Con dâu 71 tuổi chăm sóc bố chồng 92 tuổi, cố bám nhà dù ngập nặng
Hơn 1 tuần kể từ ngày nước lũ dâng cao, bà Trường cùng bố chồng ở yên trong nhà. Bà được thôn hỗ trợ 2 thùng mỳ tôm, 2 bình nước lọc, cùng với rau cỏ trong vườn và thức ăn con cái gửi nên cứ thế sống qua ngày.
Hơn 1 tuần "bám nhà" giữa mưa lũ
Ở đầu làng, nơi rẽ vào thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), bà Phạm Thị Trường (SN 1953) đang ngồi đợi chiếc xe kéo tự chế của đội xung kích thôn đến đón về nhà. Hơn 1 tuần nay thôn ngập nặng, mỗi khi cần ra ngoài, bà Trường và người dân trong thôn đều phải nhờ chiếc xe này chở qua những đoạn ngập sâu.
Phe phẩy chiếc nón, bà cười nói: “Nay là ngày ngập thứ 8 hay thứ 9, tôi không nhớ, chỉ nhớ bao nhiêu ngày ngập là bấy nhiêu ngày bám nhà. Mãi đến hôm nay, tôi mới ra chợ bán chai tương mình tự làm, gặp mấy cô con gái, đứa biếu quả dưa hấu, đứa ấn cho quả mít nên đồ đạc cồng kềnh quá”.
Bà Trường kể về cuộc sống sinh hoạt của mình trong những ngày ngập nặng.
Bà Trường sống cùng bố chồng – cụ Đỗ Đình Thoa (92 tuổi) trong căn nhà cũ ở xóm Giàu, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến.
Căn nhà cũ kỹ, lụp xụp nhưng có khoảng sân rộng rãi, may mắn ở khu đất cao ráo nên không bị ngập. Có điều, các đoạn đường xung quanh bị ngập sâu nên việc đi lại của bà vẫn gặp nhiều bất tiện.
Hơn 1 tuần kể từ ngày nước lũ dâng cao, bà Trường cùng bố chồng ở yên trong nhà. Bà được thôn hỗ trợ hai thùng mỳ tôm, hai bình nước lọc, cùng với rau cỏ trong vườn và thức ăn con cái gửi cho nên cứ thế sống qua ngày.
“Tôi và bố chồng ở yên trong nhà, không đi đâu cả. Thời gian rảnh rỗi, tôi làm vài chai tương đem bán kiếm ít tiền tiêu. Đến hôm nay tương ngấu, tôi mới đem ra chợ bán thì được các chú trong thôn chở qua mấy đoạn đường ngập sâu”, bà Trường kể.
Vốn quen với cuộc sống giản dị, tằn tiện, bà Trường thấy cuộc sống những ngày qua không quá đảo lộn, vất vả. Nhịp sống vẫn êm đềm như thường lệ, bà Trường vừa làm việc nhà, vừa nấu cơm cho bố ăn. Cụ Thoa cũng không quá bận tâm chuyện lụt lội, rảnh thì nghỉ ngơi, xem ti vi, đến bữa được con dâu phục vụ cơm nước.
Tận tâm chăm sóc bố chồng vì chữ hiếu
Câu chuyện “con dâu chăm bố chồng” của bà Trường nổi tiếng ở thôn Nam Hài. Hỏi đường vào nhà bà Trường, cụ Thoa, chẳng mấy ai lạ lẫm.
Bà Trường sống cùng bố chồng trong căn nhà cổ.
Bà Trường về làm dâu nhà cụ Thoa năm 21 tuổi. Bà sinh được 7 người con, gồm 6 con gái và 1 con trai. Người con gái thứ 4 đã qua đời năm 1984.
Năm 1988, chồng bà Trường qua đời ở tuổi 45. Lúc ấy, bà mới gả được hai cô con gái, có 3 người cháu ngoại.
Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo sớm hôm nuôi nấng, dựng vợ gả chồng cho những người con còn lại. Đến nay, con trai, con gái bà đều đã yên bề gia thất, có công việc ổn định, sinh cho bà 14 người cháu ngoại và 3 người cháu nội.
Kể từ khi được gả vào nhà cụ Thoa, bà đã sống chung với bố mẹ chồng. Cuộc sống làm dâu của bà êm thấm, không có xích mích gì lớn. Chồng mất đi, bà thay chồng gánh vác chữ hiếu, chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo.
Cách đây 4 năm, mẹ chồng bà Trường qua đời.
“Trước khi mất, mẹ chồng tôi nằm liệt giường 45 ngày. Tôi cứ ngày 3 lần cho ăn, 2 lần thay bỉm, kề cạnh chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho cụ những ngày cuối đời. Cũng may, tôi có một cô con gái lấy chồng gần nên được con hỗ trợ nhiều trong việc chăm sóc cụ”, bà Trường chia sẻ.
Nhiều năm trước, vợ chồng con trai bà Trường xây nhà ra ở riêng. Mẹ chồng mất, bà từng đưa bố chồng lên nhà con trai mình chung sống. Thế nhưng, cụ Thoa nhất quyết về sống trong căn nhà của tổ tiên. Bà chẳng còn cách nào khác phải về theo. Với bà, đó là chữ hiếu phải gánh vác.
“Tôi chẳng vì gì cả, chỉ vì chữ hiếu. Chồng tôi là người con duy nhất của bố mẹ chồng. Giờ chồng mất rồi, mẹ chồng cũng đã mất, chỉ còn lại bố, tôi là phận làm con nên ở cạnh trông nom, chăm sóc cho tròn chữ hiếu”, bà Trường giãi bày.
Nơi nghỉ ngơi của cụ Thoa
Nhắc đến chuyện chăm sóc bố chồng 92 tuổi, bà Trường cười nói: “Chẳng có gì vất vả, cụ vẫn khỏe và minh mẫn lắm”.
Bà Trường kể, cụ Thoa chưa lẫn, chỉ hơi lãng tai. Hằng ngày, cụ vẫn tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo. Bà chỉ cần nấu cơm rồi đến bữa gọi cụ dậy ăn. “Thi thoảng, cụ thích ăn cái gì là cụ tự nấu. Cụ nấu ăn ngon lắm, tôi còn được ăn ké của cụ”, bà Trường cười chia sẻ.
Vì cụ Thoa nghe kém nên ít trò chuyện với con dâu. Hai người sống chung một nhà, nhưng hầu như chỉ giao tiếp vài câu trong bữa cơm. Dẫu vậy, bà Trường vẫn luôn lặng lẽ quan tâm đến sức khỏe của bố chồng.
“Các con sắm cho tôi và cụ mỗi người một cái ti vi, buổi trưa, buổi tối thích thì mở lên xem. Đó là cách giải trí”, bà Trường nói.
Cách đây vài năm, bà Trường vẫn trồng rau, cấy lúa, thi thoảng làm bánh trái bán cho bà con quanh làng. Gần đây, các con trai, con gái một mực khuyên bà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, bà mới bỏ ruộng.
Dù vậy, bà Trường vẫn làm tương, thi thoảng đem ra chợ bán kiếm chút tiền tiêu. Bấy nhiêu năm tần tảo làm lụng, bà chưa quen với việc nghỉ ngơi hoàn toàn.
“Các con tôi hiếu thảo, luôn quan tâm đến mẹ và ông nội. Thế nhưng, tôi cũng không quá phụ thuộc vào con trai, con gái, con dâu. Tôi có mảnh vườn nhỏ, vẫn trồng được rau để hai bố con tôi cùng ăn”, bà Trường chia sẻ.
Mỗi tháng, cụ Thoa được chu cấp hơn 400 nghìn đồng theo chế độ tuổi già. Khoản tiền đó, bà Trường dùng để mua thức ăn, sữa, bánh bồi dưỡng thêm cho bố chồng.
Trao đổi với phóng viên, anh Ngô Văn Quang (Phó trưởng thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) cho hay, câu chuyện chăm sóc bố chồng của bà Trường được nhiều người dân trong thôn biết đến. Hiện tại, cụ Thoa được hưởng chế độ của người cao tuổi, ngoài ra không có khoản trợ cấp nào đặc biệt.
“Cụ Thoa được con dâu chăm sóc tốt, bao năm qua không có xích mích, điều tiếng gì”, anh Quang nói.
Ảnh: Thanh Minh, Tú Linh
30 năm sống cô độc trong “hộp ngủ” dưới gầm cầu thang cư xá cũ, ở tuổi U80 bà Sang đưa ra quyết định khiến ai cũng bất ngờ.
Nguồn: [Link nguồn]