Con nhận lì xì rồi trề môi chê ít khiến bố mẹ ngượng "chín mặt"
Khi không được bố mẹ giải thích kỹ càng và giáo dục cẩn thận, con trẻ có thể gây ra những tình huống ngượng ngùng cho cả người trao tiền mừng tuổi lẫn bố mẹ.
Không phải đứa trẻ nào cũng vui vẻ khi nhận được lì xì (ảnh minh hoạ)
Lì xì đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết Nguyên đán, mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, sức khoẻ và tài lộc cho mọi người. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được ý nghĩa tốt đẹp này. Khi không được bố mẹ giải thích kỹ càng và giáo dục cẩn thận, con trẻ có thể gây ra những tình huống ngượng ngùng cho cả người trao tiền mừng tuổi lẫn bố mẹ chúng.
Chị Thạch Thảo (35 tuổi) đến giờ vẫn chưa quên được tình huống éo le do cô con gái 6 tuổi của mình gây ra vào dịp Tết năm ngoái. Bố chồng chị và chồng chị đều là con trưởng nên năm nào cũng có nhiều khách đến chúc Tết. Con gái chị hầu như chỉ có một việc làm là mặc thật đẹp rồi chờ nhận phong bao lì xì của khách.
Suốt mấy ngày Tết, hễ có khách đến chơi nhà là cô bé chạy ra chào rất to rồi chăm chăm nhìn họ chờ tiền lì xì. Năm ngoái, cô bé tròn 6 tuổi, được bố mẹ hứa hẹn dùng tiền lì xì mua cho chiếc xe đạp mới nên càng háo hức mong chờ. Có vị khách đến nhà, chỉ vừa kịp rút phong bao ra khỏi túi, cô bé đã giật lấy, chạy đi, quên luôn nói câu cảm ơn. Chứng kiến toàn bộ sự việc đó, chị Thảo ngượng ngùng và chỉ biết cười trừ tỏ ý tạ lỗi với khách.
“Chuyện xảy ra quá nhanh khiến tôi bất ngờ. Khách “chữa cháy”: “Con bé lanh lợi quá”, còn tôi thì ngượng chín mặt. Sau sự việc đó, tôi phải dạy con kỹ hơn ý nghĩa của việc mừng tuổi ngày Tết và cách nhận lì xì sao cho lịch sự. Lẽ ra, tôi nên dạy con điều đó từ lâu rồi mới phải, vốn nghĩ trẻ con chẳng biết gì nhưng thực ra chúng nó lanh hơn mình tưởng”, chị chia sẻ.
Khi còn nhỏ tuổi, chỉ cần nhận được phong bao lì xì là con trai chị Nguyễn An (32 tuổi) rất vui. Nhưng lớn hơn một chút, con chị bắt đầu phân biệt tiền to, tiền nhỏ, so kè thiệt hơn và vô tình đẩy bố mẹ vào tình huống khó xử.
Dịp Tết ấy, con trai chị lên 8 tuổi. Vợ chồng chị dẫn con đến nhà sếp chúc Tết. Họ hàng của sếp đến chơi nhà, thấy con chị cũng gửi một phong bao dù chẳng thân quen. Ai dè, cậu bé mở lì xì ra, thấy trong đó có tờ 50 nghìn đồng thì trề môi chê: “Khách sộp mà ít quá mẹ. Thôi tờ này con giữ”. Chị “ngã ngửa”, nghĩ cách nào cũng không thể chữa ngượng trước mặt cả nhà sếp.
“Lát sau, thằng bé còn so kè thiệt hơn tiền lì xì của nó và của con sếp. Tôi chẳng còn mặt mũi nào ngồi đó nên vội kiếm cớ xin phép đưa con ra về. Tôi rất tức giận trước hành động của con nhưng càng giận mình hơn khi không dạy dỗ con cẩn thận cách nhận tiền mừng tuổi”, chị An kể.
Chị Ngọc Quyên (33 tuổi) cũng có cùng cảnh ngộ. Tết năm ngoái, chị được phen “xấu hổ muốn độn thổ” khi cô con gái 7 tuổi vòi vĩnh tiền lì xì của khách, còn bĩu môi chê tiền mừng tuổi ít, dù đó là tiền mừng tuổi của một cụ già.
Chị kể, trước Tết, chị và các thành viên trong gia đình thường nhắc đến tiền lì xì Tết một cách vô tư. Chị bảo cô con gái 7 tuổi và cậu con trai 3 tháng tuổi Tết này sẽ là “lao động chính”, “nguồn thu nhập chính” trong nhà. Chị còn hứa với con gái, toàn bố số tiền mừng tuổi của hai chị em, một nửa sẽ đúc lợn, nửa còn lại sẽ mua váy và đồ chơi.
Bởi vậy mà con gái chị rất háo hức chuyện nhận lì xì. Khách đến chơi nhà, con gái chị để ý từng người một. Hễ ai chưa lì xì là cô bé sẽ trực tiếp đòi: “Bác quên chưa lì xì cháu”. Có người lì xì rồi, cô bé vẫn đòi thêm: “Còn em cháu đang ngủ trong phòng nữa, bác lì xì cháu cầm giúp em nhé”. Mọi người đều cười xoà khen cô bé khôn ngoan, bé tí đã biết đòi tiền mừng tuổi cho em, chỉ riêng chị thấy xấu hổ tột cùng.
“Tết đó, tôi đưa con đến nhà họ hàng chơi. Có cụ già 80 tuổi, lì xì hai con tôi mỗi đứa 20 nghìn đồng, không bỏ phong bao. Con bé không thèm nhận, còn bĩu môi: “Cụ lì xì ít thế, cháu không cầm đâu”. Tôi bắt con phải xin lỗi cụ già nhưng con khóc giãy lên không chịu. Thực sự không có gì diễn tả được nỗi xấu hổ ấy”, chị kể lại.
Dịp Tết năm nay, chị Quyên rút kinh nghiệm, dạy con rất cẩn thận về ý nghĩa của lì xì Tết và thái độ khi nhận lì xì. Chị mong con biết trân quý mỗi phong bao lì xì và cư xử lịch sự khi được người lớn mừng tuổi.
Chúng tôi dự tính ra xuân sẽ làm đám cưới. Trước kết hôn tôi cũng muốn xem gia đình nhà người yêu thế nào nên Tết này về nhà anh chơi. Ánh mắt của bố chồng tương lai khiến...
Nguồn: [Link nguồn]