"Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa

Nhiều thông tin vu vơ, thiếu căn cứ nhưng khiến "cư dân mạng" mù quáng tin theo và chia sẻ đến mức phát sốt.

Ngày 14/8, Công An TP Hà Nội cho biết đã triệu tập 4 người liên quan đến vụ tung tin đồn “xuất hiện bệnh Ebola” ở Việt Nam để điều tra, đồng thời bộ Y tế đã chính thức bác bỏ thông tin Việt Nam có người mắc bệnh này.

Trước đó, ngày 11/8, người có nick Facebook M.G viết trên trang của mình như sau: “Theo thông tin đã xác nhận từ người nhà em làm trong bệnh viện là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé...".

Chỉ trong vài giờ, thông tin này đã có hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận khiến dư luận hoang mang. Một số người dùng Facebook khác, như Đ.T.L, đã đưa thông tin này lên nhóm Facebook Hội nuôi con bằng sữa mẹ". Hàng nghìn người đã chia sẻ nhau cách phòng tránh dịch rất thủ công như dùng cồn, than hoạt tính hay dầu tràm để phòng bên Ebola mà không tìm hiểu những thông tin từ cơ quan y tế.

Đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn vô căn cứ xuất hiện trên các mạng xã hội và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt như vậy.

"Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa - 1

Status của người tung tin đồn về dịch Ebola đã bị Công an triệu tập

Cách đây một thời gian, trên các mạng xã hội đã xuất hiện tràn làn các thông tin như đồ lót có đỉa, thậm chí đỉa còn có trong sữa. Để chứng minh cho những thông tin trên còn có những hình ảnh, video clip minh họa. Những thông tin này đã khiến dư luận hoang mang trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến sự kinh doanh của rất nhiều người.

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, hoàn toàn không phát hiện được sinh vật nào trong các mẫu sản phẩm, đồng thời dẹp tan tin đồn, sự việc mới lắng xuống.

Tương tự, thời gian gần đây còn xuất hiện một bài văn được cho là của một em bé viết gửi cho bố có nhiều chi tiết vô lý, có dấu hiệu ngụy tạo, nhưng vẫn được nhiều người chia sẻ với sự tin tưởng.

Những tin đồn được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội không chỉ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất mà còn gây ảnh hưởng hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến xã hội.

"Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa - 2

Những dòng chia sẻ hoang mang về dịch Ebola

Một điều đáng nói là “cư dân mạng” quá dễ dàng bị tác động bởi những thông tin chưa được chứng thực trên mạng và có những bình luận mang đầy sự cảm tính.

Minh họa cho điều này là sự việc một nam thanh niên bị cho là đánh mẹ ngay giữa phố cổ Hà Nội vào khoảng đầu năm 2014. Hình ảnh một người đàn ông cầm kéo đang đuổi đánh một người phụ nữ trung niên trong sự ngăn cản rất yếu ớt của một người phụ nữ lan truyền rất nhanh trên facebook đã khiến cư dân mạng tỏ ra căm phẫn.

Rất nhiều từ ngữ nặng nề đã được dùng để bình luận về vụ việc này như “Nghịch tử”, “bất hiếu”... Tuy nhiên sau khi báo chí vào cuộc và xác minh lại nguồn tin thì mới biết, người phụ nữ trong ảnh không phải là mẹ của cậu thanh niên này mà chỉ là một người bán hàng rong có xích mích với bà nội của cậu ta.

"Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa - 3

Người phụ nữ trong bức ảnh không phải là mẹ của thanh niên này

Không chỉ những thông tin xã hội mới được đồn đại và chia sẻ trên facebook rồi xuất hiện trên mặt báo mà không cần xác minh nguồn tin, cả những câu chuyện cảm động, lấy nước mắt người đọc về những mảnh đời bất hạnh, những người neo đơn cũng được chia sẻ trên facebook, lấy nước mắt dư luận.

Facebook đã xôn xao chia sẻ việc một đôi vợ chồng già bán me rất nghèo khổ tại Sài Gòn.  Bức ảnh một ông lão khắc khổ ngồi bán me trên vỉ hè kèm theo dòng chữ :“Ai đi ngang đoạn đường Tôn Đức Thắng, đối diện với SaiGon Square, nhớ mua ủng hộ ông lão một bịch me nhé! Nhà ông bên quận 9, từ lúc 5h sáng ông phải qua quận 1, trèo cây me hái đem bán kiếm tiền nuôi cháu bị bệnh ở nhà. Nhìn ông thương quá! Sáng nào ông cũng bán đến tận chiều rồi bắt xe bus về. Có lúc còn bị cướp tiền, không có tiền bắt xe bus để về, tội lắm” đã được chia sẻ hàng nghìn lượt trên facebook.

"Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa - 4

Status đăng tải thông tin về ông lão bán me tại Sài Gòn và bài báo đính chính

Tuy nhiên, sau khi bài báo về chân tướng sự việc được một tờ báo đăng tải, làm rõ ông lão có nhà ở Tây Ninh và không nuôi cháu nào bị bệnh, nhiều người cảm thấy lòng tốt của mình đã bị lợi dụng. Một điều đáng nói là sự việc này xảy ra là do “lòng tốt quá đà” của cư dân mạng còn nhân vật ông già bán me lại không hề lên tiếng xin sự giúp đỡ của mọi người.

Mạng xã hội cũng là một xã hội thu nhỏ mà mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm cho những phát ngôn của mình. Vì thế hãy lựa chọn những thông tin đúng đắn, hợp pháp, tránh gây hoang mang dư luận.

___________________

Những người chế thông tin trên mạng là ai? Vì sao họ lại chế những thông tin gây hoang mang dư luận như vậy? Và tại sao cư dân mạng lại dễ bị cuốn theo và tin những nguồn tin không có cơ sở đó? Hãy cùng đón đọc bài tiếp theo để lắng nghe chia sẻ của chuyên gia vào lúc 10h00 ngày 21/8/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Chi ([Tên nguồn])
Dân mạng Việt rất dễ bị lừa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN