Cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam bật mí về con đường trở thành phi công như thế nào
“Con người bây giờ thậm chí chuẩn bị bay lên sao Hoả rồi, mình không nghĩ lái máy bay thương mại là thứ viển vông ngoài tầm với”, Đạt nói.
Cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt
Nguyễn Quang Đạt (Hà Nội) trở thành cơ trưởng của một hãng bay có tiếng tại Việt Nam vào năm 24 tuổi. Anh được xem là gương mặt truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt bởi sự tài giỏi và bản lĩnh dám theo đuổi đam mê. Nổi lên như một hiện tượng vào năm 2015, cho đến giờ Quang Đạt vẫn có sức hút, gắn liền với những biệt danh như “Cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam”, “Cơ trưởng đẹp trai nhất Việt Nam”…
Trong bài viết này, Quang Đạt đã có những chia sẻ cụ thể về hành trình học và trở thành phi công như thế nào.
Đang là sinh viên của khoa có điểm đầu vào cao nhất trường Đại học Ngoại thương, Quang Đạt lại rẽ ngang sang học lái máy bay. Vì sao vậy?
Bố mình là một phi công lái máy bay quân sự và sau đó chuyển sang làm việc trong ngành hàng không dân sự nên từ nhỏ mình đã được tiếp xúc nhiều với các chú, các bác phi công. Mình hay nói, ngành hàng không thực sự đã chọn mình.
Kế hoạch ban đầu của mình là sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ thi và học đại học. Giống như phần lớn các bạn 18 tuổi khác, mình coi việc đỗ vào một trường đại học danh giá giống như tấm huy chương vẻ vang của 12 năm học. Và khi đạt được nguyện vọng khẳng định bản thân là đỗ vào khoa cao điểm nhất của trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), thì cơ hội trở thành phi công cũng đồng thời đến với mình.
Quang Đạt lên vị trí cơ trưởng vào năm 24 tuổi
Khi ấy, một hãng hàng không trong nước bắt đầu tuyển sinh khoá đào tạo phi công tại New Zealand với phần hỗ trợ học phí lên tới 90%. Bố mình bảo “Hay con cứ đi thử” và may mắn là mình trúng tuyển.
Mình đã trải qua một giai đoạn đau đầu với lựa chọn chớp lấy thời cơ quý giá này hay bỏ lỡ nó để tiếp tục học đại học. Cuối cùng mình nghĩ, việc mình thi đại học xuất phát từ mong muốn khẳng định bản thân nhiều hơn là mong muốn trở thành một người hoạt động trong ngành kinh doanh (ngành mình học khi đó). Tìm hiểu được các thế mạnh của ngành hàng không, mình quyết định theo học khoá phi công.
18 tuổi bắt đầu học phi công cơ bản ở New Zealand, 19 tuổi tốt nghiệp. Lịch trình học tập trong 1 năm đó của Quang Đạt diễn ra thế nào?
Không giống như nhiều người lầm tưởng, học phi công thực ra không phải chỉ là học lái máy bay.
Trong khoảng thời gian gần 2 năm, mình phải học khối lượng kiến thức khổng lồ về điều kiện khí tượng, thời tiết, hoạt động của các hệ thống máy móc thiết bị, các yếu tố liên quan đến thể chất và tâm lý con người có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển máy bay, khả năng lãnh đạo và hoạt động nhóm, các bước đưa ra quyết định hiệu quả chính xác, luật hàng không quốc tế… Tất cả đều bằng tiếng Anh. Và đó chỉ là lý thuyết chiếm 10-20% thời lượng.
Quang Đạt trải qua một khóa đào tạo gắt gao
Thời gian còn lại là thực hành. Tụi mình phải trải qua 4 kỳ thi và hàng trăm giờ bay lấy kinh nghiệm. Mình thậm chí không có thời gian cho các kỳ nghỉ hè hay nghỉ lễ.
Hồi học thi đại học xong, mình nghĩ “Vậy là đã hết duyên với sách vở”. Ai dè, học làm phi công, nguyên phần lý thuyết thôi đã nhiều như là thi đại học.
Để được ngồi vào buồng lái, Quang Đạt đã phải “tốt nghiệp” những yêu cầu nào?
Phải nói tiếng Anh thuần thục, phải có khả năng điều khiển máy móc an toàn, phải có tâm lý vững vàng chống chọi được căng thẳng và đồng thời cũng phải có khả năng giao tiếp tốt. Điều cuối cùng nhưng có lẽ cũng là quan trọng nhất, đó là phải có thái độ cực kỳ nghiêm túc và chăm học hỏi.
20 tuổi là cơ phó, 24 tuổi trở thành cơ trưởng, nổi tiếng với danh xưng “cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam”. Điều gì là quan trọng nhất giúp Đạt có được thành tích này?
Cho đến bây giờ, mình đã ở trong ngành hàng không được gần 11 năm. Nếu dùng một từ để nói về lý do tạo nên thành công của bản thân mình thì chắc chỉ có thể là: Nghiêm túc.
