"Nhảy" việc sẽ đem lại lợi ích tuyệt vời hay tác động tiêu cực đến sự nghiệp?
Quan điểm trái ngược về “nhảy việc”
Dương Hoa, phóng viên một tờ báo nổi tiếng nói rằng, trong 5 năm đầu sau khi ra trường, cô không làm việc tại một toàn soạn quá 1 năm. Cô sẽ “nhảy” từ nơi này sang nơi khác để trải nghiệm, để hiểu mô hình hoạt động của các tờ báo và để thử khả năng thích nghi của mình.
Cô lo lắng, việc quá thoải mái ở một vị trí nhất định sẽ khiến cô quên rằng phải học tập, trau dồi bản thân. Và một lúc nào đó, số kiến thức, kinh nghiệm ít ỏi có được sẽ không đủ để cô thoát khỏi quy luật đào thải.
Văn Phúc (nhân viên mảng kinh doanh) cũng có cùng suy nghĩ đó. Với anh, “nhảy” việc đem lại nhiều lợi ích hơn là tác động tiêu cực. “Ngay cả khi có việc nhẹ, lương cao, ung dung với chế độ đãi ngộ của công ty thì tôi vẫn muốn đổi việc. Tôi sẽ biết đâu mới là công việc phù hợp với mình, biết cần học hỏi thêm những gì để nâng cấp bản thân. Đôi khi, ở mãi một công ty, tôi sẽ mất đi cơ hội được biết những điều ấy”, anh nói.
Thế nhưng, không phải ai cũng cho rằng “nhảy” việc để trải nghiệm, thử sức mình là một quyết định khôn ngoan. Hoàng Ngân (nhân viên ngân hàng) cho rằng, thường xuyên "nhảy" việc làm lỡ mất thời gian và cơ hội gây dựng sự nghiệp vững chắc, không có tiền đề để nâng cao địa vị ở công ty. Chưa kể, các nhà tuyển dụng sẽ không thích một “CV xin việc” mà chủ nhân của nó không gắn bó lâu dài với bất cứ nơi nào.
“Mình thích ổn định. Có thể học hỏi bằng nhiều cách khác thay vì "nhảy" việc lung tung”, Ngân nói.
“Nhảy việc” thường xuyên gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp hay mang lại lợi ích to lớn?
Câu trả lời của Cathy Thảo Trần (cô gái từng có màn gọi vốn gây bão “Thương vụ bạc tỷ”, từng bỏ mức lương 1,4 tỷ/năm tại Mỹ để về Việt Nam khởi nghiệp và hiện tại là CEO của Ohana – công ty chuyên cung cấp ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê) là: Hãy cứ “nhảy” việc nhưng phải có mục đích cụ thể.
Cathy Thảo Trần không đồng ý với quan điểm “nhảy việc để trải nghiệm”, “nhảy việc cho biết”. Ngược lại, thay đổi công việc cần có mục tiêu cụ thể.
“Khi bạn chưa có đủ thông tin để đưa ra quyết định tối ưu nhất cho sự nghiệp của mình thì việc đi thu thập thông tin, thêm trải nghiệm là cần thiết. Nhưng sự trải nghiệm này cần có mục tiêu cụ thể là định hướng nghề nghiệp, tìm ra một công việc mình yêu thích và gắn bó dài lâu trong 10 -15 năm hoặc hơn nữa”, Cathy Thảo Trần chia sẻ.
Khi có mục tiêu cụ thể, “nhảy” việc sẽ đem lại lợi ích tuyệt vời như: Thoát ra khỏi vùng an toàn, thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực để tìm ra lĩnh vực thực sự vừa vặn với mình, khám phá thế mạnh của bản thân, đánh giá được nhà tuyển dụng và tìm ra công ty đánh giá (trả lương) đúng thực lực của mình…
“Ở những tình huống và những nhóm làm việc khác nhau, bạn thấy được kết quả làm việc khác nhau, sẽ biết mình giỏi nhất khi làm việc với nhóm nào, sếp nào, môi trường nào giúp bạn “bung lụa”, Cathy Thảo Trần nói.
