ành cả tuổi thanh xuân để sống cho mình, người ta còn tiếc sao tuổi trẻ quá ngắn ngủi. Vậy mà Y Byen - cô gái Tây Nguyên chưa chồng lại dành những năm tháng đẹp nhất cuộc đời cho hai đứa trẻ không cùng máu mủ.
Cô cướp chúng từ tay thần chết - một đứa suýt bị chôn sống vì hủ tục lạc hậu, một đứa bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa, mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng tang… Hai đứa trẻ đến bên đời, không có hành trình nào là không đặc biệt. Chúng trao cho cô một tiếng “mẹ”, cô trao chúng cả cuộc đời.
Y Byen cứu đứa trẻ đầu tiên vào năm 16 tuổi, khi còn là học sinh trung học, lẽo đẽo đeo gùi theo bố mẹ vào chợ cách nhà 100 cây số mua đồ. Chứng kiến cảnh người ta đào hố chuẩn bị chôn sống một đứa trẻ vừa sinh theo hủ tục, mẹ chết phải giết cả con…
Y Byen không nhịn được mà lao đến cướp lấy đứa bé, rồi cầu xin. Con người ta đẻ ra nhưng Y Byen khi ấy mới 16 tuổi, phải cầu xin để được nuôi nấng.
Y Byen cứu đứa trẻ thứ 2 vào năm 26 tuổi, khi đã ra dáng một người mẹ, có một công việc tử tế tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku. Nhưng cái cách cô cứu con vẫn chẳng khác gì 10 năm trước, nhanh nhảu, quyết đoán, không có một tia phân vân.
Ngày đó, Y Byen trở về trong một chuyến công tác, ngang qua nghĩa địa thấy đứa trẻ sơ sinh quấn độc chiến áo mỏng tang mà nằm trên đất lạnh. Cô thảng thốt: “Chết rồi con ơi… Mẹ đây rồi”.
Ngày đến chính quyền xin giấy nhận nuôi con, người ta yêu cầu Y Byen phải kê khai tài sản. "Mạnh mẽ là thế mà khi ấy cô phải rơi nước mắt kẻ cả: “Em chỉ có đôi bàn tay này, em sống là con cũng sống”".
Đến giờ đã là 14 năm Y Byen làm mẹ. Cậu con trai thứ nhất được đặt tên Y Song, mang ý nghĩa “chúa trời cho” - là món quà quý giá thượng đế ban tặng - đã được 14 tuổi. Cậu con trai thứ hai tên Y Sơn, cũng chuẩn bị lên 4.
Cả hai đứa con “vì biết phận mình” mà lớn nhanh như như lôi. Buôn làng đến thăm không nhịn được, khen nức nở: “Chu choa ơi, chúng nó là con trời sinh, trời dưỡng, múp míp thế kia trời”.
Nói là thế nhưng làm gì có chuyện “trời sinh, trời dưỡng”. Nếu không có Y Byen, bố mẹ Y Byen, anh trai Y Byen thì làm gì có Y Song, Y Sơn của bây giờ.
16 tuổi, chúng bạn mải mê, học hành, ca hát thì Y Byen phải cùng anh trai thay phiên nhau trông con, cắt cỏ, chăn bò, móc hủ cao su thuê kiếm tiền mua sữa. Tiền công 10.000 đồng/ ngày được chia rõ ràng: 6000 đồng mua sữa bò, 4000 đồng bỏ heo sau này lấy tiền cho con ăn học. Hôm nào không ai mướn, cô phải lấy nước cơm trắng đút con ăn.
Bạn bè chê cười: “Y Byen không thấy xấu hổ à mà cứ chăn bò, nuôi con mãi thế?”. "Con gái ai chẳng thích múa hát, Y Byen cũng vậy nhưng còn con cái, cô làm sao đi được. Đến học còn phải bỏ nữa là…"
Nuôi nấng Y Sơn đơn giản hơn, bởi khi ấy Y Byen đã làm mẹ được 10 năm, lại có việc làm, có tiền lương hàng tháng. Khó khăn nếu có, chỉ là khi bố mẹ già và con thơ ốm cùng lúc, cô không có cách nào xoay sở. Nhưng điều thiện lại đến với những người làm việc thiện, mỗi lúc bế tắc, Y Byen đều gặp được quý nhân.
Y Byen luôn miệng nói, cô chỉ cầu một cuộc sống bình thường, cha mẹ, con cái khỏe mạnh. 14 năm nuôi con, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện, có một ngày người ta biết đến mình.
“Hôm đi làm giấy khai sinh cho Y Sơn, có một chị nhìn em chằm chằm rồi rơi nước mắt. Chị bảo: “Con chị tự đẻ ra, vợ chồng chị đủ đầy mà còn thấy nuôi con quá khó. Một thân một mình em xoay thế nào với hai đứa nhỏ?”. Em xúc động bao nhiêu thì ái ngại bấy nhiêu?”, Y Byen kể.
Cô ái ngại là bởi sợ người ta khen mình. Cô sợ người ta khen mình là vì lo mình không tốt được như thế. Cô muốn con khỏe mạnh hơn, đầy đủ hơn và mong muốn đó xuất phát từ cái tâm của người làm mẹ, như bao người mẹ mang nặng đẻ đau khác, chứ không làm để người ta nhìn vào, để nghe những lời khen ngợi… Nên càng được khen, Y Byen càng áp lực.
Hai đứa con là món quà trời ban cho Y Byen và cô nói không biết bao nhiêu lời cảm ơn. “Chúng là động lực sống của em. Là cái máy lạnh làm tan mọi nóng nảy, bực dọc. Thằng lớn thì hiểu chuyện, thằng bé thì cả ngày bi bô nói yêu mẹ. Em hạnh phúc lắm”, Y Byen xúc động.
Cậu con cả 14 tuổi của Y Byen cũng có lúc nhạy cảm với quá khứ của mình. Y Song nhiều lần thắc mắc: “Nhà mình ai cũng đẹp mà sao con xấu thế?”. Có lần bị bạn bè trêu, thằng bé buồn bỏ dở tô cơm. Y Byen giận run: “Xưa nuôi con vất vả, có bữa mẹ chỉ có đúng 1 tô cơm lót dạ mà con quẫy đạp làm đổ mất. Mẹ phải bốc lên, đem rửa nước lã mà ăn lại. Giờ con phí phạm thế kia…”.
Cơn giận nguôi ngoai, Y Byen lại ra ngồi gần con thủ thỉ: “Ai kêu con xấu tức là chê mẹ mập xấu. Con thấy mẹ xấu không? Hay mẹ nuốt con lại vào trong bụng nhé”. Thằng bé vội vã choàng tay ôm mẹ chặt cứng: “Y Song muốn ở với mẹ và em”.
Còn cậu con thứ 2 thì dễ thương hết sức. Y Byen ngót nghét 30 tuổi nhưng thi thoảng vẫn bị bố mẹ mắng như trẻ con. Thằng bé mới 3 tuổi, biết chạy đến ôm chân ông bà: “Y Sơn xin! Ông bà la mẹ mập, mẹ khóc đó”. Một câu nói của con trẻ xua tan mọi căng thẳng trong gia đình.
Y Byen đã nghĩ đến một ngày kể cho ai con nghe toàn bộ quá khứ của mình nhưng lại sợ chúng một lúc đón nhận quá nhiều điều xót xa, sinh ra mặc cảm.
Cô chọn cách chia sẻ từ từ, qua những câu chuyện hằng ngày một cách tự nhiên nhất. Lớn lên, dẫu sao chúng cũng biết thì cô mong chúng biết từ chính lời mẹ mình kể chứ không phải từ lời bàn tán của người ngoài.
14 năm qua, nhiều lần Y Byen nghe người ta nói: “Nuôi chúng rồi chúng trả ơn”. Cô chỉ cười, bởi bản thân chưa từng nghĩ đến ngày đó. “Tương lai hai đứa còn quá dài, em chỉ mong được đồng hành đến lúc chúng trưởng thành. Còn ơn nghĩa ấy à, phù du hết”.
Mà bởi lẽ, công ơn Y Byen nhận từ bố mẹ quá nhiều, đến giờ chưa trả được một ngày… thì cớ gì được phép mong con cái trả mình. Với Y Byen, cuộc đời là một vòng tròn ân nghĩa, cha mẹ cho mình, mình cho con cái, con cái lại cho đời sau của chúng nó. Cho đi mà không bao giờ mong nhận lại.
Y Byen vẫn nhớ cái ngày 14 năm về trước, khi cô ôm đứa trẻ đỏ hỏn trong tay, bố mẹ cô không màng đồ đạc, cùng con gái lộn ngược 100 cây số về nhà. Cũng lại là ngày của 10 năm sau đó, hay tin con gái cứu một đứa trẻ khác, bố mẹ cô bỏ hết nương rẫy, ra tận đầu làng đón. Bố cô còn dặn dò, phải nuôi đứa trẻ cho bằng người, bán gà, bán heo đi mà nuôi.
14 năm qua, thấy cô lộn ngược lộn xuôi kiếm tiền nuôi con, bản thân cũng phải đỡ đần nhưng họ chưa một lời phàn nàn. Con của con gái thì là cháu mình, dù không phải máu mủ cũng là người thân một nhà.
“Hai đứa trẻ nhận ơn từ em, em lại nhận ơn từ cha mẹ. Nếu cứ phải tri ân thì bao giờ cho hết. Nên cứ vô tư sống như mình mong thôi chị ạ. Cuộc đời ai biết trước ngày mai”. Y Byen nói rồi lại nhìn ra ngoài trời mà sảng khoái: “Trời Tây Nguyên đêm nay mưa như trút nước, chắc là cảm động vì câu chuyện của chị em mình rồi”.