Đại tướng - thần tượng của giới trẻ

Dù may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay chỉ mới xem qua phim ảnh, tư liệu, những người trẻ Việt Nam đều một lòng thần tượng, kính phục ông.

Giản dị, hiền từ như một người ông

“Nghe tin xong chỉ biết lặng người. Thêm một con người vĩ đại của dân tộc đã ra đi. Vị Đại tướng cả thế giới phải thán phục – niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam – Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam – và với con là một tượng đài sống”, Đoàn Hồng Trang (sinh năm 1987), Phó bí thư Đoàn Cty Bảo hiểm PVI, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chia sẻ trên trang cá nhân khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Trang có một may mắn khi ngày nhỏ được gặp Đại tướng tại nhà riêng trên đường Hoàng Diệu. “Ngày ấy, mình đang học lớp 3. Mình đi theo các anh chị T.Ư Đoàn đến chúc Tết bác Giáp”, Trang nói. Theo ký ức của Trang, ngôi nhà của Đại tướng rất giản dị, nhiều cây xanh. Chủ nhân của ngôi nhà cũng thật hiền từ. “Hôm đó, bác Giáp và bác gái ngồi nói chuyện với mọi người. Cảm giác rất thân quen, như đến chúc Tết nhà ông nội vậy”, Trang nhớ lại. Trong ký ức của Trang vẫn còn hình ảnh bác Giáp hỏi chuyện, chúc Tết và cho mỗi cháu vài chiếc bánh nhãn.

Thần tượng bác Giáp từ khi còn nhỏ, Trang hiểu được giá trị của cuộc đến thăm nhà bác Giáp. “Ngày Bác Hồ còn sống, gặp được Bác Hồ là vinh dự lớn nhất. Khi Bác Hồ không còn nữa, được gặp bác Giáp là vinh dự lớn nhất”, Trang kể lại. Đến nay, dù không có thêm cơ hội gặp bác Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu nữa, nhưng khung cảnh ngôi nhà giản dị vẫn in đậm trong trí nhớ Trang, dù cuộc gặp bác Giáp đã diễn ra cách đây 17 năm. “Đó là lần duy nhất trong đời”, Trang kể. Tối 5/10, Trang chủ động đi qua ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để tưởng nhớ Đại tướng.

Đại tướng - thần tượng của giới trẻ - 1

Trên Facebook, nhiều người tỏ lòng kính trọng, tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: N. Châu.

Không phải ai cũng có may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều bạn trẻ chia sẻ trên Facebook về nỗi khát khao muộn màng được gặp vị tướng huyền thoại một lần trong đời, khi mới chỉ biết đến người qua sách vở, hình ảnh tư liệu và câu chuyện của những người lính. “Con nghe gia đình con nhắc tới Người từ khi còn thơ bé. Ngoại của con, ba con cũng là bộ đội. Cứ khi nào nhắc tới chuyện đánh giặc, kháng chiến là cả nhà con lại được nhắc tới người. Ngoại con và ba con nói nước mình có ông Giáp là giỏi nhất, chỉ huy quân sự chẳng ai bằng. Thế hệ của con cũng biết đến người, nhưng chỉ nghe qua người lớn, thầy cô giáo kể, đọc trên báo, xem tivi... Hôm nay, người mất thật rồi, cả nước thương tiếc, triệu triệu người dân Việt Nam xót xa… Nhưng con biết người sẽ mãi mãi ghi dấu ấn đẹp trong trang sử nước nhà và cả trong những câu chuyện của mãi mãi con cháu đời sau”, một bạn trẻ viết trên Facebook.

Cũng chưa một lần được gặp, khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Ngô Bích Đào, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khóc nức nở. “Mình có cảm giác như vừa mất đi một người thân trong nhà”, Đào chia sẻ. Đào là cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Trong những cuốn sách giáo khoa, sách lịch sử Đào đã học và đọc luôn có dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vốn quen ghi lại cảm xúc bằng thơ, lại thần tượng Đại tướng từ những ngày thơ bé, nên khi nghe tin Đại tướng mất, Đào thể hiện cảm xúc trên trang cá nhân “Tôi biết Bác Hồ trước khi biết chữ/ Biết tên anh Văn trước khi biết đến trường/ Biết nhen lên tình yêu thương ngưỡng phục/ Trong câu chuyện nội kể về những cuộc chiến tranh”.

Ông nội Đào từng là lính Cụ Hồ, là quân của Tướng Giáp, nên ngoài những gì học và đọc được trong sách, trí nhớ của Đào được vun đắp thêm qua những câu chuyện về Tướng Giáp từ ông nội. Cùng với sự tiếc thương, những dòng thơ cứ tuôn ra theo cảm xúc. “Người - Đại tướng - anh Văn - Nguyên Giáp/ Trí - Dũng - Liêm, văn võ toàn tài/ Người cống hiến trọn đời vì nước/ Hiến dâng mình cho đến phút lâm chung”, Đào viết liền lúc 2 bài thơ. Đào bảo, cảm giác rất lạ, chỉ khoảng 10 phút Đào làm xong một bài. “Tháng mười, ông có nghe không/ Nhân dân đang gọi, ông không trả lời?/ Núi non in mãi đời đời/ Vị tướng thế kỷ - con người Việt Nam”, những vần thơ của Đào được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn và được nhiều người yêu thích vì nói hộ được lòng mình với vị Đại tướng kính yêu.

“Tôi biết Bác Hồ trước khi biết chữ/ Biết tên anh Văn trước khi biết đến trường/ Biết nhen lên tình yêu thương ngưỡng phục/ Trong câu chuyện nội kể về những cuộc chiến tranh”.

Cùng với việc sáng tác thơ, nhạc, trường ca..., hàng triệu bạn trẻ đang kêu gọi sử dụng ảnh Đại tướng làm ảnh đại diện để tỏ lòng tưởng nhớ. Trên những trang cộng đồng, hàng triệu bạn trẻ thương tiếc vị tướng huyền thoại của dân tộc. “Đại tướng về bên cạnh Bác rồi/ Triệu người thương nhớ Đại tướng ơi/ Rừng núi quê hương mang khăn trắng/ Nhật nguyệt, cỏ cây đứng ngậm ngùi”, bài thơ trên Facebook của Cát Bụi nhanh chóng được chia sẻ. Nhiều hội, nhóm tưởng nhớ, biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thành lập, thu hút hàng triệu người tham gia.

Trên mảnh đất lịch sử Điện Biên - nơi ghi dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đoàn viên, thanh niên có nhiều hành động tri ân công lao, tưởng nhớ Đại tướng. Trên các diễn đàn của tuổi trẻ Điện Biên, hình ảnh, phim về Đại tướng được chia sẻ cùng những bình luận thương tiếc. Bí thư Tỉnh Đoàn Vừ A Bằng cho biết, những ngày tới, dự kiến tổ chức chương trình thắp nến tri ân, tưởng nhớ công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mơ được gặp Đại tướng lần cuối

Một phóng viên trẻ nghe tin vị tướng huyền thoại ra đi đã ngồi trên mạng hàng giờ để đọc thông tin về Đại tướng. “Đêm 5/10, tôi nằm ngủ, chìm trong giấc mơ được gặp bác, được phỏng vấn bác trước lúc bác ra đi. Tôi mơ khi đó bác nằm trên giường bệnh, giọng nói không còn rõ, chỉ mấp máy môi, những câu trả lời của bác được thư ký dịch lại. Tôi đã khóc rất nhiều”, phóng viên này chia sẻ. Trên Facebook Trinh Luu của mình, cô viết: “Đêm qua, cháu có giấc mơ thật đặc biệt, đó là được đến bên giường bệnh phỏng vấn, nói chuyện với bác, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Tiếc quá bác à. Giá như đó là sự thật. Bước vào nghề báo hơn 4 năm rồi nhưng cháu chưa có được niềm hạnh phúc đó. Dù đang ốm nhưng cháu ngồi dậy mở máy tính đọc các bài báo viết về bác. Nước mắt chực rơi...”.

Đại tướng - thần tượng của giới trẻ - 2

Trên mạng xã hội, hàng triệu bạn trẻ thương tiếc vị tướng huyền thoại của dân tộc

“Hiến dâng mình cho đến phút lâm chung”

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vùng đất Lệ Thủy, Quảng Bình, Phạm Linh Hương từ nhỏ đã coi người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là thần tượng, luôn noi gương bác để sống và học tập. Khi hay tin bác ra đi vào một chiều thu tháng 10, Linh Hương không giữ nổi cảm xúc, nghẹn ngào khóc, vội bắt xe từ Hải Dương về Hà Nội để đến viếng bác tại số nhà 30 Hoàng Diệu. “Tôi đang đi công tác ở Hải Dương, 9h tối ngày 4/10 đọc trên Facebook thấy cộng đồng mạng đưa tin bác Giáp mất tôi đã khóc rất nhiều và quyết định về Hà Nội ngay trong đêm với mong muốn thắp cho bác một nén nhang. Cuối tuần này, tôi sẽ về quê Lệ Thủy, tôi rất muốn dự lễ tiễn đưa bác nơi quê nhà”, Linh Hương tâm sự.

Được gặp Đại tướng từ lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004 tại tỉnh Điện Biên, Đỗ Thành Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) nhớ mãi nụ cười hiền hậu và cử chỉ thân mật khi Đại tướng trò chuyện. “Tôi nhớ mãi cái bắt tay ấm áp và những lời hỏi thăm của bác. Được gặp bác là niềm tự hào của tôi cho đến tận ngày hôm nay. Tôi vẫn kể cho bạn bè và người thân nghe về lần đầu gặp bác, những ấn tượng khó quên và sự kính trọng dành cho bác. Vị tướng thần tượng của lòng dân, sẽ mãi mãi sống trong lòng dân”.

Truyền tay nhau những thước phim, bài hát về Đại tướng

Ba ngày qua, giới trẻ liên tục truyền tay nhau những thước phim, hình ảnh quý và bài hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên Facebook Ngô Thuý Hằng gửi cho bạn bè nghe bài hát “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” do nhạc sỹ Bùi Hoàng Yến sáng tác. Thúy Hằng chia sẻ: “Bài hát dung dị nhưng không kém phần hào sảng, thể hiện khí phách của người quân tử”. Nhiều bạn trẻ chia sẻ họ đã rưng rưng khóc khi nghe đi nghe lại bài hát này.

Một video clip dài 3 phút điểm lại những chiến công lừng lẫy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cộng đồng mạng chia sẻ trên mạng xã hội và các diễn đàn. Tác giả của video clip này là Nguyễn Hà Tiệp. Anh cho biết đã thực hiện đoạn phim ngắn suốt 7 tiếng. Anh lựa chọn những hình ảnh đẹp về Đại tướng từ các bộ phim tư liệu, đan xen hình ảnh Đại tướng là hình ảnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam ở những thời điểm khốc liệt. Trong đoạn phim có hình ảnh Đại tướng vẫy tay chào, miệng cười tươi đã khiến nhiều người xem xúc động. Đặng Lê Anh viết: “Hình ảnh và nụ cười của Đại tướng đã gây xúc động mạnh, ngỡ như bác đang ở đâu đây, rất gần, như chưa từng lìa xa”. Đoạn phim được cộng đồng mạng coi là một nén hương dâng lên bác với lòng thành kính của người trẻ.

Một ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, khi đi dạy cho học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ), Ngô Bích Đào tổ chức chiếu phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chiến dịch Điện Biên Phủ cho học sinh xem. “Các em ấy hào hứng lắm. Mình nghĩ nên dành 1 tiết học để chiếu phim tư liệu cho học sinh xem, để các em biết cuộc kháng chiến của dân tộc ta, vai trò, vị trí và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩ đại đến mức nào”, Đào nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong - Hải Yến (Tiền Phong)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN