Cô gái Phú Thọ khởi nghiệp thành công nhờ món đặc sản

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Từ công thức làm thịt chua truyền thống được mẹ truyền lại, cô gái Phú Thọ đã đưa món ăn của miền đất Tổ đến với người tiêu dùng cả nước. Theo đó, dự án khởi nghiệp với thịt chua của Hoa đã giành giải Nhất trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2022.

Nguyễn Thị Thu Hoa giành giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2022.

Nguyễn Thị Thu Hoa giành giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2022.

Với mong muốn giới thiệu thịt chua miền đất Tổ đến mọi miền Tổ quốc, cô gái người Mường Nguyễn Thị Thu Hoa đã mang trọn tâm huyết gửi gắm trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2022. Hoa cho biết, đây quả là một hành trình dài và gian nan với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Khởi nghiệp năm 18 tuổi

Bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, Hoa đã có khát vọng lập nghiệp từ chính món ăn đặc sản quê hương, đó là thịt chua. Hiểu được nguyện vọng của con gái, mẹ Hoa đã truyền lại công thức làm thịt chua nhưng chỉ áp dụng cho 1 nắm, 2 nắm... rất nhỏ lẻ.

Có vốn là kiến thức được truyền lại cộng với 4 triệu đồng vay từ mẹ, Hoa bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, dành 2 năm để nghiên cứu công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống, đồng thời nâng thời gian bảo quản lên 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh.

Để biến một món ăn đặc sản trở thành sản phẩm có thể bán đại trà, thời gian đầu, Hoa gặp vô vàn khó khăn. Bởi khi ấy, thịt chua chưa được phổ biến như hiện tại, chỉ có vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Mỗi ngày, cô chỉ sản xuất trung bình từ 50 - 60 hộp vì chỉ có người dân Thanh Sơn (Phú Thọ) và các huyện lân cận mới biết đến thịt chua.

Cô gái người Mường cho biết thêm, làm thịt chua không có công thức cụ thể, chỉ được áng bằng “1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc” nên chất lượng không được đồng đều lúc đậm, lúc nhạt. Vì thế, cô đã phải nhiều lần thử nghiệm sản phẩm, đổ đi không biết bao nhiêu thịt, thậm chí số thịt đổ đi bằng cả một năm lợi nhuận.

Cô gái dân tộc Mường với khát vọng quảng bá hình ảnh, món ăn đặc sản của quê hương.

Cô gái dân tộc Mường với khát vọng quảng bá hình ảnh, món ăn đặc sản của quê hương.

Mãi đến năm 2012, cô gái trẻ mới tìm ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà vẫn giữ đúng hương vị đặc trưng của sản phẩm. Sau khi cải tiến chất lượng sản phẩm, sản lượng sản xuất tăng lên gấp 3 - 4 lần, sản lượng trung bình 200 hộp/ngày.

Nhận thấy, thịt chua lúc sơ khai chỉ được dùng bằng tem in photo cuốn băng dính bên ngoài, sản phẩm chưa có tem nhãn, bao bì bắt mắt nên Hoa là người đầu tiên dùng tem in offset trên sản phẩm thịt chua, những chiếc tem đầu tiên tuy đơn giản nhưng đã phần nào giúp sản phẩm đẹp hơn.

Với những nỗ lực về cải tiến chất lượng và hình thức bên ngoài, sản lượng sản xuất thịt chua tăng, Hoa lại nhận ra vấn đề trong việc bảo quản sản phẩm, bởi đại lý, nhà phân phối nhập về khoảng 6 - 7 ngày đã bắt đầu mốc.

Bản thân cô đã dùng thử đến hơn 10 loại chất bảo quản, dành hàng tháng để đi siêu thị, mua đủ sản phẩm về tìm hiểu với câu hỏi đau đáu: “Tại sao họ có thể bảo quản sản phẩm lâu như vậy?”. May mắn sau cùng đã mỉm cười khi cô ứng dụng màng seal, giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng. Sau thời điểm đó, sản lượng tăng lên gấp 3 - 5 lần, Hoa đã có những nhà phân phối đầu tiên để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Khi sản lượng ngày càng nhiều, việc quản lý con người ngày càng khó, Hoa buộc phải đưa máy móc, quy trình vào sản xuất. "Tôi đã phải thức trắng đêm để lên bản vẽ, gửi bên đơn vị gia công. Nhưng do chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm nên tôi mua phải loại máy không phù hợp, mất mấy chục triệu đồng", cô gái trẻ nhớ lại.

Thành quả sau 13 năm dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi

Sau 13 năm kể từ ngày quyết định khởi nghiệp, Hoa nhớ nhất những ngày liên tục chỉ ngủ từ 2 - 3 tiếng, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Nhiều lúc cô tủi thân, nghĩ mình cũng là phụ nữ, hay là như người ta, buông bỏ hết để về chăm lo cho gia đình.

"Nhưng ý nghĩ ấy chỉ hiện lên một giây thoáng qua, xong là tôi quyết định dập tắt ngay. Vì trên đôi vai này không chỉ là trách nhiệm tôi dành cho cho gia đình, mà là trách nhiệm để lo cho cuộc sống tất cả những lao động tại doanh nghiệp, trách nhiệm với quê hương, trách nhiệm với lời hứa đưa đặc sản thịt chua Đất Tổ đến mọi miền Tổ quốc và xuất khẩu đặc sản Việt Nam ra nước ngoài", Hoa trăn trở.

Nữ doanh nhân người Mường xuất hiện trong tập 10 Shark Tank Vietnam (Thương vụ bạc tỉ) mùa 5 để kêu gọi vốn đầu tư 15 tỉ (10% cổ phần) cho công ty chuyên sản xuất và phân phối thịt chua - đặc sản Phú Thọ.

Nữ doanh nhân người Mường xuất hiện trong tập 10 Shark Tank Vietnam (Thương vụ bạc tỉ) mùa 5 để kêu gọi vốn đầu tư 15 tỉ (10% cổ phần) cho công ty chuyên sản xuất và phân phối thịt chua - đặc sản Phú Thọ.

Hiện tại, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hoa tập trung phát triển kênh phân phối với gần 5.000 điểm bán, chiếm 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty từ năm 2015 - 2022 trung bình 30%/năm. Đến năm 2021, doanh thu của công ty đã đạt 52 tỉ đồng/năm.

Bằng sự bản lĩnh, tự tin, quyết đoán, cô gái người Mường cũng thuyết phục thành công Shark Bình đầu tư vào dự án phát triển thịt chua, sản phẩm của vùng đất Phú Thọ.

Bên cạnh tăng trưởng nhanh chóng về doanh thu, doanh nghiệp của Hoa cũng tạo công ăn việc làm cho hơn 500 nhân viên, cộng tác viên trên cả nước. Thu Hoa cho rằng, trở ngại lớn nhất của mỗi doanh nghiệp là sự đổi mới về con người.

"Doanh nghiệp của tôi được như ngày hôm nay là thành quả của việc “dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi" của cả hệ thống nhân sự. Tôi luôn ủng hộ, khuyến khích các bạn nhân viên thay đổi, cập nhật những điều mới, bứt phá và đưa sản phẩm thịt chua vươn xa hơn", cô gái sinh năm 1992 nói.

Cô gái sinh năm 1992 dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi.

Cô gái sinh năm 1992 dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi.

Sau một hành trình dài nỗ lực, Nguyễn Thị Thu Hoa cho rằng, khởi nghiệp luôn là một bài toán mạo hiểm và “khó nhằn" bởi đây là một “ván cờ" không chỉ mang theo trách nhiệm của bản thân mà còn liên quan đến lợi ích của rất nhiều người khác.

Cô cho rằng, khi dấn thân vào con đường kinh doanh, cần nghĩ tới tất cả các khả năng có thể xảy ra vì chỉ có như thế, mình mới có thể làm chủ được cuộc chơi, lường trước được những rủi ro gặp phải để đưa ra được những phương án phòng ngừa tốt nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Vợ chồng trẻ khởi nghiệp thành công nhờ cây xạ đen

Mô hình liên kết sản xuất “Trà xạ đen Diệp Nhật” cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm là kết quả từ sự nỗ lực, vượt khó của cặp đôi cán bộ Đoàn Nông Thị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN