Dân công sở tất bật làm thêm dịp Tết

Tiền lương hạn hẹp, tiền thưởng bị cắt giảm, trong khi vật giá ngày càng đắt đỏ, đó là lý do khiến nhiều chị em công sở kiếm việc làm thêm dịp Tết nhằm cải thiện kinh tế gia đình.

Chị em công sở tất bật làm thêm

Chị Thu hiện đang là nhân viên của một công ty tư nhân ở Hà Nội. Dù công việc cuối năm bận rộn nhưng chị vẫn tranh thủ nhận đặt tranh thêu để tăng thêm thu nhập cho những ngày giáp Tết.

Chị cho biết: “Mình mới đi làm nên lương cơ bản của mình chưa được nhiều. Năm nay mình không có tiền thưởng thì phải tìm cách kiếm thêm thôi”.

Khảo sát qua bạn bè, người thân thấy rất nhiều người có nhu cầu chơi tranh thêu, cho dù giá của mỗi bức tranh này cũng không rẻ, khoảng từ 600.000 – 1.500.000 đồng, tùy theo kích cỡ và kiểu tranh khách đặt.

Bình thường để hoàn thành một bức tranh, chị Thu mất khoảng 15 - 20 ngày. Vì vậy để kịp thời gian giao hàng cho khách, chị Thu tranh thủ tận dụng những giờ nghỉ ở văn phòng hay những lúc rảnh rỗi để thêu tranh. 

Dân công sở tất bật làm thêm dịp Tết - 1
 
Sau khi trừ chi phí, mỗi bức tranh chị Thu cũng lãi được hơn 1 triệu đồng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gần hai tháng nay, chị đã hoàn thành được ba đơn hàng, sau khi trừ chi phí nguyên vật, chị Thu cũng lãi được hơn 3 triệu đồng. “Vậy là mình cũng đủ tiền để mua chút quà về quê biếu bố mẹ và không lo tiền mừng cho các em nữa”. Chị Thu vui vẻ nói.

Nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của dân công sở, Tết này chị Huyền (nhân viên công ty Bất động sản TA) cũng tranh thủ bán hàng trên mạng. Những mặt hàng chị rao bán đều rất thiết thực cho mọi gia đình, chị em, như: giỏ quà Tết, túi xách, quần áo, giày dép…

Chị Huyền chia sẻ thêm: “Khi mới làm thì hầu hết là các chị em cùng công ty đặt hàng. Nhưng sau khi mình đăng tin khuyến mãi giảm giá 10 đến 30% cho tất cả các mặt hàng thì lượng khách đã đông hơn hẳn. Hơn nữa, năm nay kinh tế khó khăn nên mọi người chuộng những mặt hàng bình dân hơn”.

Dân công sở tất bật làm thêm dịp Tết - 2
 
Chị Huyền tranh thủ thời gian bán hàng qua mạng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cách được chị Huyền áp dụng là mua riêng lẻ từng thứ như: bánh kẹo, chè, rượu ở chỗ người quen rồi về đóng thành một giỏ. Mỗi giỏ rao bán với giá từ 250.000 - 350.000 đồng. Còn quần áo, túi xách thì chị làm trung gian bán hàng, phân phối hàng cho đại lý rồi hưởng theo phần trăm hoa hồng. Trừ đi số vốn bỏ ra, mỗi tháng chị Huyền thu nhập thêm vài triệu đồng. Với số tiền này, chị cũng dư dả chi tiêu, mua sắm cho dịp Tết.

Đấng mày râu cũng tranh thủ kiếm tiền

Không chỉ có chị em phụ nữ lo làm thêm dịp Tết mà nhiều đấng mày râu cũng tranh thủ làm ngoài giờ để nâng cao thu nhập.

Anh Long, hiện đang là huấn luyện viên của câu lạc bộ thể hình Hà Nội, ngoài giờ dạy, anh Long cùng bạn mở thêm một quán đồ nướng vỉa hè trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Vì đang là mùa đông nên nhiều người có sở thích ăn đồ nóng hổi mà lại có không gian thoải mái tán gẫu với bạn bè. Nhất là thời gian này, nhiều cơ quan tổ chức ăn tất niên nên quán anh Long rất đông khách.

Dân công sở tất bật làm thêm dịp Tết - 3
 
Cách bày biện bắt mắt thu hút nhiều thực khách đến quán của anh Long

Anh Long cho biết: “Mỗi ngày nếu ít khách mình cũng lãi được gần một triệu, những hôm đông khách thì phải được hai triệu. Làm quán vỉa hè được cái lợi là vốn ít mà lời nhanh”. Quán mới mở được hơn một tháng nhưng số tiền anh Long kiếm được đã ngót nghét hơn chục triệu. Vậy là Tết này, anh đã có số  tiền kha khá để xông xênh chi tiêu.

Bị sếp “khiển trách” vì bỏ bê công việc

Tuy việc làm thêm giúp các chị em tăng thu nhập, bớt đi gánh nặng chi tiêu nhưng vì nhiều chị em tranh thủ cả thời gian làm việc hành chính mà đã bị cấp trên nhắc nhở, thậm chí còn bị khiển trách.

Chị Huyền là một trường hợp như vậy. Tưởng rằng việc tận dụng thời gian để bán hàng online sẽ không bị ai phát hiện, nào ngờ sếp có địa chỉ facebook của chị nên nắm được hết thời gian chị đăng tin lên mạng. Ban đầu sếp không nói gì nên chị không biết nhưng sau thấy chị đăng tin “hăng” quá, sếp chính thức ghi một dòng cảnh cáo lên tường của chị: “Tháng vừa qua không có thêm hợp đồng nào. Giờ thì quay lại làm việc hoặc bị trừ một tháng lương”.

Tưởng sếp chỉ dọa nên chị Huyền lại ngấm ngầm đăng tin ở trang khác. Nhưng đến cuối tháng, chị bất ngờ nhận được mail của kế toán bị trừ 20% tiền lương vì làm việc riêng trong giờ hành chính. Vậy là kiếm thêm được ít tiền lại phải trích ra để bù vào khoản bị phạt.

Không bi đát như chị Huyền nhưng anh Long cũng bị quản lý câu lạc bộ “để mắt” tới khi thời gian này anh thường xuyên đến muộn.

 “Để có được nguyên liệu ngon, giá rẻ nên mình phải trực tiếp đi chợ. Thỉnh thoảng cũng phải chạy qua chạy lại kiểm tra nhân viên. Thường thì 7 giờ mình phải có mặt ở cơ quỏa nhưng bây giờ bận đi chợ nên hay bị đến muộn nửa tiếng. Cũng mấy lần bị đánh dấu vào bảng lương rồi nhưng chưa biết thế nào”. Anh Long tếu táo chia sẻ.

Làm thêm là một giải pháp tình thế nhằm giải quyết vấn đề chi tiêu trong dịp Tết này nhưng có lẽ dân công sở cũng nên cân bằng thời gian để tránh ảnh hưởng đến công việc và nhất là không nên gây ấn tượng xấu với cấp trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN