Cú sốc giúp nam sinh 'bừng tỉnh', thành thủ khoa đầu ra trường Tự nhiên

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Từng nghiện game, cứ đi học về sẽ lao vào quán net nhưng chính cú trượt học sinh giỏi năm lớp 9 là một cú huýnh khiến Phú “bừng tỉnh”.

Nguyễn Văn Phú (sinh năm 2002) theo học lớp Tài năng Hóa học, vừa trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm nay với điểm GPA đạt 3.92/4.0. Sinh ra ở Tuy Phước, Bình Định, từ nhỏ, Phú đã có tố chất học hành. Dẫu vậy, nam sinh tự nhận mình cũng rất ham chơi.

Thời cấp hai, Phú nghiện game, cứ đi học về sẽ lao vào quán net. “Em thường nói dối bố mẹ ra quán để thi giải Toán trên mạng nhưng thực chất để chơi game từ 18h tới tận 22-23h”, Phú nói.

Vì thế, dù có tố chất nhưng suốt 4 năm THCS, Phú liên tục trượt trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Chỉ đến năm học lớp 9, cú trượt học sinh giỏi đã khiến Phú “bừng tỉnh”.

“Mẹ vì lo lắng em sẽ tiếp tục ham chơi nên muốn em học một trường cấp 3 gần nhà. Tuy nhiên, sau khi thấy em buồn bã, mẹ đã cho em cơ hội thi chuyên để làm lại”.

Thay vì “hối tiếc quá khứ không thể thay đổi được”, Phú lựa chọn làm tốt hơn ở tương lai. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực, sau đó, Phú thi đỗ vào lớp chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Thời điểm đó, nam sinh đặt mục tiêu bỏ game và chỉ tập trung vào học.

Cả năm lớp 11 và 12, Phú đều trở thành thành viên của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Nhờ thế, em có cơ hội được ra Hà Nội ôn tập. Quãng thời gian này, Phú được gặp gỡ nhiều thầy cô giáo giỏi, cũng là động lực khiến em ấp ủ mong muốn sau này được học tập ở Thủ đô.

Nguyễn Văn Phú vừa trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Văn Phú vừa trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Ảnh: NVCC)

Đúng như mong muốn, sau khi đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Hóa, Phú chọn tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Chọn ra Hà Nội, bố mẹ Phú dù không ngăn cản nhưng cũng đầy lo lắng, còn anh trai ra sức khuyên ngăn em nên vào TP.HCM học tập vì có anh hỗ trợ.

Dẫu vậy, Phú nói việc lựa chọn học tập và sinh sống ở Hà Nội như một cái duyên. Giữa lúc băn khoăn, thầy giáo dạy Phú khi ôn luyện đội tuyển ngoài Hà Nội động viên em nên chọn trường Tự nhiên để phát huy sở trường. Vì thế, Phú quyết định nộp hồ sơ tuyển thẳng vào lớp Tài năng Hóa học của trường này. 

Đi học cách nhà 1.000km, Phú cũng phải làm quen với việc tự làm mọi thứ vì không quen ai. Mỗi năm, Phú về quê 2 lần, tự lo chi phí học tập và sinh hoạt bằng tiền học bổng và đi dạy thêm cho các học sinh ôn học sinh giỏi quốc gia.

Ngoài ra, lối sống, việc ăn uống của Phú cũng phải thay đổi hoàn toàn. Chỉ duy nhất việc học tập, Phú vẫn duy trì phương pháp học như thời THPT.

“Ban đầu, em chỉ đặt mục tiêu tốt nghiệp loại Xuất sắc chứ không dám nghĩ tới việc trở thành thủ khoa. Tuy nhiên sau năm nhất, em cảm thấy điểm các môn đều khá ổn nên cố gắng hết sức có thể”.

Kỷ luật trong học tập là điều Phú tự đặt ra cho bản thân suốt 4 năm đại học. “Em học hàng ngày, không bỏ sót bất kỳ hôm nào, kể cả ngày lễ”, Phú nói.

Với các môn đại cương, mỗi khi lên lớp, Phú đều tập trung nghe giảng thay vì ghi chép nhiều trong vở. Theo Phú, chính việc chăm chỉ nghe giảng để hiểu vấn đề sẽ giúp bản thân tiến bộ nhanh hơn chứ không phải bằng việc “chép đầy cuốn vở”.

Sau khi về nhà, nam sinh thường tự viết lại những gì đã học được trong buổi hôm đó, biến những điều thầy cô dạy thành kiến thức của riêng mình. Với những mảng nội dung chưa nhớ, Phú thường bật ghi âm để nghe lại hoặc mượn vở của các bạn, bổ sung những điều không thể nhớ và viết ra.

“Quá trình thẩm thấu và hiểu kiến thức mới cần có thời gian để cập nhật. Do đó với những điều không ghi ra được, em thường nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại để dần nhớ và hiểu”. 

Cũng nhờ việc học hiểu bản chất vấn đề, quá trình ôn thi của Phú cũng không quá vất vả.

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Trong suốt quãng thời gian đại học, điều Phú cảm thấy may mắn nhất là được vào lab của PGS.TS Mạc Đình Hùng ngay từ kỳ 2 năm thứ nhất. Đây cũng là người thầy hướng dẫn Phú cho đến tận thời điểm hiện tại.

Tại lab của PGS Hùng, Phú được tham gia vào các dự án phát triển phản ứng mới tổng hợp các hợp chất hữu cơ sử dụng lưu huỳnh. Nhờ thế, đến năm thứ 3, dưới sự hướng dẫn của thầy, Phú có được một bài báo với vai trò là tác giả chính đăng trên tạp chí Organic Letters - top 5% các tạp chí về hữu cơ và là một trong số ít các tạp chí Hoá học nằm trong Nature Index Journal.

Ngoài việc truyền dạy kiến thức, cách thức nghiên cứu, làm thí nghiệm, theo Phú, PGS Hùng cũng là người có nhiều ảnh hướng đến em. “Em học được từ thầy việc luôn phải tự đào sâu kiến thức thay vì chỉ nhìn bề nổi của vấn đề. Ngoài ra, thầy luôn dặn em “phải luôn biết điều gì thực sự quan trọng với mình” và “nếu có ước mơ, phải biết mơ lớn”.

Chính lời dạy này của thầy đã thôi thúc Phú vạch ra con đường đi du học sau khi tốt nghiệp để phát triển chuyên môn – điều nam sinh chưa bao giờ từng nghĩ trước đó.

Còn PGS.TS Mạc Đình Hùng ấn tượng với Phú về sự chủ động, chịu khó tìm tòi. Ngay từ năm thứ nhất, Phú đã gặp thầy và xin được làm trong phòng thí nghiệm Hoá dược. Sau một thời gian làm quen, Phú đã thực hiện được các đề tài nghiên cứu cùng với các sinh viên khoá trên. 

“Phú là sinh viên rất nghiêm túc trong nghiên cứu. Tuy kinh nghiệm thực hành trong những năm đầu tiên chưa có nhiều nhưng Phú có khả năng phân tích kết quả và tìm hiểu tài liệu tốt”, PGS Hùng nói.

Vì yêu thích Hóa hữu cơ, Phú quyết định chuẩn bị hồ sơ du học thạc sĩ tại Đại học Paris Saclay (Pháp) vào năm thứ hai đại học. Gần 2 năm vừa học tập, nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ, thời điểm nhận kết quả, Phú trúng tuyển vào chương trình của trường những không nhận được học bổng.

“Nếu quyết định vẫn đi học sẽ cần phải chi trả khoảng 350 – 400 triệu/năm. Điều này là quá sức với gia đình em. Sau quãng thời gian đắn đo, em quyết định sẽ “gap year” một năm và quay trở lại việc “apply” học bổng khi đã tích lũy đủ kiến thức, sự trưởng thành và tâm thế sẵn sàng bước sang một môi trường mới”, Phú nói.

Nam sinh cũng nhìn nhận, mỗi bước ngoặt trong cuộc đời – nhìn nhận một cách tích cực – đều mang nhiều ý nghĩa. Chưa giành học bổng để theo học tại Đại học Paris Saclay nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, Phú sẽ tham gia một chương trình học trao đổi tại Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu tháng 7 tới.

“Trong quãng thời gian này, em đang chờ kết quả ứng tuyển vào vị trí giảng dạy tại một trường chuyên ở TP.HCM. Trong tương lai, em vẫn muốn theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy”, Phú nói.

Đức Minh, thủ khoa đầu ra trường Đại học Tôn Đức Thắng, nói mê chơi game, không chạy đua điểm số và chấp nhận ra trường muộn để được học môn yêu thích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Nga ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN