Con đường nào cho những thí sinh trượt ĐH?
Nhiều thí sinh lựa chọn đi du học hay quyết định ôn thi lại cho mùa thi đại học năm sau.
Sau kỳ thi đại học, sĩ tử nào cũng mong muốn cánh cổng giảng đường đại học sẽ mở rộng chào đón mình. Tuy nhiên, không phải ước mơ nào cũng sẽ trở thành hiện thực bởi mỗi năm, tỷ lệ đậu ĐH chỉ chiếm một con số khiêm tốn trong tổng số hàng nghìn sĩ tử dự thi. Nhưng đỗ Đại học liệu có phải là cánh cửa duy nhất cho bạn phát triển, làm cho tương lai mình tươi sáng hơn không?
Chán nản, buông xuôi…
“Rớt” đại học có nhiều nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Có nhiều thí sinh lựa chọn trường có tỷ lệ chọi quá cao nhưng cũng có nhiều thí sinh do tâm lý hoang mang, bất ổn, ảnh hưởng lớn đến kết quả làm bài…
Khi “rớt” đại học, tâm trạng của hầu hết thí sinh là buồn bã, chán nản và lo lắng cho tương lai của mình. Thậm chí, một số thí sinh còn tỏ ra mặc cảm, trầm tư, ngại đi ra đường, ngại gặp bạn bè, người thân… họ nghĩ rằng, mọi thứ dường như đã sụp đổ dưới chân mình.
Đây là thời khắc khó khăn nhất cho mỗi thí sinh khi phải đối mặt với “thất bại” đầu đời, chịu nhiều áp lực với gia đình, dư luận. Vì thế, thời điểm này, các sĩ tử rất cần sự cảm thông, động viên, sẻ chia và định hướng của người thân, gia đình và bạn bè.
Tuy nhiên, nhiều bạn cũng dự đoán được điểm thi của mình nên sau khi biết điểm, họ không buồn chán mà càng quyết tâm, vạch ra những hướng đi cho mình như tiếp tục ôn thi cho năm sau, hay nộp nguyện vọng 2 vào trường lấy thấp điểm hơn…
Tiếp tục “dùi mài kinh sử”
Năm lớp 12, vừa phải lo bài vở trên lớp, vừa phải ôn thi 6 môn thi Tốt nghiệp THPT nên thời gian ôn thi đại học không nhiều. Vì thế nên kết quả thi đại học không phản ánh hoàn toàn đúng thực chất quá trình học tập của mỗi thí sinh. Vì thế, nhiều sĩ tử đã chuẩn bị tâm thế cho mình thi đại học năm nay là “dạo chơi”, thử thách và làm quen áp lực thi cử. Trong thời gian ôn thi, các bạn có thể phụ giúp gia đình công việc nhà hoặc có thể chọn cho mình một công việc làm thêm để có nhiều trải nghiệm, kinh phí cho việc ôn thi Đại học năm tới.
Em Nguyễn Văn Đạt, trường THPT Cầu Giấy (HN) cho biết: “Ngay từ đầu, em cũng xác định là năm nay sẽ không đỗ vào ngôi trường mà mình mơ ước. Em cũng đã từng chia sẻ cho bố mẹ biết được điều đó, vì thế, khi biết kết quả điểm thi, em cũng như gia đình em không bất ngờ lắm. Bây giờ, em sẽ kiếm một công việc làm thêm nhẹ nhàng, không tiêu tốn nhiều thời gian lắm nhưng sẽ có được ít tiền lương và thời gian còn lại, em sẽ tập trung vào 3 môn thi, thỏa mơ ước vào khoa Tự động hóa, trường ĐH Bách Khoa mới được. Làm thêm, vừa có kinh phí vừa làm cho thoải mái, xả stress, chứ cứ chăm chú vào việc học thì nhanh chán, học không vào do bức bối”.
Trượt đại học, các sĩ tử vẫn còn rất nhiều cơ hội thực hiện ước mơ của mình (Ảnh chụp trong kỳ thi đại học 2013)
Cùng với quyết tâm của Đạt, em Nguyễn Hương Thùy, trường THPT Hà Đông (HN) cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Em dự thi vào trường ĐH Hà Nội nhưng với năng lực học cũng như ôn thi, em đã dự đoán được kết quả của mình. Em may mắn hơn các bạn trượt ĐH khác, đó là có bố mẹ hiểu và sẻ chia cùng em. Bố mẹ còn động viên, cho em đi học thêm ở các thầy cô có uy tín ôn thi cho mùa thi ĐH năm sau. Với thời gian ôn thi thoải mái cộng với sự chăm chỉ, quyết tâm thì em nghĩ mình sẽ đạt được ước mơ bước chân vào giảng đường Đại học của mình”.
Nhưng cũng không ít bạn nuối tiếc vì điểm thi quá thấp so với mong đợi, em Nguyễn Văn Hải, trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) tâm sự: “Em làm bài khá ổn, em dự thi khối A nên về nhà cũng tự đối chiếu với đáp án, tự chấm điểm cũng tầm gần 20 điểm. Tuy nhiên, khi nhận được điểm thi từ trường công bố, em có hơi thất vọng, buồn bã nhưng sau mấy đêm suy nghĩ, em đã quyết định không nộp nguyện vọng 2 mà vẫn tiếp tục ở nhà ôn thi, chờ mùa thi Đại học năm sau, học đúng chuyên ngành, ngôi trường mà mình thích, mình định hướng tự trước”.
Chọn du học…khi biết điểm thi không đạt
Nhà có điều kiện, lại là con một nên Mai Hương được gia đình định hướng đi du học sang Singapore khi biết mình không đỗ ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Với vốn tiếng Anh khá tốt, có thể giao tiếp được với người bản xứ, Mai Hương những ngày này đang chuẩn bị những thứ cần thiết cho hành lý của mình để xuất ngoại đi du học. “Gia đình em đăng ký học ở đất nước Singapore, một ngôi trường ở mức bình thường. Mặc dù, học ở bên xứ người phải xa gia đình, xa vòng tay bố mẹ, cuộc sống phải tự lập hoàn toàn nhưng được học ở đất nước Xingapo, mình sẽ được thử thách môi trường mới, được giao lưu với bạn bè quốc tế, được học hỏi nhiều điều ở nước bạn”, Mai Hương tươi cười trả lời.
Đây là con đường, theo như ý kiến của các bạn là “dành cho con nhà giàu” vì nếu không có học bổng thì chi phí khá đắt đỏ. Tuy nhiên, bây giờ có nhiều trường đại học nước ngoài có nhiều ưu đãi, học bổng bán phần, chiêu sinh đối với học sinh nào muốn du học. Vì thế, nhiều học sinh cuối cấp đã ấp ủ kế hoạch học nước ngoài ngay khi thi đại học xong.