Cô gái về quê khởi nghiệp nuôi ong, mang lại thu nhập cao
Sau nhiều năm ấp ủ, cô gái 9X, dân tộc Tày, Ma Thị Kim Oanh (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) quyết nghỉ việc ở TP. Cao Bằng về quê khởi nghiệp với dự án nuôi ong tự nhiên, mang lại thu nhập cao cho gia đình .
Ma Thị Kim Oanh bên các tổ ong
Khởi nghiệp từ ký ức tuổi thơ
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề nuôi ong, Ma Thị Kim Oanh nói: “Lúc tôi còn nhỏ, cuộc sống gia đình nghèo khó, bố tôi phải chắt chiu mãi mới mua được một chai mật ong làm thuốc ho cất giữ trong nhà. Vậy nên, với tôi, đến với nghề nuôi ong là hành trình về với ký ức tuổi thơ".
Oanh tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên ngành kinh tế, rồi xin vào làm việc tại một số doanh nghiệp ở TP. Cao Bằng. Nhưng với tình yêu nông nghiệp, Oanh quyết định về quê lập nghiệp.
Để thực hiện hoài bão trở thành nhà nuôi ong chuyên nghiệp, đưa đến vị ngọt cho đời và tạo ra công việc mang lại thu nhập cho gia đình, cô gái 9x người Tày học tập các mô hình nuôi ong thành công trong tỉnh và trở về quê bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong.
“Trên thị trường mật ong rất đa dạng, nhưng để tìm nguồn mật ong bảo đảm về chất lượng không đơn giản. Cao Bằng có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp để nuôi ong, diện tích rừng, vườn cây ăn quả lớn, nguồn hoa dồi dào… cho ra thị trường loại mật ong chất lượng cao”, Kim Oanh chia sẻ.
Vượt khó để thành công
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên việc gây dựng đàn ong gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, Oanh tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm hiểu thông tin, kiến thức trên Internet; tiếp tục đầu tư lứa mới, cải tiến cách nuôi và tự nhân giống, tách đàn.
Theo Oanh, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi. Trong đó, phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong khô ráo, sạch sẽ; có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong, tránh các tác động khiến đàn ong bị xáo trộn.
Từ sự kiên trì, cách làm sáng tạo, từ vài đàn ong ban đầu, nay Kim Oanh đang duy trì khoảng 120 đàn ong, mỗi năm thu khoảng 1.000 lít mật, giá bán 250 nghìn đồng/lít. Ngoài ra, mô hình nuôi ong tạo việc làm cho 4 lao động địa phương.
“Mật ong Đoàn Linh là sự kết tinh từ những giới mật hoa ngọt ngào của núi rừng vùng Đông Bắc, cùng với sự "lao động" miệt mài của loài ong để mang đến món quà thiên nhiên quý giá, tốt cho sức khỏe. Người nuôi ong cần am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến nơi có nguồn mật hoa dồi dào, đảm bảo mật hoàn toàn thiên nhiên, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản", Kim Oanh cho biết.
Tuy đang trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu nhưng mật ong của Oanh dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước. Từ những thành công bước đầu, Oanh ngày càng đẩy mạnh hơn nữa số lượng đàn ong và quản lý nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm mật ong của cô đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
Sản phẩm mật ong Đoàn Linh được giới thiệu tại các hội chợ nông sản.
“Tôi đang lên kế hoạch xin giấy phép thành lập hợp tác xã, liên kết với các hộ dân nuôi ong, phát triển sản lượng, đa dạng các loại sản phẩm như: Mật ong đẳng, mật ong xuyến chỉ và nhiều các sản phẩm khác để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng”, Oanh cho biết.
Dự án “Nuôi ong mật tự nhiên” của Ma Thị Kim Oanh đã đoạt giải nhì Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” tỉnh Cao Bằng năm 2021; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo" năm 2023; Tỉnh Đoàn Cao Bằng tặng danh hiệu "Thanh niên làm kinh tế giỏi giai đoạn 2020-2022". |
Từ công thức làm thịt chua truyền thống được mẹ truyền lại, cô gái Phú Thọ đã đưa món ăn của miền đất Tổ đến với người tiêu dùng cả nước. Theo đó, dự án khởi...
Nguồn: [Link nguồn]