Cô học trò biến rác thải nhựa thành gạch lát sân, đường

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Tận dụng rác thải nhựa quanh khu vực mình sinh sống, cô học trò tại vùng gò đồi huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đã tái chế thành những viên gạch lát sân, đường.

Sau giờ lên lớp, My lên mạng để đọc, tìm hiều những phát minh về rác thải (Ảnh: ĐỨC TÀI)

Sau giờ lên lớp, My lên mạng để đọc, tìm hiều những phát minh về rác thải (Ảnh: ĐỨC TÀI)

Với ý tưởng "Chế tạo gạch lát sân, đường từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống", em Nguyễn Thị Diễm My (lớp10B2, trường THPT Lê Thế Hiếu, huyện Cam Lộ) vừa đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ 10.

Ý tưởng ở quanh ta

Năm học lớp 9, nhà trường có thông báo về cuộc thi sáng tạo trẻ của tỉnh. Biết được thông tin, My liền lên mạng nghiên cứu, tìm ý tưởng tham gia cuộc thi. Sau hai ngày, em chọn rác thải nhựa để nghiên cứu tạo sản phẩm riêng cho bản thân.

“Hiện nay vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm trắng ngày càng trở nên nghiệm trọng. Mỗi năm số lượng rác thải xả ra môi trường rất lớn, trong khi việc xử lý rác vẫn còn nhiều hạn chế, lạc hậu”, My chia sẻ.

My lớn lên tại vùng quê, từ nhỏ phải đi trên những con đường đất đỏ. Mùa nắng bụi bay mịt mù, mưa thì trơn trượt khiến việc đi lại khó khăn, nguy hiểm, mọi người ai cũng ước có đường bê tông để đi lại. Với mong muốn thay đổi mạo diện cho quê hương, tìm phương án xử lý rác thải nhựa một cách có hiệu quả nhất. My bắt đầu lên ý tưởng dùng rác thải nhựa để chế tạo gạch lát.

Sau những giờ học trên lớp, My lại đi khắp làng thu nhặt rác thải nhựa mà người dân vứt ra môi trường. Mang về rửa sạch, cắt nhỏ trộn lẫn với cát, đá rồi đưa đi đun nóng thành hỗn hợp (tan chảy). Hỗn hợp sau đó được cho ra khuôn, khi nguội lại sẽ kết dính với nhau tạo ra viên gạch.

“Ban đầu thấy sản phẩm em cứ nghĩ đã thành công nhưng do đá và cát có ít khả năng hấp thụ lại phản ứng với môi trường không khí nên một thời gian những viên gạch mềm nhũn, bể thành từng mảnh”, My cho biết.

Không chịu khuất phục

Sau lần thất bại đầu tiên, My sửa dụng những loại nguyên liệu khác như: Xi măng, lá cây, muối… tiếp tục trộn lẫn với rác, nung nóng tạo ra gạch. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, My đều không đạt được kết quả.

Ngỡ rằng sau những thất bại, ý tưởng tái chế rác thải của cô học trò sẽ khép lại, thì bất ngờ lại đến sau tiết Hóa học. My kể: "Sau bài học “vôi sống”, em thấy vôi có tính chất hóa học của ôxit bazơ, có khả năng hấp thụ, phản ứng với các khí độc như CO2 , SO2 , HF... nên sẽ giữ cho sản phẩm luôn ổn định, không bị lên men, hư hỏng do ẩm. Hỗn hợp khi sử dụng vôi có độ kết dính cao, rắn chắc, bền vững. Em tiếp tục đưa vôi sống vào ý tưởng của mình".

Sau nhiều thử nghiệm, dưới sự giúp đỡ của cô giáo, My đã thành công khi tạo ra sản phẩm gạch lát từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống. Sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường.

“Quá trình làm gạch lát sân, đường bằng rác thải và vôi cũng giống nhưng cách làm với đá, cát. Chỉ khác là rác khi thu gom về, mình phải rửa sạch và phơi khô, trộn với vôi theo tỉ lệ 6:4, rồi nung nóng 15 phút ở nhiệt độ từ 110-130 độ C”, My chia sẻ.

My nhận giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ 10 (Ảnh: NVCC)

My nhận giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ 10 (Ảnh: NVCC)

Để những viên gạch trở nên bắt mắt và có nhiều kích thước khác nhau, My lựa chọn các khổ khuôn khác nhau. Gạch My làm ra khác biệt với các loại gạch trên thị trường, bởi góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa, có thể làm nguồn nguyên vật liệu trong sản xuất mới.

Diễm My cho biết lợi thế của sản phẩm này là nguồn nguyên liệu có sẵn, chi phí thấp. Rác thải nhựa sẽ được thu gom tại các hộ gia đình hoặc các khu chứa rác thải nhựa. Vôi sống được mua dễ dàng với giá chỉ 500 - 1.000 đồng/kg. Sản phẩm làm ra có thể dùng để lát đường, sân chơi... giúp chống trơn trượt, tăng tính thẩm mỹ và có giá bán rất rẻ.

Niềm tự hào của gia đình, nhà trường

Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Lan (51 tuổi, bà ngoại của My) mấy ngày nay đông người hơn hẳn. Bà con láng giềng đến chúc mừng gia đình khi My vừa đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ X.

Bà Lan cho biết, từ nhỏ My phải sống trong cảnh thiếu vắng tình thương của ba mẹ, khi cả hai phải đi làm ở nước ngoài. Dù chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng tuổi nhưng My luôn biết cách để vượt qua.

“Ngày nhận tin cháu đoạt giải nhất, cả gia đình ai cũng bất ngờ. Hy vọng giải thưởng này là bước đệm để cháu có thể cố gắng hơn nữa, sớm thực hiện được ước mơ của mình”, bà Lan nói.

Cô Nguyễn Thị Hải Vân (giáo viên môn Hóa học, trường TH&THCS Lê Thế Hiếu, xã Cam Chính) cho biết, dù không có ba mẹ ở bên cạnh nhưng My rất ngoan, chịu khó và học rất giỏi. Chín năm học em đều là học sinh giỏi, đoạt giải nhất học sinh giỏi Hóa cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh, giải Ba học sinh giỏi Văn cấp huyện.

Nói về dự định của mình, Diễm My cho biết bàn thân còn đi học nên không thể tiếp tục thực hiện sản xuất, chế biến gạch lát sân, đường từ rác. Thay vào đó, em sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để phát minh nhiều ý tưởng hơn, cố gắng học tập để thực hiện ước mơ đậu vào ngành Hóa học, trường Đại học Bách khoa TP HCM.

“Em hy vọng ý tưởng chế tạo gạch lát sân, đường từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống sẽ được nhiều người áp dụng sản xuất. Sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhằm thực hiện mong muốn hạn chế gây ô nhiêm môi trường từ rác thải nhựa”, My tâm sự.

Tiệm ”tạp hóa xanh” giảm rác thải nhựa của cô gái 9x ở TPHCM

Từ bỏ công việc với thu nhập ổn định, Phạm Thị Kim Hằng (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) quyết định khởi nghiệp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tài Võ ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN