Cô gái Việt đầu tiên theo đuổi nghệ thuật gấp giấy Kami chuyên nghiệp
Sau thời gian làm việc ở văn phòng, Trần Thị Thanh Thương (sống tại TP. HCM) đã quyết định từ bỏ công việc này để theo đuổi niềm đam mê với nghệ thuật gấp giấy Kami. Thanh Thương mong muốn tìm kiếm sự đột phá và khám phá bản thân mình nhiều hơn qua loại hình nghệ thuật này.
Những tác phẩm do Thanh Phương tạo tác.
Trần Thị Thanh Thương bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và theo đuổi nghệ thuật gấp giấy Kami từ năm 2017. Chia sẻ về cơ duyên này, Thanh Thương tâm sự: “Mình được bạn tặng một con búp bê gấp bằng loại giấy gợn sóng rất dễ thương. Sau đó, mình tìm cách làm theo và mong muốn là người tiên phong phát triển Kami”. Ở Việt Nam, Thương là người duy nhất theo đuổi chuyên nghiệp loại hình gấp giấy này.
Đối với Thương, mỗi sản phẩm được làm ra là thành quả của sự tìm tòi, sáng tạo và niềm đam mê phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Thanh Thương chia sẻ: “Việc khiến những cuộn giấy vô hồn trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo là một điều không hề đơn giản. Sự tinh xảo, khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết là đòi hỏi tất yếu của một người nghệ nhân”.
Một mô hình đơn giản Thương mất khoảng 2 - 3 tiếng để hoàn thành, còn đối với những mô hình phức tạp hơn phải dành 3 - 4 ngày làm việc. Mô hình công phu nhất Thương từng làm là chiếc xe vespa màu trắng được làm trong khoảng 3 ngày và được cô bạn cất giữ làm kỷ niệm.
Mô hình phòng, chống dịch COVID-19 được Thương làm vào năm 2020.
Quá trình tạo nên một mô hình bằng giấy phải trải qua những công đoạn như: Chọn hình mẫu và nghiên cứu chi tiết vật mẫu để hình dung cách làm; tiếp theo là chọn giấy và chọn màu; cuối cùng là cuốn, xếp, đẩy giấy và dán giấy, sau đó trang trí cho mô hình. Các công đoạn như cuộn giấy, đẩy giấy, tạo khung cho mô hình đều đòi hỏi sự tính toán đến từng milimet.
Ngoài ra, Thanh Thương còn mở cửa hàng “Đồ chơi giấy Kami” từ năm 2018 để trưng bày và bán các sản phẩm nghệ thuật của mình. Hiện nay, cửa hàng có khoảng 300 mô hình đa dạng từ kiểu dáng đến màu sắc. Đặc biệt nhất vẫn là các mô hình chân dung con người cụ thể bởi nó mang đậm dấu ấn cá nhân và mức độ độc đáo, được nhiều khách hàng đặt làm để tặng cho gia đình, bạn bè.
Chia sẻ về điều khó khăn nhất khi theo đuổi bộ môn này, Thương cho biết: “Giấy để làm nên các mô hình giấy Kami rất đặc biệt và hiện tại ở Việt Nam không có, nên mình phải nhập hoàn toàn từ Đài Loan và Nhật Bản”.
Mô hình công phu nhất Thương từng làm là chiếc xe Vespa màu trắng.
Với tài năng “thổi hồn” vào giấy, Thanh Thương đã trở thành gương mặt truyền cảm hứng, được mời tham dự nhiều chương trình truyền hình và talkshow. Thương cho rằng nghệ thuật gấp giấy Kami đã tạo cho cô bạn nhiều cơ hội được gặp gỡ và làm việc với nhiều người nổi tiếng.
Đặc biệt, vào tháng 12/2018 khi đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đấu với đội tuyển Malaysia tại “AFF Cup 2018”, một hãng hàng không đã đặt hàng Thương làm trọn bộ mô hình 24 búp bê cầu thủ. Thanh Thương xúc động kể: “Mình phải làm bộ mô hình này trong vòng 24 tiếng để kịp mang đến Malaysia đón đội tuyển về nước. Mình cùng chồng đã thức trắng đêm để hoàn thiện bộ mô hình này và đó cũng là kỷ niệm quý giá nhất trong suốt quãng thời gian theo đuổi nghệ thuật Kami của mình”.
Mô hình đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong giải AFF Cup 2018.
Ngoài niềm đam mê với nghệ thuật Kami, Thanh Thương còn đặc biệt dành tình yêu cho đờn ca tài tử và cải lương. Thương đã đi biểu diễn tự do ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ.
Bên cạnh đó, Thương đã mở được 8 lớp học để hướng dẫn mọi người gấp giấy và phổ biến rộng rãi loại hình này. Thương hy vọng nghệ thuật Kami sẽ được nhiều người biết đến và tạo ra được nhiều sản phẩm độc đáo hơn để lan tỏa thông điệp nghệ thuật đến bạn bè quốc tế. Trong tương lai, Thương dự định sẽ tổ chức thêm nhiều buổi workshop để quảng bá hình ảnh của nghệ thuật này.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên có 2 tuần vật vã chống chọi với COVID-19, không bệnh viện, không bác sĩ và chỉ có một mình.