Cuộc sống muôn màu của giới trẻ Hà Nội những ngày giãn cách
Trong những ngày giãn cách để phòng dịch COVID -19, nhờ có công nghệ và mạng xã hội, cuộc sống dù bị ít nhiều ảnh hưởng nhưng nhiều bạn trẻ Hà Nôi vẫn có cách riêng vui sống an toàn và khỏe mạnh trong mùa dịch.
Nguyễn Quang Minh (24 tuổi) là huấn luyện viên thể hình làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Đặc thù công việc là hướng dẫn trực tiếp mọi người tập luyện, ngày nào cậu cũng trở về phòng lúc 10h tối. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thời gian biểu của Minh có chút xáo trộn.
Thay vì đến phòng tập, Minh sẽ đến tận nhà hướng dẫn. Tuy nhiên sau Chỉ thị 16, mọi việc đi lại của Minh phải dừng lại hoàn toàn. Mỗi buổi luyện tập chỉ là khoảng sân bé và vài ba dụng cụ như dây nhảy, xà, bao đấm.
Để đảm bảo được kinh tế, Minh phải tập chuyển sang hình thức dạy online giám sát và hướng dẫn mọi người tập luyện.
Chàng trai này chia sẻ: "Dạy online thế này sẽ không giám sát được các bạn đã tập đúng hay chưa, đồ dùng tập không phải ai cũng trang bị được nên nhiều bài tập còn hạn chế khiến hiệu quả không cao."
Trái với Minh, Quốc Anh, 23 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang làm công việc kiến trúc sư. Thời điểm giãn cách xã hội, anh phải làm tại nhà để đảm bảo tiến độ công việc.
Quốc Anh chia sẻ: "Trước đây công việc của mình rất bận, thường phải thức khuya và dậy sớm để đi làm. Nhưng từ ngày giãn cách, nhiều dự án tạm dừng, mình làm online tại nhà nên được dậy muộn hơn và có nhiều thời gian rảnh bên gia đình."
Lượng công việc giảm đi nhiều khiến Quốc Anh cũng không còn cảm thấy căng thẳng như trước.
Tạm dừng công việc, Quốc Anh quay lại với cuộc sống ngày thường trong căn phòng nhỏ và chơi đùa với chú mèo tên Min.
"Trước đây, cứ đi làm về là mình lại đến phòng Gym để tập. Nhưng sau lệnh đóng cửa và giãn cách, mình chọn sân thượng trở thành nơi tập mới, vừa thoáng mát mà vẫn đảm bảo được sức khỏe. Dù giãn cách xã hội khiến kinh tế của mình không được cao như trước, nhưng bù lại mình có thời gian rèn luyện sức khỏe, gần gũi và quan tâm tới mọi người trong nhà nhiều hơn khiến tình cảm càng khăng khít" - Quốc Anh nói.
"Mình là Lan Hương, năm nay 21 tuổi, công việc chính hiện tại là một dancer. Trước đây mình dành hoàn toàn thời gian cho việc học nhảy và đi diễn tại nhiều nơi. Từ ngày giãn cách, mình phải dừng lại hoàn toàn công việc, vì diện tích nhà mình bé nên khoảng trống trong căn bếp thành sân tập bất đắc dĩ của mình" - Hương chia sẻ.
"Tuy nhiên, cũng nhờ giãn cách, mình có thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, ăn cơm cùng với bố mẹ mà không nhịn như trước nữa. Nhờ thế mà mới có hơn chục ngày, mình đã tăng tới tận 2kg liền" - Hương chia sẻ thêm.
Cô gái tên Thanh Thanh, 21 tuổi (Đông Anh, Hà Nội), là sinh viên mới tốt nghiệp và được nhận làm giáo viên tại trường tiểu học. Tuy nhiên, sau lệnh giãn cách xã hội, Thanh Thanh tập làm quen với việc dạy online tại nhà để đảm bảo kiến thức cho các em học sinh ôn thi học kì.
"Trước đây, em vẫn kèm trực tiếp các bạn học. Sau chỉ thị, em phải tập làm quen với việc dạy online, lúc đầu gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn vì trước đấy em chỉ cần nhập vào là học thôi, còn đến giờ mình phải tự tạo mọi thứ để các con vào học. Không những thế, giáo án mình cũng phải thay đổi đề phù hợp với mùa dịch này" - Thanh cho biết.
Sau những giờ dạy online, Thanh dành thời gian chăm sóc vườn rau sau nhà giúp gia đình mà trước đây cô chưa từng làm bao giờ.
Còn đối với Quốc Cường, 14 tuổi (Đông Anh, Hà Nội). Năm nay Cường lên lớp 9, khối lượng học dày đặc để ôn thi vào 10. Tuy nhiên, những ngày giãn cách, lượng công việc của cả mẹ và bố đều tăng lên vì nhiều người về quê. Chính vì thế, Cường phải đảm nhận cả công việc nấu cơm và trông em giúp bố mẹ.
Nam sinh chia sẻ: "Mấy hôm đầu nấu cơm còn bị chê, nhưng sau vài ngày mọi người đều khen cơm em nấu ngon, nhất là ông nội".
Mỗi ngày, sáng từ 8h-11h30, chiều 14h-17h là thời gian học của Cường.
Vì dịch bệnh, Cường đã học online trong suốt thời gian dài, lúc đầu có hơi chút khó hiểu sau dần cũng thành quen với phương pháp học này.
Từ ngày giãn cách, chiếc giường nhỏ của Cường thành sàn đấu vật, chơi cờ với cậu em trai.
Cường mê bóng lắm, nhưng vì dịch, sân bóng của em chỉ thu nhỏ lại bằng khoảng hiên của tầng 2 sau mỗi giờ học căng thẳng. “Ngày trước nghỉ ở nhà, không quen, em chán lắm. Giờ đỡ hơn rồi, hai anh em lúc nào cũng tự nghĩ ra trò để chơi”, Cường kể lại.
Hơn hết, cả Minh, Quốc Anh, Cường, Thanh và Hương cùng mọi người dân đều mong muốn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, sẽ không phải có thêm một đợt giãn cách nào nữa và cuộc sống sẽ ổn định trở lại như trước.
Nam thanh niên chong đèn điện sáng trưng để livestream đếm từng hạt gạo trên mâm suốt nhiều giờ, thu hút cả nghìn người...
Nguồn: [Link nguồn]