Cuốn sách thú vị: “Tôi là thầy tướng số”
Cuốn sách cho độc giả thấy được sự lừa đảo bài bản, tinh vi, có hệ thống của một lớp người tự xưng là các thầy tướng số.
Bạn đã từng bao giờ xem bói chưa? Nếu có thì bạn nghi ngờ hay là tin “sái cổ” vào những gì các ông/ bà thầy tướng phán? Dù ở trường phái nào thì có lẽ bạn cũng nên tìm đọc cuốn sách “Tôi là tướng số” của tác giả Dịch Chi để tự kiểm nghiệm, đánh giá một lần nữa tính chân thực của các thông tin mà bạn nghe được.
Trong cuốn sách “Tôi là thầy tướng số”, tác giả đã kể lại quá trình gia nhập môn phái Giang Tướng của nhân vật tôi - môn phái chuyên dựa vào chút kiến thức về Chu Dịch, tự phong là thầy tướng số để đặt bẫy lừa đảo để lừa lấy tiền bạc của người khác – cùng bao sự kiện rợn tóc gáy mà môn phái này đã thực hiện trong một thời gian dài.
Từ đó giới thiệu cho độc giả một “công nghệ” lừa đảo bài bản, tinh vi, có hệ thống, thậm chí cực kỳ ác độc của một lớp người tự xưng là các thầy tướng số.
Kinh Hoa nghiêm nói: “Ác nghiệp tạo ra trước kia, đều do tham, sân, si vô cùng vô tận.” Nhược điểm trong bản tính con người chính là: tham, sân, si. Có thể nói, dường như tất cả tai họa đều bắt nguồn từ đây. Một khi nhược điểm này bị lộ ra, kẻ lừa đảo bằng nghề tướng số tất sẽ có cơ hội ra tay. Những kẻ này được đào tạo vô cùng bài bản, giỏi nắm bắt tâm lý, nhìn thấu từng tia hy vọng, lòng tham lam, tâm hư vinh, sự đố kỵ, nỗi sợ hãi, tính ngạo mạn trên từng khuôn mặt.
Thầy tướng số thường dẫn dắt người đến xem tướng số bằng một thủ pháp khai thác tâm lý vô cùng đơn giản mà hiệu quả, nên người đến xem nói càng nhiều, tất sẽ để lộ nhiều thông tin.
Người ta thường nói: “Dâu nhà người ngoan, con nhà mình giỏi”, cha mẹ nào chẳng nghĩ con mình đặc biệt hơn những đứa trẻ khác, ai mà chẳng hy vọng con cái thành tài; trai thành rồng, gái thành phượng, cho dù bản thân chỉ là con gà trụi lông.
Vậy khi cha mẹ đến xem cho con cái thì chắc chắn là muốn hỏi đến tiền đồ của đứa trẻ. Còn con cái nếu đã đứng tuổi đến xem cho cha mẹ thì chắc chắn muốn biết những điều liên quan đến sức khỏe của phụ mẫu. Còn thầy tướng số chỉ việc quan sát trạng thái tình cảm biểu lộ trong từ cử chỉ nét mặt là có thể phán đoán vô cùng chính xác.
Tương tự như vậy, khi vợ đến xem cho chồng, hoặc chồng xem cho vợ thì thường mang tâm lý ra sao. Sĩ tử là kẻ đọc sách, nhà buôn là kẻ lắm tiền nhiều của, quan chức mà địa vị càng cao thì họ quan tâm đến vấn đề gì? Trạng thái tâm lý của họ ra sao, tất cả đều bị thầy tướng số nắm rõ như lòng bàn tay.
Trên đời, bất kể là nam hay nữ đều có kẻ xấu người đẹp. Người tốt mã, xinh đẹp ai gặp mà chẳng thích, đó là chân lý ngàn đời không bao giờ thay đổi. Vậy một thiếu phụ xinh đẹp mà không gây bão lòng cho bao kẻ khác thì mới là lạ, hơn nữa vừa bước vào cửa là muốn xem đường tình duyên, thì họa có kẻ ngốc mới không đoán ra!
Theo lẽ thường khi ai đó hỏi đi hỏi lại một sự việc, nhất định việc đó không tốt đẹp, không được như ý nguyện, và là căn nguyên của mối lo lắng trong lòng họ. Nên không phải là thầy tướng số bói quá chuẩn mà do người đến xem tướng số đã tự tiết lộ quá nhiều.
Tác giả Dịch Chi là người tỉnh Sơn Đông- hiện là thành viên Ban thường vụ Hiệp hội Chu dịch Trung Hoa, cố vấn Quốc học cho các cơ quan Giáo dục Trung Quốc. Lên 8 tuổi ông đã được hấp thu tư tưởng Đạo gia, 12 tuổi theo sư phụ Hợp Huyền học về Chu dịch. Lên Đại học ông theo giáo sư Đoàn Cảnh Liên chuyên tâm nghiên cứu Huyền học và Phật học.
|