Cathy Thảo Trần cũng là người “ưa nhảy việc”. Sau khi tốt nghiệp, cô chưa hiểu rõ bản thân cả về năng lực lẫn mong muốn. Cô chỉ biết, mình thích sáng tạo nội dung, khái niệm và làm việc với con chữ.
Bởi vậy, cô ở công ty đầu tiên trong vỏn vẹn 8 tháng. Trong 2 năm, cô đổi tới 3 công ty, dẫu cho nơi làm việc của cô từng là công ty quảng cáo lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô, quảng cáo cho các dòng xe của Mỹ như Lincoln, Chevrolet…
Cô dần chuyển vào làm ở những công ty lớn hơn bởi khi đã có đầy đủ thông tin, cô nhận ra mình muốn làm việc với những khách hàng lớn, thử sức với những con số lớn. Với mỗi công ty đi qua, Cathy Thảo Trần đều chắc chắn đã làm việc hết sức mình và rút ra hiểu biết quan trọng về bản thân.
“Mình là người xem công việc là một phần quan trọng của cuộc sống. Để tìm ra công việc mà mình vừa làm vừa được “tận hưởng” mỗi ngày, môi trường làm việc hoà hợp với thế mạnh và giới hạn của bản thân thì "nhảy" việc là phương thức cần thiết”, Cathy Thảo Trần chia sẻ.
Lộ trình nhảy việc hợp lý
Cathy Thảo Trần đưa ra một lộ trình “nhảy” việc để không rơi vào “nhảy việc lung tung, thiếu hiệu quả”.
- Từ 03 - 6 tháng đầu là khoảng thời gian để thu thập thông tin về lĩnh vực vừa bước vào và công thức thành công của nó.
Trong 6 tháng, bạn phải biết được yếu tố quyết định đến sự thành công trong lĩnh vực đã chọn, sau đó sẽ tính đến việc bạn có muốn thành công với công thức đó hay không.
Khi vào công ty, bạn không nên ngồi yên một chỗ chờ sếp giao việc mà phải đi hỏi mọi người đang làm gì? Công việc của họ ảnh hưởng đến kết quả sau cùng của công ty như thế nào? Nếu không ai biết thì bạn nên suy xét lại công ty này.
- Tiếp theo đó, bạn cần kết nối với những người đi trước, trò chuyện với họ, xem họ đã thành công thế nào và quan trọng hơn nữa là bạn có thích trở thành con người như họ hay không? Nên gặp ít nhất 5 người, ghi chép cẩn thận để có tư liệu tham khảo.
Sau khi làm tất cả những điều này, bạn sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về bản thân cũng như sự nghiệp của bạn. Bạn sẽ trả lời được câu hỏi có muốn theo ngành này hoặc công ty này lâu dài không.
Cathy Thảo Trần cho rằng, việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này quan trọng hơn việc xem xét công việc có tốt không, mức lương có cao không?... Cô cũng từng từ bỏ một công việc được xem là tốt, lương cao để khởi nghiệp bởi biết rõ, nó không phù hợp với bản thân nữa.
“Hơn nữa, công ty nào cũng có giai đoạn khó khăn, nếu chỉ vì khó khăn nhất thời mà bạn từ bỏ thì có thể bạn đã từ bỏ một con đường cho bạn niềm hạnh phúc, hứng khởi, phù hợp với con người thật của bạn”, Cathy Thảo Trần chia sẻ.
Giờ đây, với vai trò là nhà tuyển dụng, Cathy Thảo Trần thấy ở những bạn trẻ hay “nhảy” việc nhiều điều thú vị. Cô hay đặt cho họ câu hỏi: “Bạn tìm kiếm điều gì ở những công ty kia?” và xem xét kỹ đáp án của họ để đánh giá. Với cô, định hướng và mục tiêu là điều quan trọng hơn cả việc có “nhảy việc thường xuyên” hay không.