Cuộc sống đằng sau nghề làm giàu trên sóng trực tuyến
Từ sau đại dịch COVID-19, nhu cầu và thói quen mua sắm trực tuyến tăng cao đã tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ tham gia vào xu hướng nghề nghiệp mới - làm giàu trên sóng trực tuyến.
Có thể hiểu, người phát trực tiếp (streamer) là người tạo ra nội dung số để phát trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, hoạt động livestream cho phép người dùng xem và tương tác với nội dung trực tiếp mà không cần phải tải xuống hay chờ đợi để xem sau.
Từ những ưu điểm của hình thức tương tác, quảng bá trực tuyến, ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích kinh doanh, khởi nghiệp đã chọn livestream bán hàng qua mạng để giảm chi phí về vốn, mặt bằng mà đem lại doanh thu ổn định.
Thu nhập hấp dẫn
Mỗi tháng, bạn Trần Mạnh Đức (SN 1991, ở TPHCM, nickname Anh Bụng Mỡ) duy trì từ 20 đến 25 buổi livestream bán hàng trên TikTok, lượt live tương tác mạnh nhất lên đến 10 nghìn người xem.
Với gần 1 triệu người theo dõi trên TikTok, Đức đã tìm sản phẩm phù hợp từ các nhãn hàng rồi livestream giới thiệu tới người theo dõi kênh. Khi khách hàng chọn mua sản phẩm qua livestream của Đức, anh sẽ nhận được chiết khấu từ 10 đến 20 phần trăm từ nhà cung ứng.
Để thu hút được đông đảo người xem, trước mỗi buổi phát trực tiếp, Đức và ekip sẽ đăng một video ngắn có nội dung thông báo về sản phẩm, giá cả, khung giờ săn hàng tốt nhất để khách hàng cảm thấy hứng thú.
Theo TikToker này, để bán được những sản phẩm ẩm thực trên online, anh đã đầu tư thiết bị quay, chụp, đèn chiếu sáng để món ăn hiện lên trông ngon, chân thực, khách quan… kích thích nhu cầu ăn uống của người xem.
Hỗ trợ livestream của Đức còn có 8 người, phụ trách ghim link mua sản phẩm lên đầu livestream, ăn thử ngay trên sóng trực tiếp và cân đối giá cả để người bán không lỗ, người mua được giá phù hợp.
Nhờ có lượt tương tác ổn định, Đức có thu nhập ổn định mỗi tháng từ việc bán hàng trực tuyến. Anh cho biết, việc livestream thường xuyên sẽ khiến cho khách hàng nhớ đến mình nhiều hơn và tạo thói quen cho người tiêu dùng.
“Số lượng người xem live chủ yếu là những người hâm mộ mình và tin vào hoạt động review (trải nghiệm sản phẩm) qua các video đăng trên TikTok trước đó. Vì vậy, những sản phẩm mình bán qua livestream đã được sự ủng hộ, tin dùng của khách hàng trong thời gian gần đây. Cộng với việc nền tảng TikTok đã hỗ trợ nhiều mã mua hàng giảm giá, miễn phí vận chuyển nên người xem đã chọn mua hàng trực tuyến thay vì phải đến trực tiếp các cửa hàng”, Đức nói.
Bắt nhịp với xu hướng mua sắm online đang phát triển mạnh mẽ, chàng trai tên Nguyễn Khắc Quang (sinh năm 1997, sống ở Đà Lạt, nickname Xù Lèo) cũng duy trì livestream vài buổi/tháng như một hoạt động bên lề để tăng thu nhập bên cạnh hoạt động kinh doanh trực tiếp.
Hiện, anh có gần 2 triệu người theo dõi và gần 65 triệu lượt yêu thích trên nền tảng mạng xã hội TikTok với định hướng phát triển các nội dung gần gũi, chân thực về cuộc sống và kể về hành trình khởi nghiệp của bản thân.
“Các con số “ảo” này đã giúp mình bán sạch đơn hàng trong kho chỉ trong 30 phút đầu livestream, mặc dù chỉ có vài nghìn lượt xem mỗi buổi. Bởi lẽ, nhiều khách hàng hiện nay có nhu cầu xem trải nghiệm sản phẩm trực tiếp từ người bán, cách sử dụng như thế nào, đánh giá từ những khách hàng khác ra sao…rồi mới ra quyết định mua hay không. Vì vậy, livestream là một hình thức đáp ứng được nhu cầu thông tin về sản phẩm và tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng”, Quang nói.
Cuộc sống đằng sau cơn “bão view”
Đằng sau ánh hào quang và thu nhập hấp dẫn từ nghề làm giàu trên sóng trực tuyến, Trần Mạnh Đức (SN 1991, ở TPHCM, nickname Anh Bụng Mỡ) cũng thừa nhận, cuộc sống sau “cơn bão đơn” không hề dễ dàng.
Mỗi ngày, Đức chỉ ngủ 5 tiếng, thời gian còn lại anh dành để lên kịch bản tạo hình mẫu livestream, tìm hiểu kỹ về sản phẩm, thương lượng giá với các nhãn hàng và tập luyện về giọng nói, thần thái trước khi lên hình. Đặc biệt, việc truyền tải thông tin về sản phẩm sao cho vừa theo trend (trào lưu), vừa cuốn hút nhưng không được phóng đại sản phẩm cũng là một tiêu chí quan trọng trong mỗi buổi livestream.
Vì là địa chỉ trung gian, có vai trò kết nối và cung cấp sản phẩm giữa nhà cung cấp và khách hàng, Đức luôn phải làm tốt 2 nhiệm vụ, vừa đại diện cho nhãn hàng khắc phục các lỗi cho mỗi sản phẩm bán ra, vừa lựa chọn sản phẩm tốt để phục vụ khách hàng.
“Mình không chắc sẽ chiều lòng hết được khách hàng bởi trong lĩnh vực ẩm thực, mỗi người sẽ có khẩu vị khác nhau, có thể ngon với mình nhưng không ngon với khách.
Trong quá trình vận chuyển đơn hàng, sản phẩm bị hỏng hay biến dạng, mình đều phải lấy kinh phí cá nhân để hoàn trả, bù lại sản phẩm cho khách hàng để giữ uy tín và giá trị trong các phiên livestream tiếp theo”, Đức kể.
Nam TikToker cũng từng trăn trở về việc, làm sao để không làm mất lòng các đại lý, cửa hàng bán lẻ nếu khách hàng có xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian trải nghiệm, anh nhận thấy, số lượng hàng bán trên livestream sẽ có giới hạn về số lượng đơn và không phải lúc nào cũng lên sóng. Điều này sẽ giúp sản phẩm của nhãn hàng được quảng cáo tốt hơn, khi đó, các đại lý bán lẻ sẽ có thêm doanh thu từ lượng khách hàng mới.
Quyết định nghỉ làm streamer được hơn 2 năm nay, cô bạn Hà Kiều Trang (SN 1998, ở Hà Nội) hiện có hơn 800 nghìn lượt theo dõi trên Facebook, chuyển sang làm mẫu ảnh, KOL và học thêm về quản lý.
Trước đó, Trang có ước mơ trở thành một nhà sáng tạo game và đam mê thiết kế đồ họa nên đã thử làm streamer từ cuối năm 2018. Không "màu hồng" như Trang nghĩ, nhiều áp lực và sức nặng từ cộng đồng mạng đã thử thách cô mỗi khi nhấn nút "live".
"Làm streamer không như các công việc khác, có khi phải làm cả ngày nghỉ, ngày lễ vì lúc đó mọi người mới rảnh để xem. Mỗi ngày chỉ ngủ từ 4 đến 5 tiếng, nhưng thu nhập thời điểm đó không cao, chỉ dưới mức 10 triệu đồng.
Điều khiến mình bị áp lực hơn đó là dễ bị soi mói và xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, từ chuyện tình cảm cá nhân đến tài chính cũng dễ bị bàn tán", Trang chia sẻ về lý do khiến cô quyết định nghỉ làm streamer.
Đưa ra nhận định về xu hướng nghề nghiệp này, TS. Phạm Ngọc Linh (Trưởng khoa Công tác Xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho hay, đã có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ hoạt động livestream bán hàng, biết tận dụng các công cụ tất yếu của công nghệ 4.0 để quảng cáo sản phẩm và đem lại nguồn thu lớn.
“Để làm được streamer, bạn trẻ chỉ cần đáp ứng các tiêu chí khá nhẹ nhàng, dễ tiếp cận như: có năng khiếu giao tiếp với cộng đồng mạng trên sóng trực tiếp; không yêu cầu bằng cấp, kỹ năng chuyên sâu... Tuy nhiên, trước đó, người bán hàng phải có thương hiệu và lòng tin nhất định bằng những nội dung có giá trị và đem lại hiệu quả tích cực cho người xem trong một vấn đề, lĩnh vực nào đó”, TS. Linh nói. Còn với một bộ phận streamer “lên nhanh nhưng kém bền”, tăng view từ những nội dung phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục để bán hàng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt giới trẻ nói riêng và cộng đồng người bán hàng trực tuyến nói chung. “Vì vậy, các “chiến thần livestream” hãy thận trọng với các quyết định, hành vi trên sóng trực tuyến để tạo ra cộng đồng kinh doanh, sáng tạo số có cạnh tranh lành mạnh”, TS. Linh chia sẻ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một ngôi sao mạng đã đổi căn hộ áp mái xa hoa trị giá 1 triệu bảng và mức lương 120.000 bảng một năm của mình để sống toàn thời gian trong một chiếc xe tải.