Cô gái thắp sáng ước mơ bằng ánh đèn dầu

Sự kiện: Giới trẻ 9X

12 năm học bài dưới ánh đèn dầu leo lét, giờ đây Hương đã trở thành sinh viên trường Y Hà Nội.

Mười hai năm học dưới ánh đèn dầu leo lét, có những lúc tưởng chừng như Hương phải bỏ dở ước mơ. Nhưng chính những khó khăn, thiếu thốn và tình yêu thương vô bờ của mẹ đã tiếp thêm ánh sáng cho em trong hành trình chinh phục từng con chữ.

Gặp em trong một buổi chiều lạnh, khi mái tóc vẫn còn vương những hạt nước mưa, Nguyễn Thị Hương (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), tân sinh viên khoa Đa khoa, Đại học Y Hà Nội đã cho tôi biết thế nào là sức mạnh của ý chí. Sinh ra không biết cha là ai, sống bên người mẹ tật nguyền trong căn nhà rách bươm, xập xệ, với nghị lực phi thường, Hương đã dệt lên thiên cổ tích: “thắp” sáng ước mơ bằng ánh đèn dầu.

Đã hơn một tháng kể từ ngày ra Hà Nội nhập học, cuộc sống và công việc học tập hiện tại của em như thế nào?

Ban đầu em cũng gặp rất nhiều khó khăn chị ạ, chuyện đường sá, chuyện nhà trọ, chuyện tiền nong… Một thân một mình, nhiều lúc em thấy tủi thân lắm. Nhưng rồi em cũng được nhà trường giúp đỡ nhiều. Em được tạo điều kiện ở trong kí túc xá, rẻ và ổn định lại thuận tiện cho việc đi học và dạy thêm.

Em đi học cả ngày từ 7 giờ sáng đến 4h30 chiều. Nhờ có người liên hệ, em cũng tìm được hai điểm dạy thêm môn toán và hóa, mỗi tuần bốn buổi. Thường thì đến 10h tối em mới kết thúc mọi công việc của một ngày để có thể ngồi vào bàn học. Đôi lúc cũng thấy mệt mỏi lắm nhưng nghĩ đến mẹ em lại có thêm động lực để cố gắng.

Em có thể chia sẻ về những sự giúp đỡ của mọi người dành cho em?

Gia đình em thì chắc chị cũng biết rồi đấy! Hai mẹ con em sống nương tựa vào nhau với hai sào ruộng và mấy thửa rau, mắm muối ăn qua ngày. Em còn một người bác và một người cậu nữa, nhưng gia đình cậu và bác còn khó khăn hơn mẹ con em nên cũng không giúp đỡ được nhiều.

Em có thể học đến bây giờ là nhờ nhà trường, thầy cô và bạn bè nhiều lắm. Suốt 12 năm học, em không phải đóng học phí hay bất cứ một khoản tiền nào. Các thầy còn cho em thêm tiền để mua sách vở và những thứ đồ dùng cá nhân. Có những lúc nhìn mẹ lầm lũi, cặm cụi làm việc nắng mưa ngoài đồng, em nản lòng, muốn nghỉ học ngay để giúp đỡ mẹ. Nhưng thầy cô và bạn bè không ngừng động viên, có khi thúc ép khiến em có thêm niềm tin để đến trường.

Ngày em đi thi, hai mẹ con không có đồng nào trong tay, cũng không biết phải xoay sở thế nào. Bà con hàng xóm thấy thương, gom góp cho em được hơn một triệu. Một mình em với số tiền đó khăn gói lên đường thi đại học.

Còn từ khi ra Hà Nội học, em nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp, cá nhân sau khi họ đọc được một bài báo viết về hoàn cảnh, nghị lực của em. Còn có những người gọi điện cho em chỉ xin số tài khoản để gửi tiền chứ không nói rõ tên tuổi. Em cảm động lắm nhưng không biết làm sao để cảm ơn. Nhà trường cũng đang tạo điều kiện để miễn giảm học phí cho em nữa.

Ra Hà Nội học, điều em lo lắng nhất là gì?

Điều em lo lắng nhất là mẹ. Mẹ em năm nay đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu lại tật nguyền. Một mình mẹ phải vật lộn với ruộng đồng, khi trái gió trở trời lại không có người thân bên cạnh chăm sóc. Nhà em chưa có điều kiện kéo điện để sử dụng, sinh hoạt. Em thì phải học tới 6 năm nữa, em lo lắng không biết đến khi học xong mẹ có còn được như bây giờ không nữa?

Thời gian học của em còn rất dài, chương trình học thì càng ngày càng nặng, em chưa biết phải sắp xếp, cân đối thời gian học và làm thêm như thế nào. Mà nếu không đi làm thêm thì em không thể có tiền trang trải cho việc ăn học.

Cô gái thắp sáng ước mơ bằng ánh đèn dầu - 1

Từ ngày đi học, Hương đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của gia đình (Ảnh minh họa)

12 năm học dưới ánh đèn dầu leo lắt, động lực nào giúp em có thể vượt qua khó khăn để có được thành công như hôm nay?

Động lực lớn nhất của em chính là mẹ! Nhìn mẹ cả đời sống chung với bệnh tật, em mới nuôi dưỡng ước mơ, quyết tâm trở thành bác sỹ. Rồi cả căn nhà xập xệ, rách bươm, cả ánh đèn dầu leo lắt theo em mỗi tối học bài cũng là động lực thôi thúc em phải phấn đấu vươn lên dù bằng bất cứ giá nào. Em từng đọc được một cuốn sách trong đó có viết “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Em biết được rằng có rất nhiều hoàn cảnh còn bất hạnh, éo le hơn mình, vậy mà họ vẫn vươn lên chiến thắng số phận. Em nghĩ nếu mình được sinh ra trong một gia đình giàu có chưa chắc em đã làm được như vậy.

Sinh ra không biết bố mình là ai. Đã bao giờ em nghĩ đến việc đi tìm bố chưa?

18 năm sống trong tình thương của mẹ, tuy khó khăn nhưng em vẫn lớn và trưởng thành. Với em như vậy là đủ.

Sau này, khi có điều kiện, em sẽ tìm lại bố mình. Vì ai chẳng mong được một lần gọi bố, đúng không chị? 

Với những nỗ lực của mình trong suốt 12 năm qua, em có muốn nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ có cùng hoàn cảnh như mình?

“Nghịch cảnh không phải là tảng đá cản lối bước chân bạn, hãy xem nó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn”. Trước giờ em vẫn sống theo phương châm ấy và đó cũng là điều em muốn nói với các bạn có cùng hoàn cảnh như em.

Mong rằng, các bạn đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh của mình mà bi quan với cuộc sống, với những ước mơ, hoài bão của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của em. Chúc em học tập tốt và luôn vững tin trên con đường đã chọn!

Thủ khoa điển trai viết sách gỡ rối tình yêu

Nữ thủ khoa khiếm thị và những nốt nhạc buồn

157 thủ khoa Hà Nội được vinh danh

Thủ khoa ĐH Ngoại thương xuất thần từ nhỏ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lịch- Hồng Nhung ([Tên nguồn])
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN