Cuộc sống của vợ Việt với gia đình chồng ở vùng nông thôn nước Mỹ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Người vợ Việt chọn sống chung với bố mẹ chồng ở vùng nông thôn nước Mỹ, nhưng vẫn dạy tiếng Việt cho các con mỗi ngày để các bé luôn nhớ về cội nguồn, quê hương.

“Xúc xắc xúc xẻ

Năm mới năm mẻ

Nhà nào còn thức

Mở cửa cho chúng tôi…”

Trong căn nhà nhỏ ở vùng nông thôn thuộc bang Arkansas, nước Mỹ, hai cô con gái nhỏ vừa làm bánh vừa nghêu ngao hát các bài vè tiếng Việt. Hình ảnh 2 cô bé lai Việt-Mỹ hát và đọc thơ, vè tiếng Việt khiến nhiều người thích thú và ngưỡng mộ.

Người đứng sau những video ấy, cũng là người kiên trì dạy 2 con gái học tiếng Việt trên đất Mỹ là chị Nguyễn Hoài Nhân (quê Bà Rịa - Vũng Tàu).

Kết hôn với anh Jason Sciss đã 13 năm nhưng chị Nguyễn Hoài Nhân mới chuyển sang định cư ở Mỹ được một năm rưỡi. Trong căn nhà của bố mẹ chồng chị, 6 người thuộc 3 thế hệ cùng nhau chung sống – một phong cách hoàn toàn khác với suy nghĩ của nhiều người về cấu trúc gia đình điển hình ở Mỹ.

Chị Nhân (ngoài cùng bên phải) cùng 2 con gái nấu nướng

Chị Nhân (ngoài cùng bên phải) cùng 2 con gái nấu nướng

Trước đó, anh Jason dạy tiếng Anh ở Bà Rịa, còn chị làm bánh và bán bánh online ở quê nhà. Trước khi cả hai bước vào mối quan hệ nghiêm túc, chị từng thỏa thuận với anh rằng, chị không có ý định sang Mỹ và anh đã đồng ý. 

“Nhưng sau khi có con, tôi lại nghĩ cho con. Tôi muốn con có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại hơn. Cùng lúc đó, ông bà nội tụi nhỏ cũng mong muốn được sống cùng con cháu. Thế là, cả nhà dắt nhau về Mỹ” – chị kể.

Khi mới sang Mỹ, gia đình chị ở một thành phố khác cũng thuộc tiểu bang Arkansas. Trong một lần về thăm ông bà nội tụi nhỏ, chị bị mê hoặc bởi cảnh vật và thiên nhiên nơi đây. Chị tìm hiểu về trường học ở đây thì thấy cơ sở vật chất cũng không thua gì so với thành phố. “Đó là lý do cả gia đình về đây làm nông dân”.

Từ thợ bánh thành nông dân

Gia đình chị Nhân hái quả ngọt sau hơn 1 năm về nông thôn

Gia đình chị Nhân hái quả ngọt sau hơn 1 năm về nông thôn

Thời gian đầu chuyển về đây, chị thích cảm giác mỗi sáng bước ra vườn - được thỏa sức nghe tiếng chim hót, hít thở bầu không khí trong lành, được ngắm nhìn sự thay đổi của thiên nhiên theo từng mùa, đặc biệt là mùa thu.

Mỗi lần bước ra sân, chị lại được ngắm một bức tranh thu thiên nhiên khổng lồ ngay trước mắt, đẹp không bút nào tả xiết. Nhưng sau đó mới thực sự là quãng thời gian khó khăn để thích nghi. 

Khi còn ở Việt Nam, chị chưa từng có kinh nghiệm làm ruộng vườn, thậm chí “trồng cây nào, chết cây ấy”. “Vì thế, làm nông là một công việc vượt quá khả năng của tôi” – chị hài hước chia sẻ.

Vợ chồng chị bắt tay vào dọn dẹp, khai hoang vì cả chục năm nay không ai chăm sóc khu đất của gia đình, cây cỏ rậm rạp um tùm. Lần đầu tiên chị biết cầm máy cắt cỏ, máy cưa cây. “Vừa sợ rắn, vừa bị côn trùng tấn công… bao khó khăn khiến tôi có lúc muốn bỏ cuộc, muốn chuyển đến khu vực đông dân cư hơn.

Tôi có thể học để làm những công việc khác như nhiều người Việt sang đây. Nhưng càng nhìn nỗ lực xây dựng cuộc sống mới của gia đình, tôi càng có thêm động lực và cố gắng từng chút mỗi ngày”.

Những loại rau Việt Nam được chị Nhân trồng trong vườn nhà

Những loại rau Việt Nam được chị Nhân trồng trong vườn nhà

Mọi cố gắng của anh chị cùng 2 cô con gái Violet, 8 tuổi và Lily, 11 tuổi cũng dần mang lại kết quả tích cực. Sau 1 năm chuyển về nông thôn, bây giờ cuộc sống của gia đình đã ổn hơn rất nhiều. Hai cô con gái ngày càng năng động, giỏi việc nhà và làm vườn hơn. 

