"Con buôn" sinh viên: Ấp ủ ước mơ làm ông chủ
Kinh doanh dịp Tết cũng là cơ hội để các "con buôn" sinh viên tiến đến giấc mơ trở thành "ông chủ", "bà chủ".
Có bạn sinh viên xem việc kinh doanh như một cách thức kiếm tiền thời vụ, đáp ứng nhu cầu trước mắt, có bạn lại chỉ coi nó như một “cuộc chơi” mà trong đó, mình được sắm vai "ông chủ", "bà chủ", được trải nghiệm cảm giác chủ động tính toán thu chi, lỗ lãi, không phải phụ thuộc ai. Nhưng có những bạn sinh viên lại xem việc kinh doanh là bước đầu khởi nghiệp, là nền tảng của sự nghiệp sau này.
Khởi nghiệp bằng 4 triệu đồng
Đây là dịp Tết đầu tiên thử sức với công việc kinh doanh nhưng Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1995, sinh viên trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn mạnh dạn bỏ ra số vốn 4 triệu đồng để nhập giày nam bán.
Khi được hỏi, tại sao không chọn những mặt hàng khác phù hợp với kinh doanh thời vụ như hoa, thực phẩm Tết… mà lại chọn giày nam, Tuấn Anh cho biết: "Mình đam mê thời trang và muốn gây dựng việc kinh doanh lâu dài nên mới chọn mặt hàng này".
Tuấn Anh ấp ủ ý tưởng kinh doanh từ khá lâu và đến dịp Tết này mới chính thức thực hiện. Theo Tuấn Anh, trong dịp Tết, nhu cầu về thời trang cao nên rất thích hợp cho việc kinh doanh. Hơn nữa, đây là thời điểm một số điểm xả hàng giày dép mùa đông, có thể nhập được nhiều hàng chất lượng ổn mà giá cũng rẻ…
Số vốn 4 triệu Tuấn Anh có được từ tích cóp tiền ăn và tiền sinh hoạt hàng tháng gia đình gửi. Chàng SV năm hai từng bước thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình từ việc tìm nguồn hàng rẻ, chất lượng ổn, sau đó lập một cửa hàng kinh doanh online, đăng hàng quảng cáo và nhận chuyển hàng qua mạng.
Tuấn Anh cho hay: “Cửa hàng online của mình đang trong quá trình hình thành. Sắp tới mình sẽ đăng bài trên mấy trang rao vặt để quảng cáo sản phẩm cũng như cửa hàng mình”.
Với một chàng sinh viên như Tuấn Anh thì 4 triệu là một khoản tiền khá lớn, đầu tư nó vào việc kinh doanh đôi khi cũng thấy mạo hiểm. Tuy nhiên, chàng sinh viên kinh tế chấp nhận rủi ro bởi, theo Tuấn Anh: “dù có thất bại thì mình vẫn thu được kinh nghiệm, phục vụ cho công việc kinh doanh sau này”.
Tiêu chí kinh doanh Tuấn Anh theo đuổi là đam mê, thân thiện với khách hàng. Tuấn Anh chia sẻ: “Em muốn khách hàng mua được sản phẩm với giá cả hợp lý mà mình vẫn có lãi. Làm sao để đôi bên cùng có lợi mới kinh doanh lâu dài được”.
Cho đến giờ, mặc dù chưa thu được đồng tiền lãi nào, nhưng chàng trai Kinh tế vẫn tin tưởng vào con đường kinh doanh của mình. Ước mơ gần nhất của cậu là có tiền mở một shop thời trang để vừa có thể kinh doanh online vừa kinh doanh offline.
“Ông chủ” sinh viên
Cũng lựa chọn quần áo làm mặt hàng kinh doanh, nhưng Nguyễn Mạnh Tuân (sinh viên năm 2- ĐH Kinh Tế Quốc Dân) lại tập trung vào đồng phục học sinh, sinh viên và đồng phục bóng đá.
Nguyễn Mạnh Tuân, "ông chủ nhỏ" đúng nghĩa bắt đầu kinh doanh từ khi đang học lớp 11
Có thể gọi Tuân là “ông chủ nhỏ” đúng nghĩa bởi cậu bắt đầu kinh doanh áo đá bóng từ khi còn đang học lớp 11, và lên đại học, cậu mới chính thức “lấn sân” sang mảng áo đồng phục học sinh, sinh viên.
Tính đến nay, thương hiệu áo đá bóng và đồng phục học sinh, sinh viên của Tuân đã dần đi vào ổn định trong thị trường, đem lại những hiệu quả đáng chú ý.
Tuân chia sẻ: “Hồi lớp 11, trường mình tổ chức giải bóng đá. Tất cả có 42 lớp tham gia nên mình nghĩ, chắc chắn nhu cầu mua áo bóng đá sẽ rất nhiều. Mình bắt đầu đi khảo giá thì thấy giá bán áo ở quê đắt hơn Hà Nội khá nhiều. Từ đó mình nảy sinh ý tưởng kinh doanh áo đá bóng. Quan trọng nhất vẫn là tìm được khách hàng (là các lớp trong trường đặt áo). Hồi đó mình phải nhờ cậu bạn thân thiết kế riêng 1 mẫu catalugue ảnh các mẫu áo đá bóng, đem đi in màu rồi phát tới từng lớp để “chào hàng”, kèm cả những khuyến mãi hấp dẫn nữa”.
“Dần dần từng lớp đặt áo ở chỗ mình (ban đầu là các lớp cùng khối mà mình quen biết, sau đó các lớp khác thấy giá rẻ + khuyến mãi hấp dẫn nên cũng đều tới đặt áo ở chỗ mình). Mùa giải năm lớp 11 mình đã làm cho 34/42 lớp trong trường. Nhận thấy công việc kinh doanh này đem lại hiệu quả kinh tế nên mình quyết định duy trì và phát triển đến bây giờ”.
Lên đại học, để việc kinh doanh duy trì thuận lợi, Tuân đã xây dựng thêm đội ngũ cộng tác viên kinh doanh, chủ yếu là các em học sinh lớp 12 của các trường THPT. Đội ngũ CTV này giúp Tuân phát tờ rơi, quảng bá thương hiệu, nhận đơn hàng và tiền đặt cọc của khách.
Còn Tuân là người trực tiếp trao đổi với khách hàng về yêu cầu thiết kế, số lượng, giá cả..v.v, hầu hết đều qua điện thoại và facebook. Sau khi thống nhất yêu cầu thiết kế của khách hàng, Tuân chuyển toàn bộ sang cho bên thiết kế lên demo áo trên máy tính, gửi khách hàng chốt lần cuối sau đó mới gửi xưởng sản xuất (gia công may +in ấn).
Sau khi hoàn thiện, Tuân đích thân xuống xưởng kiểm tra lại từng chiếc áo rồi cho đóng gói gửi về tận tay khách hàng. Với cách làm đó, Nguyễn Mạnh Tuân đã thực sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh mà mình lựa chọn.
Tuân tâm sự thêm: “Mình thấy bản thân rất có “duyên” với việc kinh doanh. Hình ảnh quảng cáo và chất lượng sản phẩm rất được lòng khách hàng. Hơn nữa, mình cũng thấy bản thân may mắn khi gặp được anh thiết kế trình độ cao, luôn nhiệt tình đồng hành cùng mình từ những ngày đầu tiên bắt đầu thương hiệu đồng phục. Sau này,mình còn may mắn được người quen giới thiệu cho xưởng may hiện đang hợp tác, chất lượng rất tốt, chủ xưởng nhiệt tình. Hơn nữa, đội ngũ các em cộng tác viên rất năng động và nhiệt tình”.
Công việc kinh doanh kết hợp 2 mảng đồng phục này đem lại cho Tuân nguồn thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng, có những tháng cao điểm lên tới 10 triệu đồng.
Tuân cho biết, sau Tết là thời điểm công việc kinh doanh khá bận rộn bởi, đó là lúc các em học sinh nhận được nhiều tiền lì xì và rất hay làm đồng phục lớp. Hiện tại, Tuân đã chuẩn bị tinh thần và kế hoạch cho việc thực hiện nhiều đơn đặt hàng vào thời điểm sau Tết.
Với sự năng nổ, linh hoạt, khéo léo và rất có “duyên” trong việc kinh doanh, Nguyễn Mạnh Tuân đã trở thành một “ông chủ” đúng nghĩa.
Tuân cho biết, bí quyết kinh doanh của cậu là đam mê, nhiệt tình và đặc biệt phải thân thiện với khách hàng, phải coi khách hàng như những người bạn, người thân trong gia đình để luôn cố gắng hết mình đem lại những giá trị tốt nhất cho họ.
Tuân hiện đang là sinh viên năm 2, chuyên ngành Hải Quan trường ĐH Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội. Để cân bằng được việc học với việc kinh doanh, Tuân đã phải sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Tuân chia sẻ, công việc kinh doanh vất vả nhưng bởi đam mê từ nhỏ, nên cậu bạn coi đó là niềm vui của mình. Trong tương lai chắc hẳn “niềm vui” ấy sẽ được “ông chủ” nhỏ phát triển mạnh hơn nữa.
***
Nhiều bạn sinh viên lựa chọn kinh doanh dịp Tết để kiếm tiền chi tiêu dịp Tết hay xa hơn nữa là ấp ủ ước mơ được làm "ông chủ", "bà chủ". Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bạn sinh viên hùn vốn kinh doanh để lấy tiền từ thiện cho các mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Hãy cùng theo dõi phần tiếp theo vào phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 4/2/2015.