Cuối năm, nhân viên trẻ chán việc, 'nín thở' chờ lương tháng thứ 13
Cuối năm là thời điểm nhạy cảm đối với nhiều người lao động. Giữa áp lực công việc, kỳ vọng thưởng Tết và ý định "nhảy việc" để tìm cơ hội mới, không ít nhân viên chọn làm việc cầm chừng, chờ đợi khoản thưởng cuối năm như một động lực giữ chân tạm thời.
Câu chuyện từ những bạn trẻ "nín thở" chờ thưởng Tết
Nguyễn Quỳnh Như, 26 tuổi, nhân viên kinh doanh tại một công ty chuyên về bán hàng online ở Hà Nội, tâm sự rằng cô cảm thấy công việc hiện tại không còn mang lại nhiều hứng thú. Tuy nhiên, quyết định nghỉ việc ngay bây giờ không phải là điều Như nghĩ đến.
Như kể, trong năm nay, doanh số bán hàng của công ty sụt giảm khiến nhân viên phòng kinh doanh thường xuyên bị phê bình trong các cuộc họp tuần. Thêm vào đó, môi trường làm việc ngày càng gò bó, thiếu sự động viên từ cấp trên khiến cô nàng Gen Z cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Như bật "chế độ" làm việc cầm chừng chờ lương tháng thứ 13. (Ảnh: NVCC)
“Mình đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc từ giữa năm, nhưng rồi lại tự nhủ rằng phải cố gắng ít nhất đến sau Tết. Công ty thưởng Tết khá ổn định, khoảng 1,5 đến 2 tháng lương. Đó là khoản tiền lớn với mình, đặc biệt khi mình đang phải trả nợ vay mua xe và muốn biếu bố mẹ một chút để sắm sửa ngày Tết,” cô nàng chia sẻ.
Như cho biết thêm, hiện tại bản thân đang bật "chế độ" làm việc cầm chừng. Thay vì cố gắng hoàn thành mục tiêu bán hàng, cô nàng chỉ tập trung vào việc duy trì những khách hàng sẵn có, tránh phát sinh rủi ro. “Mình không muốn tạo ra căng thẳng hay mâu thuẫn với sếp, vì như vậy có thể ảnh hưởng đến khoản thưởng cuối năm,” Như chia sẻ.
Cô nàng cho biết, bản thân coi khoản lương tháng thứ 13 như... lời chia tay trong êm đẹp với công ty:
"Sau Tết, mình dự định sẽ tìm một công việc khác có môi trường làm việc thoải mái và lộ trình phát triển rõ ràng hơn,” Như nói, ánh mắt ánh lên sự quyết tâm.
Tương tự, Trần Văn Dũng, 26 tuổi, nhân viên kỹ thuật tại một nhà máy sản xuất linh kiện ở Bình Dương, cho biết cả phòng anh đều "nín thở" chờ thông báo thưởng Tết từ ban lãnh đạo công ty.
"Năm ngoái, công ty thưởng 1,5 tháng lương và quà Tết khá thiết thực. Dù không quá cao, nhưng khoản tiền này luôn giúp mình trang trải chi phí về quê, mua sắm quần áo mới cho chị gái và biếu bố mẹ một chút tiền mừng tuổi. Nhưng năm nay, tình hình sản xuất gặp khó khăn, mọi người lo lắng thưởng sẽ bị cắt giảm. Mình vẫn làm việc bình thường, nhưng rõ ràng tâm lý chung là chờ đợi, không dám đòi hỏi hay gây áp lực với công ty," Dũng nói.
Những câu chuyện của Như hay Dũng không phải là hiếm gặp. Theo khảo sát từ Navigos Group, hơn 70% người lao động Việt Nam coi thưởng Tết là yếu tố quan trọng, thậm chí quyết định họ có tiếp tục gắn bó với công ty hay không.
Việc chờ thưởng Tết không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây tác động tiêu cực đến hiệu suất công việc. Chị Mai Thanh Huyền, quản lý nhân sự tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng ở TP.HCM, nhận định rằng tâm lý "làm việc cầm chừng" xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm cuối năm.
"Không ít nhân viên bắt đầu làm việc hời hợt, chỉ mong đủ thời gian để nhận thưởng. Điều này khiến các dự án cuối năm chậm tiến độ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty," chị Huyền chia sẻ.
Ngoài ra, chị cho biết áp lực từ khoản thưởng Tết cũng khiến người lao động chịu căng thẳng không nhỏ. "Nhiều nhân viên lo lắng đến mức mất ngủ vì không biết liệu họ có nhận được phần thưởng như kỳ vọng hay không. Một số người còn cảm thấy bất công khi so sánh mức thưởng giữa các phòng ban," chị nói thêm.
Cần chủ động xây dựng nhiều nguồn thu nhập
Theo Th.S Nguyễn Mai Lan, chuyên viên nhân sự tại Công ty Cổ phần One Mount Group, việc nhân viên trông chờ thưởng Tết là điều dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
"Ở một số ngành nghề, thưởng Tết chiếm từ 2-5 tháng lương, trở thành nguồn thu quan trọng của người lao động", chị phân tích.
Theo chuyên gia, người lao động cần lập cho mình kế hoạch tài chính hợp lý bằng cách xây dựng nhiều nguồn thu nhập, tránh sự phụ thuộc quá mức vào khoản thưởng cuối năm. (Ảnh minh họa bởi AI)
Theo chuyên gia, để tránh tình trạng làm việc cầm chừng cuối năm, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng những biện pháp khích lệ phù hợp:
"Nhiều doanh nghiệp hiện nay không chỉ thưởng Tết mà còn chia nhỏ các khoản thưởng trong năm, kết hợp với chính sách khen thưởng theo hiệu suất. Điều này giúp nhân viên có động lực làm việc liên tục mà không chỉ tập trung vào một thời điểm cuối năm. Ngoài ra, việc tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh và lộ trình phát triển rõ ràng cũng là yếu tố quan trọng giúp giữ chân nhân viên".
Đồng thời, chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên công bố sớm chính sách thưởng Tết, ít nhất 1-2 tháng trước kỳ nghỉ: "Điều này không chỉ giúp nhân viên yên tâm làm việc mà còn tạo ra sự minh bạch, giảm thiểu xung đột nội bộ," chị nói.
Về phía người lao động, Th.S khuyên rằng thay vì chỉ tập trung vào thưởng Tết, họ nên chủ động nâng cao năng lực cá nhân.
"Cuối năm là thời điểm tốt để đánh giá lại bản thân: Bạn đã học được gì? Công việc hiện tại có giúp bạn phát triển không? Nếu câu trả lời là không, hãy chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi bản thân sau kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh đó, bạn có thể cân nhắc việc chuyển ngành, nhưng điều quan trọng là phải "nhảy" vào ngành phù hợp và chọn đúng công ty. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhiều nguồn thu nhập bao gồm cả thu nhập thụ động cũng rất quan trọng để đảm bảo tài chính ổn định, tránh sự phụ thuộc quá mức vào khoản thưởng tết." chị Mai Lan gợi ý.
Đầu tháng 12, Đăng Khoa nộp đơn nghỉ việc dù biết đồng nghĩa mất thưởng Tết hơn 100 triệu đồng trong sự tiếc nuối của vợ và can ngăn của đồng nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
-24/12/2024 11:29 AM (GMT+7)