Cuộc sống khó nhọc của cặp đũa lệch chênh nhau 17 tuổi ở Hà Nội
Mặc kệ lời can ngăn của gia đình, lời xì xào của mọi người xung quanh, anh Huân và chị Linh quyết định “góp gạo thổi cơm chung” dù chị Linh hơn anh Huân đến 17 tuổi.
Tiệm spa của chị Linh nằm khá khiêm tốn với tấm biển quảng cáo đã phai nhạt chữ.
Mối tình qua mạng
Chị Nguyễn Thị Linh (SN 1970), quê ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP. HN. Chị từng trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ. Người chồng trước hơn chị nhiều tuổi. Tưởng anh sẽ là bờ vai vững chắc để chị tựa vào nhưng việc chênh lệch tuổi khiến cuộc hôn nhân của họ không có tiếng nói chung. Những cuộc cãi vã căng thẳng kéo dài triền miên khiến hai vợ chồng quyết định ly hôn. Cô con gái lớn vào TP. HCM ở với bố, còn cậu em trai ở lại TP. HN với mẹ.
Ngoài 30 tuổi, chị ly hôn và rời khỏi gia đình chồng với hai bàn tay trắng. Chị Linh nuốt nước mắt vào trong, tự nhủ sẽ cố gắng kiếm nhiều tiền để nuôi con ăn học. Nhiều đêm, chị Linh cô đơn, tủi hờn, mong có một người đàn ông để chia sẻ. Nhưng chị nghĩ đến nhiều trường hợp con bị cha dượng bạo hành là lại nén nỗi khát khao xây dựng tổ ấm mới vào trong lòng.
Đến khi con trai lên lớp 7, chị Linh mới dám tìm hiểu những người đàn ông xung quanh. Chị sử dụng Facebook để kết bạn, giao lưu với mọi người cho khuây khỏa. Trong một lần tìm kiếm bạn bè, chị Linh vô tình quét trúng anh Phạm Văn Huân (SN 1987), quê ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Anh Huân từng có một đời vợ và hai đứa con nhỏ.
Lượng khách tới chăm sóc da mặt rất ít khiến kinh tế gia đình trở nên khó khăn.
Thời gian đầu, trò chuyện với nhau trên mạng xã hội, hai anh chị đều nói rõ với nhau về tên tuổi, quê quán. Anh chị coi nhau như những người bạn, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Nhưng càng tâm sự, họ lại tìm được nhiều điểm chung. Dần dần không biết từ khi nào, họ nảy sinh tình cảm với nhau.
Chị Linh từng hốt hoảng khi phát hiện rằng thích được trò chuyện, chat video với anh Huân. Chị Linh thấy bản thân như cô thiếu nữ mới lớn, luôn e ấp dịu dàng, khao khát được yêu. Anh Huân và chị Linh say đắm ở bên nhau, bỏ ngoài tai lời khuyên can của gia đình. Thậm chí, mẹ anh Huân dọa rằng sẽ từ mặt con trai nếu như con vẫn nhất quyết đòi lấy người đàn bà lớn hơn 17 tuổi.
Chị Nguyễn Linh chia sẻ với phóng viên: “Chuyện tình của tôi và anh ấy không được gia đình ủng hộ. Con trai tôi cũng tỏ thái độ ra mặt không thích cha dượng. Đó là điều tôi lo lắng nhất bởi thằng bé đang ở độ tuổi phát triển. Tôi không muốn việc tôi lấy chồng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của con”.
Vượt qua rào cản tuổi tác chênh lệch, vượt qua sự cấm đoán, can ngăn của gia đình, anh Huân và chị Linh quyết định về chung một nhà. Bố mẹ chị Linh phản đối kịch liệt, cho rằng chị là đứa con bất hiếu, vì cảm xúc của bản thân mà sống trái với luân thường đạo lý. Càng cấm cản, anh chị càng yêu nhau mãnh liệt, quyết chứng minh cho mọi người thấy tình yêu của mình là đúng đắn, sẽ hạnh phúc ngọt ngào.
Đời không như cuốn ngôn tình
Đời không như mơ, về chung một nhà mới nảy sinh mâu thuẫn. Bên nhau 24/24, anh Huân bộc lộ nhiều nhược điểm mà chị Linh khó lòng chấp nhận. Khi yêu đương tìm hiểu, chị Linh chết mê chết mệt sự hài hước, tếu táo của anh Huân. Nhưng khi lấy nhau rồi, chị chẳng còn thấy đó là sự đáng yêu nữa. Mỗi lần anh pha trò, chị chỉ thấy bực dọc, khó chịu. Thấy vợ như vậy, anh Huân cũng trở nên im lặng, xa cách dần.
Căn phòng thuê vừa là nơi làm mặt cho khách, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình.
Bên cạnh đó, anh chị cũng không có sự tương đồng về chuyện chăn gối. Anh Huân đang ở độ tuổi sung sức nhất. Còn chị Linh lại ở tuổi mãn kinh, không hứng thú với chuyện quan hệ vợ chồng. Từ đây, khoảng cách giữa họ ngày càng lớn.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai người phụ nữ. Trước kia, anh Huân chạy xe kiếm được đồng ra đồng vào phụ giúp vợ và gửi tiền ăn học cho hai đứa con riêng ở quê. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội khiến anh mất việc. Suốt vài tháng, anh nghỉ chạy xe, ở nhà quanh quẩn giao đơn hàng hộ vợ. Đại dịch đã khiến anh Huân trở nên lao đao, kiệt cùng.
Bếp nấu được đặt ngay xuống nền đất tuềnh toàng.
Không có bàn thờ, chị Linh đặt bát hương lên nóc tủ.
Căn phòng trọ vỏn vẹn 40m2 vừa là cửa hàng spa, vừa là nơi sinh hoạt của ba con người. Chị Linh mới bỏ ra 15.000.000 đồng để tu sửa. Chị thuê thợ lát lại gạch, dán giấy tường để căn phòng trông sáng sủa, sạch sẽ hơn. Bên ngoài cửa có treo một tấm biển về nghề spa chăm sóc da, chủ yếu phục vụ khách địa phương.
Bên trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp có kê ba chiếc giường đơn. Ga giường, gối chăn không đồng bộ, cũ mèm. Căn nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tivi treo tường, chiếc điều hòa cũ. Cạnh mấy chiếc giường là những vật dụng hành nghề của chị.
Có lẽ chúng tồn tại trên 10 năm bởi trông đều lỗi thời, cũ kĩ. Mấy cái máy xông hơi ì ạch chạy, liên tục bị ngắt điện. Thuyền xông giảm mỡ bụng vứt chỏng chơ một xó, đã lâu không dùng tới. Kế cửa sổ là chiếc kệ để mỹ phẩm, thuốc bôi da nhưng nhìn hoang tàn, thiếu chuyên nghiệp. Tấm biển quảng cáo trên tường đóng một lớp bụi dày, vàng ố theo năm tháng.
Tấm biển quảng cáo treo tường đóng một lớp bụi dày.
“Hằng ngày, anh phụ tôi đi giao hàng tới các spa, thẩm mĩ viện trên địa bàn. Nhưng gần đây, khách buôn cũng chẳng nhiều. Khách lẻ thì lại càng không có. Có khi vài ba ngày mới được 1-2 khách. Vợ chồng ra vào chạm mặt nhau, chán không buồn nhìn. Chẳng biết spa trụ nổi đến bao giờ. Không may spa đóng cửa, tôi biết làm gì để nuôi con ăn học”, chị Linh thở dài. Trên gương mặt chị hiện rõ vẻ âu lo, bất lực.
Chuyện tình lãng mạn, vĩnh cửu với thời gian chỉ có trong những cuốn ngôn tình. Thực tế ngoài đời phũ phàng, cay đắng. Ai rồi cũng khác, ai rồi cũng thay đổi theo hoàn cảnh. Cặp đũa lệch kém nhau 17 tuổi cũng không chiến thắng được nghiệt ngã cuộc đời. Họ cũng “xô bát, xô đũa”, có những quan điểm bất đồng trong hôn nhân. Sau gần 4 năm kết hôn, chẳng hoa quà, chẳng lời có cánh yêu thương, quanh họ là nỗi lo gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn.
Nguồn: [Link nguồn]
Vượt qua định kiến xã hội, ngăn cấm của gia đình, cặp đũa lệch ở Hưng Yên vẫn quyết định “góp gạo thổi cơm chung”....