Cô gái Tây Nguyên chưa chồng, cứu đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa địa

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Thấy đứa trẻ sơ sinh mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng, Y Byen cuống cuồng ôm lấy.

Y Byen (28 tuổi, dân tộc Ba Na, hiện làm ca sĩ tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku) được biết đến từ chương trình "Hát mãi với ước mơ". Cô gái 28 tuổi khiến khán giả xúc động khi chia sẻ câu chuyện cưu mang hai đứa trẻ suýt chết cách đây hơn 10 năm trước. 

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Y Byen, nghe cô chia sẻ về những năm tháng ý nghĩa nhất cuộc đời khi làm mẹ nuôi của hai đứa trẻ từ năm 16 tuổi. 

Cô gái Tây Nguyên chưa chồng, cứu đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa địa - 1

Y Byen - cô gái mang vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên 

Dành cả thanh xuân để sống cho mình, đôi khi người ta còn cảm thấy nuối tiếc sao tuổi trẻ quá ngắn ngủi. Vậy mà Y Byen – cô gái Tây Nguyên lại dành những năm tháng đẹp nhất đời mình cho hai đứa trẻ không cùng máu mủ. Can đảm cứu chúng từ tay thần chết – một đứa trẻ suýt bị chôn sống vì hủ tục lạc hậu, một đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa, cô gái xinh đẹp của núi rừng đã dệt lên câu chuyện đầy nhân văn.

“Con ơi… mẹ đây rồi”

10 năm sau ngày cứu đứa trẻ sơ sinh suýt bị cha đẻ chôn sống, khi đã là một cô gái xinh đẹp, trưởng thành, Y Byen (28 tuổi, dân tộc Ba Na, hiện làm ca sĩ tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku) một lần nữa có duyên với đứa trẻ sắp chết.

Đó là khi cô trở về trong một chuyến công tác, ngang qua nghĩa địa thấy một em bé sơ sinh, mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng. Nhẹ nhàng ẵm đứa bế lên, cô thảng thốt: “Chết rồi con ơi… Mẹ đây rồi”.

Cô gái Tây Nguyên chưa chồng, cứu đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa địa - 2

Y Byen bên hai người con trai cứu được khi mới lọt lòng

“Cái tay nhỏ bé chút xíu mà nó cảm nhận được, nắm lấy tay tôi. Thú thật với chị là khi ấy có một tình cảm thiêng liêng của người mẹ bừng lên trong lòng. Tôi mới nói “con ơi, ráng về đến nhà rồi con khóc nhé”, cô gái Tây Nguyên kể lại.

Y Byen nói, cô cứu đứa trẻ ấy chẳng vì lý do gì, thậm chí, còn chẳng đủ thời gian mà nghĩ mình sẽ làm gì để nuôi nấng. Cơ thể tím tái vương máu của đứa trẻ khiến cô cuống cuồng, chỉ biết ôm vào lòng ủ ấm, vỗ về.

Hay tin con gái bế một đứa bé yếu ớt trở về, bố mẹ cô bỏ hết nương rẫy, ra tận đầu làng đón. Không ai phàn nàn một lời, riêng bố mẹ cô dặn dò phải nuôi đứa trẻ cho bằng người, bán gà, bán heo đi mà nuôi rồi tới đâu hay tới đó.

Ngày đến chính quyền xin giấy nhận nuôi con, họ yêu cầu Y Byen phải kê khai tài sản. Mạnh mẽ là thế mà khi ấy cô phải rớt nước mắt trần tình: “Em chỉ có đôi bàn tay này, em sống là con em cũng sống”, khiến mọi người ngỡ ngàng.

Làm mẹ từ năm 16 tuổi, Y Byen biết mình phải làm gì để chăm bẵm đứa trẻ yếu ớt đó. Cô đặt tên người con thứ hai là Y Sơn, theo gợi ý của cậu con cả Y Song.

Cô gái Tây Nguyên chưa chồng, cứu đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa địa - 3

Y Sơn - cậu bé Y Byen nhặt được nơi nghĩa địa 

Làm khó Y Byen nhất vẫn là chuyện tiền nong. Anh trai lấy vợ ra ở riêng, một mình cô phải lo cho bố mẹ già yếu và hai đứa con nhỏ. Đã có lúc cô một tay ôm con, một tay chăm mẹ mổ mắt trong viện, khó khăn chất cao như núi, tưởng như không vượt qua được.

Nhưng điều thiện lại đến với những người làm việc thiện. Mỗi khi bế tắc Y Byen đều gặp may, ví như lúc hết tiền mua sữa cho con thì bất chợt có người mời đi hát, lúc khốn đốn chạy vạy 10 triệu chữa mắt cho mẹ thì lại gặp chương trình mổ mắt từ thiện. Vậy là con vẫn lớn mà mắt mẹ già lại sáng, hạnh phúc mỉm cười với cô gái Tây Nguyên.

“Con đường tôi đi khó khăn lắm, 13 năm qua tôi không biết đã đi như thế nào để được như bây giờ. Nhưng đổi lại, cũng có quá nhiều may mắn và cái may lớn nhất là con cái ngoan ngoãn, bố mẹ thấu hiểu”, Y Byen chia sẻ.

“Mẹ Y Byen khi nào cũng đẹp”

Y Byen kể lại quãng đường khó khăn đã qua bằng sự lạc quan và niềm hạnh phúc hiển hiện trong từng câu nói. Hai cậu con trai, Y Song 14 tuổi, Y Sơn 11 tuổi càng lớn càng hiểu chuyện và biết thương mẹ nhiều hơn.

Cô gái Tây Nguyên chưa chồng, cứu đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa địa - 4

Nhìn các con khôn lớn mỗi ngày là niềm vui bất tận của Y Byen 

Mọi sự vất vả, mệt nhọc của Y Byen đều tan biến vì câu nói bập bõm “Con thương mẹ”, “Mẹ mập đẹp nhất” của cậu con út và sự tế nhị, khéo léo của cậu con cả. Cuộc sống của gia đình nhỏ bình dị mà khi nào cũng đầy ắp tiếng cười.

“Có lần Y Song dẫn bạn về chơi, đúng lúc tôi đang tắm cho heo. Tôi trách yêu con: “Sau này dẫn bạn về phải bảo mẹ trước nhé, để mẹ ăn mặc tử tế. Mẹ xấu thế này con không sợ bị các bạn cười à?”. Thằng bé ôm cổ tôi bảo: “Mẹ Y Byen là đẹp nhất”, rồi cả lũ bạn thằng bé cũng reo lên “Đúng, mẹ Y Byen khi nào cũng đẹp”, Y Byen nở nụ cười.

Hiện tại, công việc chính của Y Byen là đi hát đám cưới và làm thêm những việc lặt vặt ở ngoài. Công việc vất vả nhưng vì có hai con trai làm động lực nên cô chưa bao giờ nản lòng.

Cô gái Tây Nguyên chưa chồng, cứu đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa địa - 5

Y Byen nuôi sống cả gia đình bằng giọng hát của mình 

Thậm chí, Y Byen cũng chẳng nghĩ đến chuyện lấy chồng. Một phần vì quá bận rộn mưu sinh, phần khác sợ người đàn ông mình chọn không thể thương yêu Y Song và Y Sơn như con ruột.

Nhưng cũng như bao cô gái khác, Y Byen mong có một bến đỗ bình yên, một người cùng cô san sẻ gánh nặng và cả niềm vui sống. Có điều, cô chẳng vội vàng, “duyên đến khi nào thì nhận khi ấy”.

“Giờ tôi chẳng ước điều gì, chỉ mong có sức khỏe để nuôi hai đứa nhỏ. Tương lai hai đứa còn quá dài mà tôi thì chỉ mong được đồng hành đến khi chúng trưởng thành”, Y Byen nói.

(Hết)

Mê mẩn với bộ ảnh mẹ cho con bú của nhiếp ảnh gia Ấn Độ

Hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng, hạnh phúc của tình mẫu tử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN