Cuộc sống lao đao vì bị chế ảnh
Không chỉ ảnh hưởng tới chính bản thân mình, nhiều bạn trẻ chế ảnh quá đà vô tình làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị đem ra chế.
Trào lưu chế ảnh ngày càng phổ biến, được cộng đồng mạng quan tâm, với nội chế ngày càng phong phú va đa dạng. Ngoài chế những nhân vật chỉ có trên phim ảnh, truyện tranh, ảnh troll… thì nhiều nhân vật ngoài cuộc sống đời thực vô tình bị đem ra chế.
Bỗng dưng nổi tiếng vì một bức ảnh
Nhân vật nổi bật nhất hay bị đem ra chế nhất phải kể đến “Phồng Tôm”, thường được gọi là thánh Phồng. Nhân vật này trên thực tế được dân mạng “biến tấu” ra từ bức ảnh của Phạm Minh Phú (27 tuổi, Thái Nguyên) khi còn bị tạm giữ ở cơ quan công an vì tội trộm tài sản. Đến khi Phú được ra tù, anh mới biết mình ảnh mình đang bị đem ra chế.
Công việc của Phạm Minh Phú sau khi ra tù rất chật vật vì bị chế ảnh quá nhiều
Anh đã phải viết tâm thư kêu gọi cộng đồng mạng dừng trò đùa này lại. Lý do vì ảnh hưởng đến gia đinh, bản thân cuộc sống Phú bị đảo lộn, ra đường bị nhiều người soi mói, việc kinh doanh gặp khó khăn. Việc bán nước ở Hà Nội bấp bênh do bị chế ảnh nên Phú đã phải vào Nam sinh sống. Nhưng vẫn không tránh khỏi sự phiền phức nên lại đành chuyển về Thái Nguyên mở cửa hàng điện thoại, dù vậy Phú vẫn không được yên ổn, anh lại về Hà Nội.
Tương tự, sau khi có phát ngôn gấy sốc truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn, Nhật Nam đã bị coi là hiện tượng "chế" ảnh. Nhiều bạn trẻ làm thơ, ghép ảnh để chế giễu, ném đá cậu bé mới tròn 12 tuổi. Nặng nề hơn, một nữ sinh tại Hà Tây đã uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bị chế ảnh vào tấm hình quảng cáo in ảnh cô gái mặc áo rộng cổ.
Thậm chí, chỉ lỡ viết một trạng thái trên mạng xã hội cũng có thể bị đem ra chế, và trở thành một trào lưu lan truyền nhanh. Như trường hợp bạn Q.A (18 tuổi, Hà Nội), chỉ viết một dòng ngắn trên mạng xã hội về việc trách bạn trai đi chơi chỉ mang theo 100.000 đồng. Nội dung bị chụp lại, đăng tải trên mạng và nhanh chóng trở thành trào lưu.
Chỉ một phát ngôn trên mạng xã hội, đã bị cộng đồng mạng săm soi, trở thành trào lưu chế
Không cần biết thực hư câu chuyện như thế nào, hàng loạt ảnh chế chỉ trích cô gái, trêu đùa, châm biếm xuất hiện. Chia sẻ về chuyện của mình, Q.A bực tức: “Mình rất khó chịu nên không muốn quan tâm, bàn luận gì về chuyện này nữa. Mình thấy rất vớ vẩn, vô tình ảnh hưởng đến cuộc sống riêng. Rất may là cuộc sống của gia đình, bạn bè mình không vì thế mà ảnh hưởng”.
Nhiều trường hợp vô tình “bị” nổi tiếng như chuyện “hot girl” bánh tráng trộn. Từ một clip phỏng vấn vui của một bạn bên một công ty du lịch tại Đà Lat, cô gái Lưu Hoài Bảo Chi (19 tuổi, Đà Lạt) nhanh chóng nổi tiếng. Hình ảnh cô gái xinh xắn nhanh chóng “hâm nóng” các trang mạng, diễn đàn. Kéo theo đó, nhiều tài khoản mạng xã hội, fanpage giả mạo cô gái bánh tráng trộn được lập lên.
"Anh chàng bánh giò" cũng là nhân vật được cư dân mạng "ưu ái" chế ảnh
Nói về chuyện “bỗng dưng nổi tiếng”, Chi thật thà cho biết: “Em cũng chỉ mới biết chuyện này. Nhiều bạn đi ngang, vào mua và xin chụp hình. Em cũng vui vẻ nhận lời. Nhưng một ngày của em, sáng làm bánh, chiều bán đến tối khuya thì không có xài mạng xã hội, nên không biết có người giả mạo mình”.
Thận trọng với cộng đồng mạng
Với sự săm soi nhanh nhạy của cộng đồng mạng, chỉ cần một tấm ảnh, phát ngôn không chuẩn trên mạng, họ sẽ rơi vào tầm ngắm của không ít "anh hùng bàn phím". Bạn Dương Hữu Thế, admin một trang chế cho biết: “Việc chế nội dung gì hầu như là do ngẫu hứng của thành viên, thường có gì nóng, cộng đồng mạng lại thi nhau chế. Những người chế có nhiều bạn rất trẻ, nên chỉ nghĩ đến chế thôi nên không nghĩ sâu xa, đôi khi lại bị “giật giây” bởi những chủ trang chế. Nên chắc chắn những ai bị chế đều ảnh hưởng tới riêng tư”.
Từng có trường hợp một bạn trẻ bị công an điều tra vì chế ảnh. Chỉ với mục đích trêu đùa, Nguyễn Ngọc Điệp đã ghép hình ảnh xe CSGT nhằm tạo ra hiện trường giả vụ tai nạn của xe ô tô CSGT Công an huyện Thường Xuân, Thanh Hóa rồi đăng lên trang mạng xã hội. Sau vụ việc, Điệp bị công an triệu tập điều tra làm rõ hành vi của mình.
Nói về vấn đề này, bạn Nguyễn Khắc Tâm (ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Có nhiều bạn thường xuyên lang thang trên mạng hoặc không có việc gì làm nên hay phát hiện ra nhiều vấn đề hay để chế. Đối với mình và nhiều thành viên khác khi chế cũng có nguyên tắc riêng như không chế ảnh dung tục, phản cảm, đụng chạm đến vấn đề tôn giáo, chính trị”.
Trong khi đó, theo Dương Hữu Thế, những bạn trẻ chế ảnh quá đà, thiếu suy nghĩ ngày càng nhiều, lại được các trang chuyên chế khuyến khích, nên cách tốt nhất để không bị đem ra chế là cẩn thận. “Chẳng hạn với những người dùng mạng xã hội, thì họ nên tự để phòng cho mình, đừng quá mang việc riêng tư lên trên đấy. Vì chỉ cần một phát ngôn, một hình ảnh… cũng sẽ bị “soi” va đem ra làm chủ đề chế”.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Sở thích "chế ảnh cho vui" của bạn trẻ
Bà Tưng: Chẳng ai dám yêu em đâu!