Chị Nhân chia sẻ, hiện tại công việc chính của chồng chị vẫn là đầu bếp. Chị là “nhân sự” chính gây dựng lên một vườn rau hữu cơ cho gia đình. “May mắn là sang đây mình đổi vận. Khu vườn cho thu hoạch khá tốt, đã có rau củ dư để tặng bớt cho bạn bè, hàng xóm”. 

Chị cũng trồng thêm nhiều loại rau thơm của Việt Nam như diếp cá, rau răm, húng quế, ngò gai, sả, lá lốt… Những loại rau này hoàn toàn không được bán ở nơi chị sống, vì ở đây không có cộng đồng người Việt. “Chỉ hơi tiếc là ở đây một năm chỉ trồng rau củ được khoảng 6-7 tháng thôi. Vào mùa lạnh thì không trồng được nữa”. 

Sống chung với bố mẹ chồng

Hai bé Violet và Lily tự tay làm bánh chúc mừng sinh nhật ông nội

Hai bé Violet và Lily tự tay làm bánh chúc mừng sinh nhật ông nội

Nàng dâu Việt cho rằng, việc chung sống nhiều thế hệ chắc chắn sẽ không tránh khỏi những bất đồng, ngay cả với người thân ruột thịt cũng vậy.

“Nhưng vấn đề là hai bên biết cảm thông, hạ cái tôi của mình xuống một chút, người trẻ tôn trọng người già, người già chiều ý người trẻ thì việc sống chung với ba mẹ chồng cũng không khó khăn lắm. Văn hóa tây, ta gì thì cốt lõi một gia đình hạnh phúc vẫn là yêu thương và tôn trọng nhau”.

Chị chia sẻ, chị rất cảm kích ba mẹ chồng. Ngoài việc yêu thương con cháu, ông bà còn rất tôn trọng ngôn ngữ, văn hóa và ẩm thực Việt Nam. 

“Ngày trước vì có chút trục trặc về giấy tờ mà tôi không thể sang Mỹ cùng cha con Jason, khoảng một năm rưỡi sau đó tôi mới sang được. Trong thời gian không có tôi bên cạnh, Jason bận việc, ba mẹ chồng chính là người luôn nhắc nhở và đốc thúc Lily ôn tập tiếng Việt vì sợ con bé quên.

Ông bà cũng giải thích cho con bé vì sao phải học tiếng Việt dù đã sang Mỹ. Khi tôi sang đoàn tụ rồi, ông bà lại luôn hưởng ứng và thích thú với những món ăn quê hương của con dâu, và cả những ngày lễ như tết Nguyên đán, tết Trung thu...”.

Chị nói, bố mẹ chồng của chị ở Mỹ cũng không khác bố mẹ chồng Việt Nam là mấy.

“Ông bà nào cũng thích được chăm sóc con cháu. Nhưng sự khác nhau là ông bà ở Việt Nam thì hay yêu thương con cháu kiểu bao bọc, sợ tụi nhỏ mệt hoặc làm không đúng ý mình nên cứ lụi cụi làm miết. Còn ông bà ở Mỹ thì cứ để con cháu xoay xở, kết quả ra sao cũng được. Nếu cần giúp thì ông bà sẵn sàng”.

Giữ gìn tiếng Việt cho các con

Từ khi sang Mỹ, môi trường sống của các con chị không có người Việt, nên chỉ còn cơ hội nói tiếng Việt với mẹ trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị để cho các con bỏ quên tiếng Việt.

Chị luôn cố gắng giao tiếp, tương tác với các con bằng tiếng Việt nhiều nhất có thể. Chị cũng thường xuyên nhắc nhở và giải thích cho các con về quê mẹ, nơi các con được sinh ra để các con không quên cội nguồn và hiểu được tầm quan trọng của tiếng Việt đối với các con. 

“Sở dĩ tôi coi trọng việc giữ gìn tiếng Việt cho các con, là vì các con còn cả gia đình ngoại ở Việt Nam luôn yêu thương và trông ngóng ngày các con trở về thăm quê. Ngày nhỏ, các con đã được bà ngoại và các dì, cậu yêu thương, chăm sóc rất nhiều.

Tôi giữ tiếng Việt cho các con để một ngày nào đó các con trở lại Việt Nam thì vẫn có thể tương tác tốt với những người thân. Các con về Việt Nam với tư cách là con cháu về thăm quê hương, chứ không phải là khách du lịch đến một đất nước xa lạ.

Ngoài ra, trong thời buổi hội nhập, biết càng nhiều ngôn ngữ càng có lợi thế, tương lai càng rộng mở, thì tại sao mình lại có thể để mất một ngôn ngữ vừa đẹp, vừa là tiếng mẹ đẻ của mình?” – chị tâm sự. 

Ảnh và video: Nhân vật cung cấp

Nguồn: [Link nguồn]

Cũng giống như các nàng dâu ở Việt Nam, hội chị em lấy chồng Tây cũng luôn có nhiều cung bậc cảm xúc mỗi dịp Tết đến xuân về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thảo ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN