phần thi Về đích xuất sắc, nam sinh quê Thanh Hóa đã có “cú lội ngược dòng” ngoạn mục, trở thành quán quân của Olympia 2023, giành phần thưởng hơn 1,2 tỷ đồng.
Cuộc thi chung kết đã kết thúc nhưng khán giả vẫn có nhiều khúc mắc về phần thi của bốn thí sinh. Trong đó, đáng chú ý nhất là phần thi Về đích của Nguyễn Trọng Thành (trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Phần thi Về đích của Trọng Thành khiến dân mạng xôn xao
Trong gói câu hỏi 20-20-20 của nam sinh Hải Phòng, có một câu hỏi Hóa học như sau: "Thủy tinh lỏng được dùng để chế tạo keo dán thủy tinh, sứ và nhiều ứng dụng khác. Bạn hãy cho biết thủy tinh lỏng là dung dịch đậm đặc của hai hợp chất nào (nêu công thức phân tử)?".
Trọng Thành đưa ra câu trả lời là: “Na2SiO3 và K2SiO3”, sau đó ở những giây cuối cậu đổi thành “Natri silicat và Kali silicat”. Đáp án của Trọng Thành chưa được MC công nhận ngay và ba thí sinh còn lại có quyền bấm chuông trả lời câu hỏi.
Việt Thành chớp thời cơ, đưa ra đáp án là: “Na2SiO3 và K2SiO3”. Lúc này, MC Ngọc Huy giải thích, câu hỏi đưa ra là “nêu công thức phân tử”, trong khi đó đáp án cuối cùng của Trọng Thành lại không phải là công thức phân tử. Nam sinh Hải Phòng liên tục giơ tay xin ý kiến. Cậu bạn cho rằng, phần “nêu công thức phân tử” được đặt trong dấu ngoặc, nên có thể nêu công thức phân tử hoặc gọi tên hợp chất.
Việt Thành phản đối đáp án của Trọng Thành
Việt Thành cũng đưa ý kiến về câu hỏi này: “Nếu được nêu bằng cả hai cách thì câu hỏi không cần chú thích để làm gì, đã có chú thích thì phải nêu đúng công thức phân tử”.
Trước lập luận của hai thí sinh, MC đã nhờ đến sự phân giải của ban cố vấn. Đại diện ban cố vấn nói: "Về ý nghĩa của các chất có thể đọc tên, đọc công thức nhưng lúc nói về một chất người ta thường nói về tên chất, việc mở ngoặc đơn chỉ là một chú thích chi tiết thêm, còn đọc tên thôi là đã đầy đủ rồi. Câu trả lời của Trọng Thành là đúng và chúng tôi chấp nhận”.
Cuối cùng 40 điểm đã thuộc về Trọng Thành, nâng tổng số điểm của cậu lên 165 điểm.
Trọng Thành luôn dẫn đầu trong suốt cuộc đua nhưng cuối cùng lại về nhì trong sự tiếc nuối
Câu hỏi Hóa học trong phần thi Về đích của Trọng Thành gây ra nhiều tranh cãi. Một số người ủng hộ ý kiến của Việt Thành, cho rằng câu hỏi của chương trình đã nhấn mạnh cần nêu công thức phân tử thì đáp án phải đúng như vậy mới được ghi nhận.
“Mình thấy kết quả này không thuyết phục, mở ngoặc bao giờ cũng là làm rõ ý cho câu phía trước, nếu trả lời tên chất hay công thức phân tử đều được thì câu hỏi phải dùng từ “hoặc” chứ không phải là mở ngoặc”, một nick name chia sẻ.
“Cách xử lý của chương trình ở câu hỏi này đã khiến Việt Thành mất bình tĩnh. Mình nghĩ biên tập cần kỹ lưỡng hơn ở phần đưa câu hỏi để tránh các trường hợp như thế này”, một nick name khác ý kiến.
Khoảnh khắc nuối tiếc của Việt Thành
Trong khi đó, một số người cho rằng cả hai đáp án Trọng Thành đưa ra đều đáng ghi nhận, giống như ban cố vấn chương trình đã giải thích. Và 40 điểm Trọng Thành nhận được ở câu hỏi này là hoàn toàn xứng đáng.
Chung kết “Đường lên đỉnh Olympia 2023” kết thúc với chiến thắng cuối cùng thuộc về Lê Xuân Mạnh – học sinh trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa. Trận đấu hết sức kịch tính và căng thẳng đã đem đến cảm xúc đặc biệt cho khán giả Olympia.
Nguồn: [Link nguồn]
Chàng trai “vàng” của trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã có những chia sẻ đầy cảm xúc sau trận đấu kịch tính.