Quang Đạt luôn học tập với sự nghiêm túc
Nghiêm túc trong thái độ học tập và làm việc. Biết giá trị và vị trí của bản thân để hành xử và phấn đấu xứng đáng với vị trí ấy. Nếu mỗi ngày bạn đều làm việc một cách nghiêm túc và tử tế, bạn sẽ thấy một ngày nhìn lại, mình chắc chắn đã tiến những bước rất xa với những người hay chểnh mảng và hời hợt.
Cộng với một chút may mắn, thì bạn sẽ có khả năng cao để thành công.
Đạt có thể tiết lộ một chút về chi phí học tập của mình?
Chi phí học phi công hiện tại có thể giao động trong khoảng từ 60-150.000 USD, tuỳ vào trường bạn học và những năng định bạn muốn theo học.
Nghề phi công tuyển chọn và đào tạo rất gắt gao, lại phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Chắc chắn mức lương trả cho công việc này phải thật tương xứng?
Mình chỉ có thể trả lời rằng, mức lương khởi điểm của ngành phi công ở Việt Nam khoảng trên 40 triệu đồng. Tuỳ vào cấp bậc, vị trí sau này để tính ra mức lương khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Trước dịch Covid nếu bạn làm ngoài 5 năm và đã lên vị trí cơ trưởng thì lương có thể sẽ giao động ở khoảng 5000 - 8000 USD tuỳ giờ bay tháng.
Nếu bạn muốn ra nước ngoài làm thì có một vài nước trả lương rất cao, có thể lên đến 20.000 USD/tháng.
Anh hạnh phúc và kiên trì với ngành học đã chọn và theo đuổi
Với Quang Đạt, cảm giác của bạn thế nào khi được bay trên bầu trời và mình trở thành người quan trọng nhất trong những chuyến bay?
Cảm giác này có lẽ là thứ mà rất nhiều cậu bé từng nghĩ đến: Điều khiển những cỗ máy bay trên trời với vận tốc gần đạt với tốc độ của âm thanh.
Cùng với sự thăng hoa có lẽ là những áp lực khó đong đếm?
Rất nhiều. Áp lực của việc khởi hành đúng giờ, đối diện với các lỗi kỹ thuật. Nhưng thường gặp hơn cả là áp lực đối mặt với thời tiết xấu, đặc biệt là ở một quốc gia nhiệt đới như Việt Nam với các cơn giông, cơn bão mạnh vào mùa hè.
Anh từng gặp sự cố lớn nào khi điều khiển máy bay và đã xử lý ra sao?
Các sự cố lớn trên máy bay là điều cực kỳ cực kỳ hiếm gặp. Hệ thống quản lý an toàn của các hãng hàng không là thứ mà nếu như không ở trong ngành thì chắc sẽ khó có thể nghĩ là nó lại phức tạp đến vậy. Cho nên, có những người mà trong suốt sự nghiệp của mình, họ chưa từng gặp một sự cố lớn nào cả.
Các sự cố nhỏ hơn thì có thể bạn cũng sẽ gặp, mặc dù rất hiếm hoi và phi công đều được huấn luyện cẩn thận để xử lý những tính huống vô cùng phức tạp nên những sự cố như vậy thường không gây cho họ nhiều rắc rối. Thường thì chỉ hít thở từ từ một vài giây định hình chuyện gì đang xảy ra, rồi bắt tay vào xử lý thôi.
"Con người bây giờ thậm chí chuẩn bị bay lên sao Hoả rồi, mình không nghĩ lái máy bay thương mại là thứ viển vông ngoài tầm với", Đạt nói
Phi công liệu đã phải là công việc trọn đời mà Đạt hướng tới?
Mình muốn phát triển hết khả năng của mình trong lĩnh vực này đã. Hiện giờ, mình cảm thấy mình vẫn có thể học được nhiều điều nên trong tương lai gần có lẽ bạn sẽ vẫn thấy mình mặc bộ đồng phục phi công và lái máy bay đến nhiều vùng đất trên thế giới.
Với những gì Đạt đã chia sẻ, có lẽ, trở thành phi công không phải là ước mơ viển vông, đối với cả những người không sinh ra trong một gia đình có duyên với ngành hàng không như Đạt?
Con người bây giờ thậm chí chuẩn bị bay lên sao Hoả rồi, mình không nghĩ lái máy bay thương mại là thứ viển vông ngoài tầm với. Mình hiểu, tài chính là vấn đề lớn với rất nhiều người nhưng mình biết, có nhiều anh chị đi làm miệt mài 10 năm để tiết kiệm tiền đi học phi công. Vì sao? Vì họ đam mê và họ có cố gắng một cách nghiêm túc.
Nếu bạn chưa cố gắng mà đã nghĩ nó viển vông, thì chắc là nó viển vông thật rồi.
Cảm ơn những chia sẻ của Quang Đạt!
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu là một người tài năng, bạn không cần phải nhọc công rải CV mà sẽ có công ty trải thảm mời ngay từ lúc đang đi...