Cuộc gọi trước đêm giao thừa
Anh như thấy mình được trở lại những ngày còn thơ bé háo hức chờ đón giao thừa để được nghe tiếng pháo nổ đì đùm ngoài hiên.
Như đã nói với vợ từ mấy hôm trước, năm nay chuyển công tác về gần rồi anh sẽ ở nhà đón giao thừa cùng với chị và các con. Đã lâu lắm rồi anh mới lại được quây quần cùng vợ con bên mâm cỗ Tất niên chiều 30 Tết. Anh còn giúp chị sắp xếp mâm lễ chuẩn bị cúng giao thừa. Sự lóng ngóng của anh khiến chị phì cười: “Bác sỹ chỉ quen với dao kéo, băng gạc thôi”.
Anh luôn cảm ơn người vợ đã làm tất cả chỉ vì tin và yêu anh (Ảnh minh họa)
Anh nhìn chị âu yếm rồi khẽ đưa tay lên vuốt mái tóc chị. Đâu phải vậy, là anh may mắn lấy được một người vợ đảm đang như chị nên anh mới có thể yên tâm dành tất cả tâm huyết vào công việc mà anh hằng mơ ước. Trong sâu thẳm, anh luôn thầm biết ơn chị, người phụ nữ đã vì anh mà hy sinh rất nhiều, luôn ủng hộ anh trong mọi quyết định cũng như công việc.
Xong xuôi mọi thứ, anh bước ra ngoài ban công nhìn về phía quảng trường. Nơi chỉ lát nữa thôi những giàn pháo hoa sẽ được bắn lên bầu trời chào đón giờ khắc thiêng liêng của năm mới. Cả thành phố sáng rực, lung linh bởi những ánh đèn từ những trục đường chính cho đến cả những con ngõ nhỏ. Anh hít hà hương thơm dìu dịu của đất trời vào xuân theo gió thoảng đưa. Một cảm giác thật rộn ràng và hân hoan. Anh như thấy mình được trở lại những ngày còn thơ bé háo hức chờ đón giao thừa để được nghe tiếng pháo nổ đì đùm ngoài hiên. Chỉ khác bây giờ không còn là những bánh pháo tự quấn bằng tay nguy hiểm như ngày xưa nữa mà là pháo hoa rực rỡ.
Chiều chị khoe với anh pháo hoa bây giờ đẹp lắm, bắn tầm cao và rất nhiều tạo hình rực rỡ, lung linh sắc màu, hơn hẳn mấy năm trước. Bất giác anh lại thấy nhớ màu hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở thắm trên những bản làng sương mù giăng giăng, lạnh căm. Nhớ tiếng chim rừng gọi nhau vang vọng lại từ những núi rừng thâm u. Nhớ tiếng chày, tiếng sáo thì thùm, véo von hòa trong tiếng trẻ nô đùa đón Tết. Hương thơm ngào ngạt của nếp nương quyện lẫn hương rượu ngô thơm lừng bên ánh lửa bập bùng đêm giao thừa nơi miền sơn cước.
Mới đó mà đã tám năm, thời gian trôi qua nhanh quá. Cu Tí giờ vào lớp 10, còn bé Bông cũng học lớp 3 rồi. Lúc anh đi con bé mới hơn 1 tuổi, vừa hay chập chững biết đi. Nhớ ngày đó, khi anh bày tỏ mong muốn tham gia đoàn bác sỹ tình nguyện về tăng cường cho các huyện vùng sâu, vùng xa, chị còn tưởng anh nói đùa, trêu chị hay thử lòng chị gì đó. Nhưng khi nhìn thẳng vào mắt anh để hỏi lại lần nữa thì chị biết anh đang rất nghiêm túc.
Chị chếnh choáng đôi chút bởi quá đột ngột, chị chưa từng bao giờ nghĩ tới điều này. Hơn nữa hai con còn rất nhỏ, anh đi rồi một mình chị biết phải làm sao. Nhưng chị hiểu nỗi niềm trăn trở trong lòng anh. Từ hồi sinh viên khi mới yêu nhau, chị đã nghe anh tâm sự rằng bố anh mất sớm cũng chỉ vì gia đình nghèo quá không có tiền chữa bệnh, chứ căn bệnh của bố anh không quá nghiêm trọng. Sợ phải vay mượn để đi viện nên bố anh cứ cắn răng chịu đựng những cơn đau triền miên cho tới tận khi sức cùng lực kiệt.
Mỗi năm đến ngày giỗ bố, mẹ anh lại thở dài: “Giá như ngày đó nhà bớt khó khăn hơn thì ông ấy đâu đến nỗi khổ như thế”. Hình ảnh đó cứ ám ảnh anh về sự đói nghèo, đau đớn, bệnh tật, sự ra đi và cả những mất mát thâm sâu của người ở lại. Từ đó, anh quyết tâm thi đỗ trường y để trở thành một bác sỹ giỏi. Anh muốn mình có thể làm được điều gì đó giúp cho những bệnh nhân nghèo khổ, tội nghiệp như bố anh ngày xưa.
Dẫu cuộc sống của anh cũng không dễ dàng gì, nhưng anh nghĩ rằng bằng tất cả kiến thức được học, cùng với trái tim biết yêu thương, chia sẻ là mình đã có thể giúp đỡ được mọi người phần nào. Chính bản tính thiện lương đó ở anh đã khiến chị rất ngưỡng mộ và cảm phục. Bởi vậy, quyết định lần này của anh cũng là điều rất dễ hiểu.
Chị nhanh chóng lấy lại tinh thần và tự nhủ phải hạ quyết tâm giúp anh thực hiện con đường, lý tưởng mà anh đã chọn. Trước khi ký vào tờ đơn tình nguyện, anh hỏi lại chị một lần nữa:
- Em có làm được không?
Chị nở nụ cười thật tươi nhìn anh rồi nói: Khó khăn nhất anh còn làm được thì em có gì phải ngại đâu.
Bữa đó chị và anh thức nói chuyện tới gần sáng. Họ ôn lại từ những kỷ niệm ngày đầu gặp nhau, những năm tháng đi học đầy khó khăn, rồi những thiếu thốn, vất vả, lo toan của cuộc sống hiện tại, cả những dự định trong tương lai. Anh động viên chị, cuộc sống tuy chật vật, khó khăn nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình khác khi bao gánh nặng dồn lên đôi vai một người cô độc giữa cuộc đời.
Tuổi thơ anh in sâu hình ảnh của mẹ lủi thủi, tất bật sớm hôm đi về, một thân một mình lo từng miếng cơm, manh áo, tiền học hành cho các con. Cực lắm. Nhiều đêm anh thấy vai mẹ run run, tiếng nấc khe khẽ kìm nén vào trong. Anh nằm im vờ như ngủ say. Thương mẹ bao nhiêu anh tự nhủ mình cần phải cố gắng nhiều hơn bấy nhiêu.
Gia đình chị khi biết anh có ý định tình nguyện lên miền núi công tác thì ra sức phản đối. Chí ít lúc này anh đã giữ chức Trưởng khoa tại một bệnh viện lớn ở thành phố. Một vị trí mà bao người hằng mơ ước, phấn đấu cả đời còn không có được. Con cái thì còn nhỏ. Cha mẹ nào chả xót.
Chị trấn an bố mẹ, cuối cùng thì họ cũng xuôi xuôi, động viên để anh yên tâm công tác. Hôm chia tay anh, đồng nghiệp nhiều người xúc động về quyết định dũng cảm của anh, cũng có không ít người hoang mang, mơ hồ cả những hoài nghi, bàn tán xôn xao. Anh bỏ lại tất cả sau lưng, lòng nhẹ tênh lên đường với hành trang chỉ toàn sách là sách. Những cuốn sách y khoa mà anh đã thuộc nằm lòng rồi. Nhưng chắc chắn nó sẽ có ích ở một nơi mà nhiều người rất cần tới nó.
Ngày anh đến, tất cả mọi người chạy ùa ra nhìn anh trân trân như thể anh là một vật thể lạ từ một hành tinh khác vừa đáp xuống. Mất một lúc bác Trạm trưởng già mới lật đật chạy lại hỏi:
- Cậu có phải bác sỹ Khoa trên thành phố tình nguyện về đây không?
- Dạ vâng, đúng rồi bác. - Anh nhanh nhảu trả lời.
- Ơ, thế về thật đấy hả? Tốt quá rồi. - Vừa nói bác vừa vỗ mạnh vào vai anh cười thành tiếng thật lớn. Tất cả bấy giờ mới đồng loạt vỗ tay. Mọi người dẫn anh vào một căn phòng nhỏ ở cuối dãy nhà. Anh nhìn lên, ánh sáng xuyên tứ tung.
Thấy anh ngơ ngác, cậu thanh niên giúp anh mang hành lý vào vội vàng nói:
- Anh yên tâm, rọi lại cái mái một loáng là xong ngay thôi. Rồi cậu thao thao kể, đầu năm ngoái căn phòng này đã được anh em sửa sang lại cẩn thận vì nghe thông tin có bác sỹ chuẩn bị về. Chờ hoài không thấy nên căn phòng vẫn được để trống đến bây giờ. Lâu không có người ở nó mốc meo vậy đó.
Trạm xá gồm một dãy nhà cấp bốn thấp le te nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi. Các cụ thường bảo “đất lành chim đậu”, không biết có phải vậy không mà người dân lại quy tụ về đây rất đông trên mảnh đất heo hút, xa xôi, cách trở này. Từ đây về thành phố cũng hàng trăm cây số đường đồi núi rất khó đi, có nhiều đoạn chỉ có thể xuống rong xe cuốc bộ rất là cực.
Trạm xá không có bác sỹ nên bà con xung quanh đây mỗi khi bị bệnh thường phải vượt đèo, vượt núi lên tận bệnh viện trên trung tâm huyện để chữa bệnh, lấy thuốc rất vất vả. Bởi vậy từ bao năm nay Trạm xá này đã trở thành một trong những địa chỉ được đề xuất xin bác sỹ tình nguyện về hỗ trợ. Nhưng đâu phải cứ nói xin là có ngay được đâu.
Năm ngoái, trên huyện đã báo là có người tình nguyện về rồi. Vậy mà cuối cùng không biết vì lý do gì họ lại không đến nữa. Lần này, thông tin bác sỹ đã về tới bản nhanh chóng được truyền tới tai bà con, ai nấy đều vui mừng, hồ hởi. Đầu giờ chiều đã rất đông người rủ nhau kéo lên tận trạm xá để chào hỏi bác sỹ, một phần cũng vì họ rất tò mò không biết ai mà lại dũng cảm lên đây. Trạm xá đông vui hẳn lên. Bà con tiện thể tới khám bệnh luôn chẳng kịp để bác sỹ nghỉ ngơi. Đến tận chiều muộn vẫn có tiếng gọi bác sỹ í ới.
Đó là những ngày tháng thật khó quên trong anh. Anh không ngờ cuộc sống của bà con nơi đây lại vất vả, cực nhọc và thiếu thốn đến vậy. Mỗi buổi chiều, sau khi đã vãn công việc, anh thường đi vào các bản làng vừa để thăm hỏi bà con, tìm hiểu phong tục tập quán, đồng thời thăm khám sức khỏe cho bà con, nhất là các cụ già và cháu nhỏ.
Anh hướng dẫn bà con cách chăm sóc sức khỏe. Anh còn kết nối đưa những chương trình thiện nguyện, tình nguyện về đây. Những con đường được mở rộng, bớt gồ ghề hơn bởi chính tay cuốc, tay đào của những thanh niên tình nguyện từ thành phố về. Những buổi học bổ túc thêm kiến thức văn hóa, xã hội, kỹ năng sống khiến bọn trẻ háo hức, thích thú lắm.
Nhìn những đôi mắt tròn xoe trên gương mặt còn lấm lem nhọ bếp, 6-7 tuổi đã phải cõng theo trên lưng đứa em đi học, anh chạnh lòng xót xa. Họ quý mến anh như thể một người con của bản làng, một người thân trong gia đình vậy. Những đứa trẻ trong làng gọi anh là thầy giáo rất trìu mến. Chúng lớn lên cùng những mơ ước, hoài bão mà anh đã vẽ lên cho chúng về một tương lai thật đẹp.
Đã có những đứa trẻ nuôi ý chí trở thành một cán bộ đầy nhiệt huyết giống như anh để lớn lên có thể giúp cho chính bản làng của mình chứ không phải đâu xa xôi. Nghỉ hè, anh thường đón các con lên đây. Anh cho bọn trẻ chơi với nhau. Chúng sẽ chia sẻ, học hỏi được rất nhiều điều của nhau. Ở trạm, mỗi khi rảnh rỗi anh lại đem tài liệu y khoa ra giảng giải, hướng dẫn cho các cán bộ trạm, anh động viên những cán bộ trẻ phấn đấu học tập lên nữa để tương lai có thể trở thành bác sỹ.
Thấm thoắt vậy mà đã tám năm. Cũng không phải là dài nhưng sự có mặt của anh phần nào đã làm ấm lên vùng đất vốn rất heo hút này. Vẫn còn nhiều lưu luyến, còn những dự định dở dang nhưng anh cũng đã yên tâm phần nào trở lại thành phố để tiếp tục sự nghiệp công tác, học tập và nghiên cứu của mình khi một cậu cán bộ của trạm vừa tốt nghiệp lớp bác sỹ trở về.
Đang mải suy nghĩ, anh bỗng giật mình bởi tiếng gọi của chị từ dưới nhà. Có cuộc điện thoại gọi cho anh từ bệnh viện. Chắc chắn nếu không phải việc gấp thì họ sẽ không gọi vào lúc này khi sắp sửa tới giao thừa. Anh vội vàng nghe điện thoại.
Chị thấy vậy liền chạy ngay vào phòng lấy chiếc áo khoác ấm và tìm chìa khóa xe máy cho anh. Chị vẫn vậy, luôn là người hiểu anh nhất. Chị lo lắng, không biết bệnh viện gọi có việc gì, chị chỉ thấy cuộc điện thoại rất ngắn gọn. Nhưng chị lại nhận ra trong ánh mắt anh lóe lên đầy hy vọng.
Một bệnh nhân rất nặng bị hôn mê suốt mấy ngày nay. Mặc dù hội chẩn tiên lượng tình trạng bệnh nhân khó có thể qua khỏi nhưng không hiểu sao anh vẫn có niềm tìn là sẽ có một phép màu, một điều kỳ diệu đến. Anh động viên gia đình bệnh nhân bình tĩnh. Buổi chiều trước khi về nhà, anh dặn kíp trực theo dõi bệnh nhân cẩn thận, nếu có gì thì gọi điện báo cho anh ngay. Sinh mệnh con người rất quan trọng, “còn nước còn tát”. Bệnh nhân kiên cường, gia đình bệnh nhân kiên cường thì không có lý do gì chúng ta bỏ cuộc cả.
Vừa rồi cô y tá điện thông báo cho anh biết là bệnh nhân đã tỉnh lại. Anh thở phảo. Như vậy là có hy vọng rồi.
Anh nhìn chị bối rối như không biết phải nói thế nào nhưng chị hiểu hết. Một bác sỹ có tâm như anh là phải vậy. Chị đưa áo khoác rồi giục anh mau vào viện xem có việc gì. Anh gần như vừa đi, vừa chạy, vừa mặc áo khoác, vừa xỏ giày nhưng vẫn kịp nói “Xin lỗi em, chờ anh về nhé” trước khi chiếc xe máy vội vàng lao vút đi.
Chị nhìn theo anh, mỉm cười hạnh phúc. Vừa hay lúc đó có tiếng “bụp bụp” vang lên, rồi tiếng hò reo hân hoan cùng những tia pháo hoa vụt sáng lên phía quảng trường. Những chùm pháo hoa lung linh, rực rỡ muôn sắc màu thật đẹp báo hiệu bắt đầu một năm mới tràn đầy hy vọng. Chị thầm nghĩ, chắc hẳn chùm pháo hoa rực rỡ nhất kia chính là anh.
Trong những dịp Tết như này, tôi lại càng thấy trân trọng khoảng thời gian ít ỏi được ở bên cạnh bố mẹ
Nguồn: [Link nguồn]