Cô sinh viên duyên dáng của ĐHQG TP. HCM: "Công nghệ không phải lĩnh vực chỉ dành cho nam giới"
Phạm Lê Thùy Dung (ngành Khoa học Máy tính, trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM) đã đạt được nhiều thành tích trong học tập và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi lớn. Cô luôn nỗ lực hết mình để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bí quyết theo đuổi đam mê mà không ‘mệt’
Nuôi dưỡng ước mơ trở thành một lập trình viên từ khi 12 tuổi, Thùy Dung hào hứng khi được tiếp xúc với ngôn ngữ lập trình và có cơ hội tham gia nhiều cuộc thi Tin học trẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, mọi người vẫn mang những định kiến “công nghệ thông tin không dành cho nữ giới”. Đến khi phải đưa ra quyết định quan trọng ở tuổi 18, Dung may mắn nhận ra, cô phù hợp nhất với ngành Khoa học Máy tính nói riêng, lĩnh vực Công nghệ thông tin nói chung.
Trước đó, vì không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, Dung đã không đầu tư cho Tin học trong một thời gian dài sau đó và nghĩ rằng, mình sẽ "chọn bừa" một ngành học nào đó khác. Việc hiểu bản thân giúp Dung vượt qua định kiến, tự đưa ra lựa chọn và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Chia sẻ về phương pháp đã áp dụng để đạt được GPA 3.96/4.00, Thùy Dung luôn biết ưu tiên những gì ở từng thời điểm để không tạo quá nhiều áp lực cho bản thân. Không vì kiếm tiền mà làm thêm các công việc trái ngành, Dung chọn làm trợ giảng, gia sư về cấu trúc dữ liệu, thuật toán và tập trung thực tập một số công việc liên quan đến ngành học.
Những lúc không hiểu bài trên lớp, Dung chủ động tìm đến hỏi các bạn giỏi nhất trong lớp, cho đến khi bản thân hiểu rõ và có thể tự thực hành một mình. Đồng thời, việc tìm và chọn nhóm bạn có cùng chung chí hướng không chỉ giúp cô đạt được hiệu quả cao trong học tập, mà còn vượt qua môn học một cách “bình yên” và thoải mái nhất.
Đôi lúc, có những môn học Dung cảm thấy khó và không có động lực để đầu tư cho những môn học đó. Nhưng cách mà Dung vượt qua là linh hoạt thay đổi để thích nghi với môn học đó trong khả năng của mình. Và Dung vẫn giữ được GPA tương đối tốt.
“Thường điểm những môn như vậy sẽ thấp hơn các môn khác, nhưng mình không quá buồn hay so sánh với các bạn khác để tự tạo thêm áp lực. Mình chỉ đơn giản xem đó là một trải nghiệm với kiến thức mới và là một cơ sở cho việc lựa chọn công việc lâu dài sau này”, Thùy Dung chia sẻ.
‘Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi’
Bắt đầu tìm hiểu về nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai tại trường, Dung cùng các bạn đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện bài báo cáo đề xuất một phương pháp mới để giải một bài toán khá phổ biến trong lĩnh vực thị giác máy tính (Video Object Segmentation).
Mục tiêu của bài toán là phân biệt chủ thể chính trong video với background, giúp ích cho việc chỉnh sửa video, nhận biết hành động của chủ thể, tóm tắt video... Với sự khuyến khích và động viên của thầy Trần Minh Triết (giảng viên hướng dẫn), nhóm của Thùy Dung đã nộp bài báo cáo trong môn học cho hội nghị NAFOSTED và được Hội đồng chấp nhận.
Nhờ những bài học và thành tựu có được từ các môn nghiên cứu khoa học cũng như hội nghị NAFOSTED, Dung thêm phần tự tin cho hành trình nghiên cứu khoa học của mình. Năm 2022, Thuỳ Dung đã có thể nghiên cứu một cách tốt hơn, độc lập hơn và vươn xa hơn.
Với sự hướng dẫn của thầy Đinh Bá Tiến, cùng người bạn đồng hành trong khóa luận tốt nghiệp, báo cáo của nhóm về nhận diện gian lận thẻ tín dụng được chấp nhận đăng tại Hội nghị LOD 2022 (The 8th Annual Conference on machine Learning, Optimization and Data science) được tổ chức online và offline tại Ý và sẽ được xuất hiện trên Springer - Nature Lecture Notes in Computer Science vào năm 2023.
Mới đây, Thùy Dung xuất sắc khi nhận giải thưởng “Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022”. Bất ngờ khi bản thân được chọn là một trong 20 nữ sinh đoạt giải của cả nước, Thùy Dung vui mừng: “Mình rất vinh dự và may mắn khi được nhận giải thưởng này. Mình đã có cơ hội tiếp xúc và biết đến nhiều bạn sinh viên nữ tiêu biểu trong ngành học của mình. Mình và các bạn đều có cách tỏa sáng riêng. Mình luôn tự hào vì là một cá thể trong tập hợp những nữ sinh sống hết hết với đam mê”.
Vươn xa bằng con đường học và hành
Bên cạnh những thế mạnh, Dung nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót trong kỹ năng mềm, đặc biệt là trong giao tiếp và sự tự ti khi phải đối diện với nhiều người. Do vậy, Dung luôn cố gắng tham gia tổ chức, đóng góp cho một số cuộc thi, hoạt động của khoa khi thời gian cho phép. Nhất là những hoạt động vừa có thể phát huy khả năng sẵn có, vừa có thể trau dồi thêm những điều mới, cải thiện những điểm yếu của mình và kết thêm được nhiều bạn mới.
“Việc tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp giúp mình vượt qua phần nào nỗi sợ đám đông để cải thiện kỹ năng giao tiếp, vốn là điểm yếu chung của phần lớn sinh viên công nghệ thông tin, nhưng lại rất cần trong công việc của bọn mình sau này. Học hỏi qua chia sẻ về những trải nghiệm của mọi người cũng giúp mình phát triển hơn, có thêm nhiều góc nhìn ở nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Những hoạt động này giúp quãng đời sinh viên của mình có thêm nhiều kỉ niệm vui, để sau này nhìn lại mình sẽ không phải hối tiếc vì mình chỉ là một sinh viên ‘mọt sách’ đến trường chỉ để học rồi thi”, Thùy Dung tâm sự.
Hiện tại, Thùy Dung đã hoàn thành chương trình học và hiện đang làm việc ở vị trí Kỹ sư phần mềm. Trong tương lai, Dung hy vọng có thể chia sẻ nguồn cảm hứng đến các bạn trẻ đang học tập hoặc có nguyện vọng theo ngành Công nghệ thông tin, như một cách mình cho đi những bài học và nguồn cảm hứng quý báu từ thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp mà bản thân đã may mắn được nhận trong suốt quá trình học tập và làm việc suốt 4 năm vừa qua.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông, Thuý chọn nghiên cứu công nghệ sinh học với mong muốn ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giảm áp lực lao động cho người nông...
Nguồn: [Link nguồn]