Cô giáo khuyết tật và hành trình "truyền cảm hứng"

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Do di chứng của chất độc da cam nên từ khi sinh ra cơ thể chị Lê Thị Lan Anh, SN 1976 đã không bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhiều người đã nghĩ "con bé này chắc chả sống được bao lâu". Thế nhưng, đứa trẻ năm nào đã chiến thắng số phận và không ngừng vươn lên để trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.

Cô giáo Lan Anh luôn ân cần chăm chút cho học trò.

Cô giáo Lan Anh luôn ân cần chăm chút cho học trò.

"Con bé này chắc không sống được lâu đâu"

20 năm qua, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Lan Anh luôn là địa chỉ tin cậy để nhiều phụ huynh gửi gắm con đến học tiếng Anh. Tới đây, học sinh không chỉ được học kiến thức mà còn được cô giáo truyền cảm hứng và nghị lực sống.

45 năm trước, cô bé Lê Thị Lan Anh cất tiếng khóc chào đời. Lần đầu tiên nhìn thấy hình hài của con, ông Toàn đã bật khóc. Ông nhớ lại: "Lúc sinh ra con bé nặng chưa đầy 2kg, thân hình con gập về phía trước, chân tay nhỏ như cái que. 10 ngón tay không sao duỗi ra được. Nhìn con tôi cảm thấy mình có lỗi lắm, bởi di chứng này là từ tôi mà ra. Bởi tôi vốn là thương binh hạng ¾, từng chiến đấu ở chiến trường Nam Lào - Quảng Trị - Thừa Thiên".

Với thể trạng yếu và thân hình bất thường ấy nhiều người đã nghĩ rằng "con bé này chắc chả sống được mấy ngày". Mẹ chị cũng đã phải nghỉ làm để ở nhà trông con. Sức khoẻ yếu nên tháng nào bố mẹ chị Lan Anh cũng phải đưa con tới viện. Khi được 2 tuổi, cô bé Lan Anh bắt đầu lần giường tập đi, sang tuổi thứ 3 các ngón tay bắt đầu dần co duỗi. Lên 6 tuổi, Lan Anh bắt đầu đi học. Cô bé đặc biệt hứng thú với chuyện học hành.

Chính vì vậy mà kết quả học tập của Lan Anh luôn đứng thứ hạng cao trong lớp. Năm lớp 4, Lan Anh được cô giáo chọn đi thi viết chữ đẹp và đến năm lớp 6 thì được đi thi học sinh giỏi môn Văn. Người đồng hành cùng Lan Anh trong những năm tháng đi học ấy chính là bà nội.

"Bà chính là đôi chân của mình. Ngày nắng thì bà dìu mình đi, ngày mưa bà lại cõng mình trên lưng. Có những lần đường trơn trượt hai bà cháu ngã sõng soài nhưng bà vẫn không bỏ cuộc. Quần áo bẩn thì có thể về thay chứ nhất định không được nghỉ học" - chị Lan Anh nhớ lại.

Suốt những năm học tiểu học, Lan Anh luôn bị bạn bè trêu chọc, gán biệt danh "người ngoài hành tinh", "người lai khỉ". Chị bảo: "Hồi đó mình tủi thân lắm nhiều lúc cũng nghĩ đến chuyện bỏ học để không phải nghe những lời miệt thị của bạn bè. Nhưng hình như niềm đam mê học hành trong mình nó quá lớn thì phải, thành ra mình vẫn cố".

Cô giáo Lan Anh và một người bạn quê Quảng Trị.

Cô giáo Lan Anh và một người bạn quê Quảng Trị.

Nhưng chuyện học hành của chị chỉ suôn sẻ đến hết năm lớp 8. Đầu năm lớp 9, sức khoẻ của chị bỗng suy giảm hẳn. Lan Anh không thể tiếp tục đến trường mà thay vào đó là chuỗi ngày ra vào bệnh viện liên miên. Sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, sức khoẻ của Lan Anh bắt đầu hồi phục dần. Biết mình không thể theo học phổ thông như các bạn nữa nên Lan Anh xin bố mẹ cho đi học tiếng Anh.

Thấy con quyết tâm cao nên bố mẹ chị cũng không nỡ lòng nào từ chối. Bố mẹ gửi chị ra Hà Nội ở nhờ nhà một người bác và mời gia sư đến dạy cho con. Được học gia sư tại nhà Lan Anh vui lắm, học ngày học đêm với niềm say mê khiến nhiều người phải kinh ngạc. Nhưng việc học lần này cũng chỉ kéo dài được một năm, bởi sức khoẻ của chị lại một lần nữa "dở chứng". Chị trở về nhà nhưng vẫn mua sách tự học rồi sau đó đăng ký thi và được cấp chứng chỉ C tiếng Anh.

Vinh dự nhận giải thưởng "Sống đẹp"

Khi được hỏi cơ duyên nào dẫn chị đến với nghề dạy học, Lan Anh cười kể rằng: "Hồi đó mình hay ngồi trông quán nước giúp bố mẹ, trên tay lúc nào cũng cầm quyển sách tiếng Anh. Một hôm chị hàng xóm vào quán và nói rằng chị ấy muốn gửi con nhờ mình kèm thèm tiếng Anh. Thực sự lúc đó mình vui lắm. Cái cảm giác sẽ được chuyển tải những kiến thức mà mình có cho người khác khiến mình rất hồi hộp. Con gái của chị hàng xóm chính là học trò đầu tiên trong cuộc đời 20 năm dạy học của mình".

Thế rồi "tiếng lành đồn xa", cô gái khuyết tật Lê Thị Lan Anh dù chưa có bằng sư phạm, chưa một lần đứng trên bục giảng nhưng lại được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em. Và chị trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho nhiều học sinh của thị trấn Xuân Mai khi đó.

"Thời gian đầu mình nhận dạy miễn phí thôi, bởi mong muốn lớn nhất của mình lúc ấy chỉ đơn thuần là trở thành một người có ích. Nhưng dạy được gần một năm, số lượng học sinh theo học tăng lên rất nhiều nên các bậc phụ huynh muốn mình thu phí để việc học được lâu dài. Một người tưởng chừng như "vứt đi" giờ lại kiếm được tiền tự nuôi bản thân quả thực là hạnh phúc vô tận" - chị Lan Anh nhớ lại.

Trong lớp của cô giáo Lan Anh khi ấy không chỉ có những học sinh bình thường mà còn có cả những học sinh khuyết tật. Với những học sinh này, cô giáo Lan Anh không thu học phí. Không những vậy mà chị còn dành nhiều thời gian để trò chuyện, động viên các em vươn lên trong cuộc sống. Nhiều bạn trước đó luôn tự ti với những khiếm khuyết trên cơ thể mình nhưng khi được cô Lan Anh truyền lửa đã cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều.

Chị Nguyễn Thuý Hằng, 32 tuổi (thị trấn Xuân Mai) cho biết: "Con gái tôi cũng là người khuyết tật, trước đó cháu lúc nào cũng mặc cảm về hình hài không bình thường của mình. Cháu luôn mất tự tin khi gặp người lạ, đó là điều khiến bậc làm cha mẹ như tôi cảm thấy rất buồn. Vậy mà từ khi tôi cho con đến học cô Lan Anh thì cháu hoạt bát và tự tin hơn hẳn. Tôi chưa cần quan tâm đến việc con mình thu nạp được bao nhiêu kiến thức mà chỉ cần thấy con thay đổi hẳn thái độ sống đã khiến tôi mừng lắm rồi".

Vinh dự nhận giải thưởng KOVA, hạng mục Sống đẹp.

Vinh dự nhận giải thưởng KOVA, hạng mục Sống đẹp.

Dù chưa từng có chứng chỉ sư phạm nhưng số lượng học sinh theo học cô Lan Anh mỗi ngày một nhiều hơn. Đó chính là phần thưởng xứng đáng cho nghị lực vươn lên không mệt mỏi của người phụ nữ khuyết tật này. Mỗi năm vào dịp 20-11, trên trang facebook cá nhân, cô giáo Lan Anh lại có dịp khoe những bó hoa tươi thắm của học sinh và phụ huynh trao tặng. Để có được những giây phút hạnh phúc ấy chị đã phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi và nước mắt.

Chị chia sẻ: "Nhiều khi sau 1 giờ đứng lớp đôi chân mình như muốn khuỵu xuống vì quá sức nhưng cứ nghĩ đến những học trò thân thương mình lại cố. Bởi với mình, hạnh phúc chính là nhìn thấy sự tiến bộ của các em. Động lực khiến mình vực dậy cũng chính là tình cảm của các học trò. Nếu bây giờ mình dừng lại thì đó là sự mất mát quá lớn".

Hơn 20 năm qua, chị Lê Thị Lan Anh đã dạy rất nhiều học sinh, cả cấp I và cấp II. Nhiều người trong số đó đã thành đạt, trở thành phiên dịch, thầy, cô giáo dạy tiếng Anh. Có lẽ, đấy là niềm vui vô giá. Niềm vui được bắt nguồn từ sự thiệt thòi, khó khăn và cả những tháng ngày vượt khó nên càng trở nên ý nghĩa, thiêng liêng hơn với chị.

Bà Bùi Thị Minh Đức,  Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chương Mỹ, cho biết: "Nhìn vào nghị lực và tinh thần vượt lên số phận để sống và làm việc của hội viên Lê Thị Lan Anh, nhiều chị em chúng tôi không cho phép mình nản chí mỗi khi cuộc sống không được suôn sẻ. Chị Lan Anh xứng đáng là tấm gương sáng, truyền cảm hứng tới nhiều người khuyết tật, giúp họ có thêm động lực, sự tự tin để vươn lên trong cuộc sống".

Với nghị lực không ngừng vươn lên của bản thân và những đóng góp cho cộng đồng, cô giáo Lan Anh đã được vinh dự trao Giải KOVA lần thứ 17 năm 2019 ở hạng mục "Sống đẹp". Trong thời khắc hạnh phúc và tự hào ấy chị đã "bật" ra những câu thơ về cha: Con bước lên khán đài vinh danh "Sống đẹp"/ Cha.../ Hai hàng lệ rơi/ Con tôi.../ Đứa trẻ sinh ra không được bằng người/ Bởi chất độc da cam nhiễm vào tôi những tháng năm kháng chiến/ Vượt nỗi đau tật nguyền/ Tự học/ Vươn lên…

Cũng trong năm 2019, chị được Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội biểu dương, nhận Bằng khen về gương "Người tốt, việc tốt".

Câu hỏi nhói lòng của cô giáo xinh đẹp Phú Thọ bị bỏng cồn khiến gương mặt biến dạng

Sau khi ly hôn, trở thành mẹ đơn thân của hai đứa trẻ, Hoa mơ ước đến một tương lai với chân trời mới. Thế nhưng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN