Cuộc sống tự cách ly của du học sinh Việt Nam tại Pháp

Giữa những diễn biến phức tạp của dịch COVID – 19, nhiều du học sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp đã quyết định không về nước. Nhiều bạn trẻ cho rằng, ở lại cũng là trách nhiệm, giảm tải cho công tác phòng chống dịch ở quê hương.

Thanh Hương quyết định ở lại Pháp, tự cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Ảnh: NVCC

Thanh Hương quyết định ở lại Pháp, tự cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Ảnh: NVCC

Đứng yên khi Tổ quốc cần!

Những ngày qua, hàng nghìn du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới đã đáp những chuyến bay cuối cùng trong mùa dịch COVID – 19 để trở về quê hương. Nhưng bên cạnh đó, cũng rất nhiều bạn trẻ chọn cách ở lại tự vượt qua khó khăn.

Quyết định ở lại, bạn Nguyễn Thị Thanh Hương (22 tuổi, quê Nghệ An) học tập tại thành phố Caen (Pháp).

“Từ khi biết tin dịch bùng phát ở bên này, không ngày nào mà bố mẹ không gọi cho mình cả, gia đình rất lo lắng và khuyên con nên về nhà để tránh dịch. Tâm lý bố mẹ là vậy, con cái một mình học tập nơi đất khách quê người, nhỡ không may bị làm sao thì mọi người cũng không thể giúp đỡ. Mình đã rất băn khoăn nhưng cuối cùng thì quyết định ở lại bên này”, Thanh Hương chia sẻ.

Hương cho biết thêm, cô đã rất lo lắng khi được biết hầu như các ca nhiễm bệnh gần đây ở Việt Nam đều liên quan đến các chuyến bay, “nếu bay về lúc này sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bản thân và cả cộng đồng”.

Chính phủ Pháp cũng đã ban hành lệnh đóng cửa trường học và hạn chế đi ra ngoài. Điều này khiến Thanh Hương yên tâm hơn khi được tự cách ly ở nhà để bảo vệ sức khoẻ cho mình. Biến khó khăn thành lợi thế, khoảng thời gian rảnh ở nhà đều được cô gái sử dụng một cách khoa học.

“Mình thấy ở nhà cũng vui, không bị chán như tưởng tượng. Mình có rất nhiều thời gian để tập trung đầu tư nhiều hơn cho bản thân, như là ôn bài ở lớp, phát triển kênh Youtube “De21” của mình, học thêm được nhiều khoá học online miễn phí từ các trường nổi tiếng trên thế giới như Đại học Harvard. Khoảng thời gian gọi điện quan tâm sức khỏe gia đình, bạn bè cũng nhiều hơn”, Hương nói.

Đồng quan điểm với Thanh Hương, sinh viên Nguyễn Thị Bé Na (19 tuổi, quê Quảng Bình, du học sinh tại Pari, Pháp) cho rằng việc di chuyển, tập chung đông người lúc này là không cần thiết, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Du học sinh Nguyễn Thị Bé Na trả lời phỏng vấn qua video

“Chứng kiến không chỉ các bạn Việt Nam, mà cả các bạn ở các nước khác về quê tránh dịch mình rất lo. Bản thân mình cũng đã có kế hoạch trở về quê nhưng thấy tỉ lệ lây nhiễm trên các chuyến bay khá cao, các trung tâm cách ly của Việt Nam bắt đầu tình trạng quá tải, về quê lúc này không hẳn là biện pháp tốt nhất cho bản thân. Mình nghĩ ai ở đâu thì nên ở yên đó, hãy đứng yên khi Tổ quốc cần!”

Hiện tại cô gái quê Quảng Bình khá yên tâm khi ở lại Pháp, mặc dù số ca mắc COVID-19 ở nước này đã trên 29.000 người và gần 1.700 người chết. Biện pháp phòng dịch lúc này của Na cũng như các sinh viên ở lại là tự cách ly, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

“Hiện tại mình và những bạn sinh viên Việt Nam ở đây vẫn an toàn, thường xuyên ở trong nhà và không tiếp xúc với ai. Mình chỉ ra ngoài khi có nhu cầu mua thực phẩm, nước uống. Người dân ở đây cũng đã ý thức được tính nguy hiểm của dịch bệnh, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác”.

“Phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện hay trung tâm mua sắm, công viên tạm thời được khuyến cáo không sử dụng. Cộng đồng sinh viên Việt Nam cũng rất đoàn kết, thường xuyên liên lạc, đưa ra những lời khuyên cần thiết”, Bé Na chia sẻ.

Đoàn kết, sẻ chia 

Ở Pháp lúc này, Thanh Hương, Bé Na hay những sinh viên Việt Nam khác đều phải học tập, làm việc ở nhà. Lương thực, thuốc men đã được các bạn chuẩn bị đủ dùng cho khoảng một tuần. Dù tình hình có đang xấu đi, những bạn trẻ cũng luôn đặt niềm tin vào những chính sách của Chính phủ Pháp và luôn hướng về quê hương Việt Nam.

“Tự cách ly ở nhà đã làm đảo lộn một phần cuộc sống. Muốn đi mua đồ ăn hay những nhu yếu phẩm cần thiết chúng mình đều phải chuẩn bị sẵn một mẫu đơn đăng ký trình cho cảnh sát khi bị kiểm tra. Mỗi khi ra ngoài thì khẩu trang, nước rửa tay là vật bất ly thân”, Bé Na nói.

Bé Na cùng bạn thân của mình đang học tập tại Pháp. Ảnh:NVCC

Bé Na cùng bạn thân của mình đang học tập tại Pháp. Ảnh:NVCC

Dịch bệnh, hạn chế ra ngoài, du học sinh Việt Nam tại Pháp buộc phải học tập, làm việc thời gian dài ở nhà. Điều này dễ gây cảm giác bí bách, thậm chí là gây tâm lý căng thẳng. Trong hoàn cảnh khó khăn luôn có cách khắc phục, Thanh Hương thì lấy việc chăm sóc kênh Youtube “De21” của mình làm niềm vui. Còn với cô sinh viên Nguyễn Thị Bé Na thì tranh thủ chạy bộ một mình đón bình minh mỗi buổi sáng sớm hay ngắm hoàng hôn buổi chiều là cách để xua tan mệt mỏi.

Lúc khó khăn đối với sinh viên xa nhà thì tình đoàn kết luôn là thứ vũ khí sắc bén để vượt qua. Hễ có ai cần trợ giúp, nghi ngờ bản thân mình mắc bệnh là cả cộng đồng chung tay gúp đỡ.

“Mới đây mình có biết được thông tin về một bạn du học sinh bị nghi nhiễm COVID-19. Bạn ấy đã đăng bài lên nhóm UEVF (Hội du học sinh Việt tại Pháp) và hỏi các cách ứng phó. Mọi người không những đưa ra những lời khuyên bổ ích mà còn có một số anh chị sống cùng thành phố đã mang đồ ăn hay thuốc thang bổ dưỡng cho bạn ấy. Hay là có một chị đã đăng tin cho ở nhờ miễn phí với những bạn bị mắc kẹt ở sân bay vừa rồi... Thông qua đấy có thể thấy rằng tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt, mọi người luôn cố gắng hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh”, Thanh Hương chia sẻ.

Trên khắp nước Pháp cứ đến 8 giờ tối, không khí lại rộn ràng tiếng vỗ tay. Đây là lời cảm ơn, động viên dành tặng đến các y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch. Còn với Việt Nam, các bạn du học sinh luôn cảm thấy tự hào về đất nước mình, nơi mà trong cả cuộc chiến không có ai bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị cách ly, cô lập, hot girl Vũ Hán vẫn lên mạng chia sẻ cuộc sống hàng ngày giữa tâm vùng dịch

Chia sẻ nhật ký bị cô lập giữa tâm vùng dịch, hot girl Vũ Hán gây xôn xao cộng đồng mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Văn ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN