Công sở nên là con nai hay con cáo?
Tôi thấy cư xử ở công sở khó thật. Tỏ ra hiền lành thì người ta cho rằng tôi giả vờ ngây thơ.
26 tuổi, tôi bảo chẳng quan tâm gì đến “sex” thì đồng nghiệp cho là tôi nói xạo, “giả nai”, mà hùa vào bàn tán sôi nổi thì không phải tính cách của tôi. Một phần vì hiện giờ tôi đang FA (thuộc hội độc thân), phần khác vì truyền thống trong gia đình tôi cũng ít khi nói đến chuyện “giường chiếu” một cách công khai như vậy, nên tôi rất khó nói, mặc dù cũng biết ít nhiều. Tôi phải làm sao để hòa nhập với chị em công sở đây?
Nếu vấn đề chỉ là con nai hợp thời hơn hay con cáo hợp mốt hơn, thì có lẽ là chính mình sẽ không bao giờ sai. Dù bạn giả vờ làm ai cũng không thể khéo léo bằng kinh nghiệm làm chính bản thân mình trong 26 năm được. Tuy nhiên, bạn thử tìm hiểu quan điểm về nói “chuyện ấy” của mọi người trong công sở xem. Ở cơ quan, đặc biệt là những đơn vị làm sáng tạo nhiều như bộ phận copywriter, designer, làm sự kiện... các câu chuyện cười, chuyện 18+ được nhắc đến rất nhiều. Vì sao lại thế?
Thứ nhất, giống như tình dục là nhu cầu cơ bản của con người (một trong bốn nhu cầu cơ bản nhất), thì nói đến tình dục cũng gần là một điều bình thường giữa những người trưởng thành. Mặc dù Việt Nam là một nước phương Đông và các quan niệm về tình dục vẫn chưa “thoáng” bằng các nước phương Tây, nhưng đã cởi mở hơn rất nhiều so với 20 năm trước (thời mà bố mẹ hoặc ông bà chúng ta kiêng không nói đến chuyện chăn gối ở chốn đông người).
Thứ hai, chuyện gì (đặc biệt chuyện cười) có thể nói ở công sở, ngoài công việc vì công việc đã được nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán? Gia đình thì người đã kết hôn người chưa, tôn giáo thì có thể người theo đạo Thiên Chúa, người theo đạo Phật, chính trị cũng có thể có các quan điểm khác xa nhau. Tình dục là một chuyện gần gũi và dễ pha trò.
Tôn trọng câu chuyện của mọi người và chuyển hướng câu chuyện khi cần thiết (Ảnh minh họa)
Khi bạn nắm được tâm lý của đồng nghiệp (hoặc đối tác, hoặc một đám đông bất kỳ mà bạn gặp) thì việc chinh phục họ trở thành đơn giản. Một vài mẩu truyện cười, hoặc vài yếu tố “nhạy cảm” mà bạn đưa vào câu chuyện có thể trở thành vũ khí trong giao tiếp của bạn. Nếu nó có lợi như vậy, tại sao bạn không thử?
Nhưng tôi thấy khó chịu mỗi khi họ nhắc tới những câu chuyện này. Đôi khi họ đi rất quá trớn, không chỉ nói để cười, mà còn kể những câu chuyện như “cải thiện khả năng đàn ông”, “làm sao để tăng hưng phấn”... Chẳng lẽ tôi lại bịt tai lại hoặc đi ra chỗ khác không nghe nữa.
Nếu khi nghe các đồng nghiệp bàn tán chuyện 18+ mà bạn thấy khó chịu thì có hai khả năng. Một là thực ra bạn thích chuyện đó nhưng vì đang độc thân, không có bạn trai, nên những câu chuyện này phản tác dụng với bạn. Khả năng thứ hai là bạn không thích nó thật, dù bạn có người yêu (hoặc chồng) hay không. Dù là khả năng nào thì bạn cũng nên cư xử theo hướng: tôn trọng câu chuyện của mọi người và chuyển hướng câu chuyện khi cần thiết.
Với những câu chuyện mà bạn cho là “quá trớn”, thì phản ứng của mọi người xung quanh bạn như thế nào? Họ ủng hộ, góp chuyện, hay cũng thấy ghê như bạn? Câu chuyện ngoài lề để vui thì tốt, nhưng nếu làm mọi người khó chịu thì không còn tốt nữa. Bạn có thể có những phản ứng nhẹ nhàng như “Trời, ghê quá, chị nói chuyện đó vào giờ này em không ăn nổi cơm”... Đó có thể coi là cách nhắc nhở khéo cho đồng nghiệp mỗi khi câu chuyện đi xa quá.
Ngoài ra, đồng nghiệp thể hiện những thứ họ thích, thì bạn cũng có thể thể hiện những thứ bạn thích. Bạn muốn đi du lịch nhiều nước trên thế giới? Hay kế hoạch năm năm nữa của bạn là mua ôtô và bạn sẽ tự lái nó chứ không cần hoàng tử nào lái ôtô đến đón?... Câu chuyện về “sex” của đồng nghiệp trong cơ quan có thể coi là một thứ gia vị cho cuộc sống đỡ nhàm chán, vì thế bạn không nên quá nặng nề. Và vì bạn cũng thở chung bầu không khí ấy, tại sao bạn không mang câu chuyện của riêng mình vào để tăng phần thú vị cho môi trường làm việc cơ chứ?
Xem thêm các bài viết liên quan:
Mẫu chị em công sở dễ được yêu chiều
Chị em công sở thích “khoe hàng”