Cô gái từ ca sĩ thành kỹ sư phần mềm vì đại dịch COVID-19
Deborah Jean Lee buộc phải từ bỏ sự nghiệp mà cô đã mất 5 năm gây dựng, do dịch bệnh COVID-19.
Deborah Jean Lee
Vì dịch bệnh, cuộc sống nghệ sĩ của Deborah đột nhiên bị gián đoạn, nhiều buổi biểu diễn bất ngờ bị cắt giảm, còn các địa điểm giải trí trực tiếp buộc phải đóng cửa.
Deborah Jean Lee là ca sĩ trẻ tài năng, có nhiều người hâm mộ ở Singapore. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, cô cũng loay hoay khi COVID-19 xảy đến và đột nhiên rẽ hướng trong công việc, nhưng vẫn luôn giữ niềm tin và lối sống tích cực trong mùa dịch.
Ước mơ cả đời của cô gái 28 tuổi này là được tham gia vào ngành công nghiệp âm nhạc."Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cả cha mẹ và tôi đều hát và biểu diễn trong dàn hợp xướng của nhà thờ."
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Singapore với bằng tốt nghiệp về âm nhạc và công nghệ âm thanh, Deborah từng làm những công việc vặt như vẽ tranh và nấu ăn trong khi nuôi mộng khởi nghiệp là một ca sĩ. "Tôi đã làm những công việc bán thời gian này trong khi tìm kiếm những cơ hội phù hợp để ca hát và biểu diễn."
Từ việc hát trong đám cưới và các sự kiện, sau đó cô có dịp diễn tại một số quán bar và địa điểm giải trí nổi tiếng ở Singapore.
Thế rồi đại dịch COVID-19 xảy đến. Đột nhiên, nguồn thu nhập chính của cô gái trẻ cạn kiệt.
Dù có lúc buồn bã, nhưng nhìn vào khía cạnh tươi sáng, Deborah coi đó như một dấu hiệu để nghỉ ngơi.
Vào thời điểm đó, Deborah đã biểu diễn liên tục tại các quán và các sự kiện trong 5 năm, thường ít nhất 3 giờ mỗi tối. Deborah nói: “Mặc dù rất vui nhưng tôi rất mệt.
"Bản thân tôi đã làm việc quá sức, tham gia hợp đồng biểu diễn 7 ngày một tuần không nghỉ suốt 5 năm qua và đã có một khoản tiền tiết kiệm đáng kể trong ngân hàng đủ để trang trải trong 1 năm", cô nói thêm.
Deborah dành cho mình 6 tháng để "chill" thực sự. Đồng thời, đại dịch cũng khiến cô phải suy nghĩ lại về những lựa chọn công việc của mình. Đặc biệt, cô nhớ lại mối quan tâm khác đã bị lãng quên từ lâu đối với một lĩnh vực không ngờ tới - mã hóa (coding).
Vài tháng sau khi nghỉ ca hát, Deborah đăng ký một khóa học kỹ sư phần mềm.
Cô còn tiết lộ rằng bản thân đã giảm cân sau khi chuyển sang tập trung làm sinh viên.
Deborah chia sẻ thật khó khăn khi đọc sách trở lại sau 7 năm gián đoạn và "không sử dụng não trái" quá lâu. “Ban đầu, tôi đã phải vật lộn và mất thời gian để làm quen với việc học." Sau khi tốt nghiệp vào tháng 12 vừa qua, Deborah nhận được chứng chỉ hoàn thành khóa học.
Trong vòng 3 tháng rưỡi, cô nhận được lời mời làm việc từ một công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe, làm về giao diện và sửa các lỗi trong ứng dụng.
Deborah nói rằng đó là một sự thay đổi gần như 180 độ so với con đường sáng tạo, tự do hơn mà cô đã từng làm. Một trong những điều chỉnh khó khăn nhất mà một “cú đêm” như cô tự nhận mình phải thực hiện có lẽ là thay đổi giờ làm việc.
Nhưng ngoài những điều chỉnh nhỏ về lối sống, Deborah có sự ổn định hơn về tài chính.
"Cuối cùng thì lần đầu tiên tôi cũng được nghỉ phép mà vẫn có lương và mẹ tôi rất vui vì tôi đã có một công việc ổn định", Deborah chia sẻ và nói thêm rằng bạn trai – hiện là một nghệ sĩ xăm, cũng rất ủng hộ cô.
Deborah vẫn thỉnh thoảng tham gia các hợp đồng biểu diễn khi lịch trình của cô cho phép. Cô cũng thường xuyên chia sẻ âm nhạc trực tuyến thông qua các livestream và video trên trang cá nhân.
Khi được hỏi liệu trở thành một nhà phát triển phần mềm có bị "nhàm chán" so với cảm giác hồi hộp khi trở thành một nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp? Deborah trả lời: "Tôi nghĩ mọi người chỉ cảm thấy nhàm chán với những gì họ không hiểu hoặc không hứng thú. Đối với tôi, viết mã không hề nhàm chán, mà ngược lại còn rất thú vị và bổ ích.”
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà hàng không báo đóng cửa phòng chống dịch một cách gấp rút khiến chú rể và gia đình không kịp trở tay.