Cưới cô vợ thành phố, năm nào cũng khổ sở “xin vợ” về Tết quê chồng

Tôi mệt mỏi khi vợ năm nào cũng “trăm phương ngàn kế” trốn Tết quê chồng. Muốn đưa vợ về nhà, tôi phải bày đủ trò năn nỉ.

Tôi khổ sở vì cô vợ phố trốn Tết quê chồng (ảnh minh họa)

Tôi khổ sở vì cô vợ phố trốn Tết quê chồng (ảnh minh họa)

Tôi là trai Hà Tĩnh, nhà nghèo nhưng có chí, xoay sở đủ đường cũng tậu được căn nhà chung cư ở Hà Nội vào năm 33 tuổi.

Năm nay tôi 38 tuổi, vợ con đề huề, có nhà, có xe. Cách đây 4 năm, ai ai cũng khen tôi có phúc khi cưới được vợ thủ đô, xinh đẹp, con nhà gia giáo, bề thế. Chỉ duy bố mẹ tôi cứ trăn trở mãi “không môn đăng hộ đối thì sau này trăm bề khó xử”.

Khi ấy tôi chỉ thấy bố mẹ cổ hủ, thời nào rồi mà còn quan tâm có “môn đăng hộ đối” hay không. Tôi tuy trai quê nhưng cũng có học thức, công việc ổn định, có nhà Hà Nội, đâu có điểm nào là không xứng với con gái nhà người ta.

Mãi sau này tôi mới thấy, bố mẹ đã đúng. Cưới cô vợ phố, tính tình tiểu thư, tôi khổ sở trăm đường, mà cái khổ nhất là cô ấy luôn tìm cách trốn về quê chồng.

Tôi biết, những cô gái thành phố thường không quen với nếp sống thôn quê. Nhà tôi ở quê khá nhỏ, không đầy đủ tiện nghi như nhà trên thành phố (Tôi từng nhiều lần ngỏ ý xây lại nhà nhưng đều bị bố mẹ từ chối) nên cô ấy thường phàn nàn, nào là "về quê hay mất điện", "không có nước sạch", "toàn dùng nước bể", "nhà vệ sinh xa", "hàng xóm láng giềng hay soi mói"…

Dần dà, tôi cũng ít rủ vợ về quê, phần vì không muốn nghe vợ kể cả, phần vì không muốn bố mẹ buồn khi thấy thái độ chán nản của con dâu. Ngay cả khi nhà có việc cũng chỉ về hai ngày rồi đi chứ không nấn ná.

Tôi khổ sở năn nỉ vợ cùng mình về quê ăn Tết (ảnh minh họa)

Tôi khổ sở năn nỉ vợ cùng mình về quê ăn Tết (ảnh minh họa)

Ngày thường có thể qua loa chứ ngày Tết thì phải đủ cả vợ chồng, con cái về quê nội. Tôi là con trai độc tôn trong nhà, cả năm sống ở Hà Nội nên ngày Tết phải về sum họp với bố mẹ là lẽ đương nhiên. Còn vợ tôi, cả năm sống gần nhà ngoại rồi thì dịp Tết chịu khó về nhà chồng cho trọn đạo dâu con cũng là điều nên làm.

Nhưng vợ tôi không hiểu điều đó. 5 năm lấy nhau, cô ấy bày đủ trò “trốn Tết quê chồng", khi thì lấy lý do bầu bí mệt nhọc, năm thì viện cớ con ốm, không muốn đi đường xa...

Cái năm con ốm, cô ấy còn sẵn sàng lôi con đi du lịch Thái Lan vì đã đặt tour trước khiến hai vợ chồng cãi nhau to đến nỗi suýt ly hôn. Khốn khổ thay, bố mẹ vợ tôi rất bênh vực con gái. Ông bà cho rằng, thời buổi hiện đại, không nhất thiết phải đón Tết ở góc bếp. Vợ chồng con cái nên nhân cơ hội được nghỉ mấy ngày để đi du lịch cho thảnh thơi.

Có năm, một mình tôi đưa con về đón Tết, tôi bị họ hàng xoay như chong chóng bởi những câu hỏi: “Vợ đâu, sao không đưa vợ về ăn Tết?”, “Cô/dì/chú/bác còn chưa được uống chén trà Tết nào của cháu dâu đâu”… Có người thì mỉa mai: “Chú sướng nhỉ, có vợ mà như không, rảnh rang quá”. Không chỉ tôi khó xử mà bố mẹ cũng ngậm ngùi.

Tôi biết không thể làm căng với vợ nên mấy năm nay thường chọn cách xuống nước năn nỉ vợ cùng mình về nhà đón Tết. Thường thì tôi phải đặt vấn đề trước với vợ cả tháng để tránh việc cô ấy đã đặt tour du lịch hay có kế hoạch nào đó mà với cô ấy còn hệ trọng hơn cả việc về quê chồng.

Không những thế, tháng cận Tết, tôi phải nhỏ nhẹ với vợ mọi lúc, đáp ứng mọi yêu cầu của vợ. Đại thể là cô ấy muốn sao được vậy. Năm nay, tôi phải đưa toàn bộ số tiền thưởng Tết cho vợ thì cô ấy mới đồng ý về Hà Tĩnh.

Thú thật, tôi rất khó chịu về việc này và cũng biết đây không phải kế lâu dài. Nhưng trước mắt, tôi chỉ còn cách năn nỉ, lấy lòng vợ để quê nội có được cái Tết sum vầy, đủ đầy con cháu.

“Hot girl đồng phục” mặc áo dài rạng rỡ bên hoa đào đón Tết

Không ít các thiếu nữ Hà thành đã tranh thủ “thả dáng” cùng hoa đào dịp Tết đến xuân về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Mở cửa thấy Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN