Cô gái ngoại thành quyết tâm chinh phục nghệ thuật tại ngôi trường Quân đội
Ngọc Trâm (sinh năm 2002) lớn lên trên vùng đất Thạch Thất (Hà Nội) đang là học viên năm 2 của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, “chiếc nôi” ấm áp đào tạo và sinh ra nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Lưu Hương Giang,…
Ngọc Trâm - học viên năm 2 của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trước khi đến gần với ước mơ
Mình sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, bố mẹ mình cũng không phải người trong Quân đội, nên mình đã xác định phải cố gắng thật nhiều. Vốn mình rất yêu thích dân ca, có thể nói là dòng chảy của dân ca đã thấm đẫm vào mình từ khi còn bé qua những lời ca dịu ngọt, những bài hát về quê hương đất nước từ mẹ. Mẹ có thể hát cho mình nghe bất cứ lúc nào mình muốn và tất cả những lời ca đó đã như ngọn lửa âm ỉ và lớn dần, trở thành nguồn động lực lớn nhất của mình đến tận giờ phút này.
Vì gia đình sống ở vùng ngoại thành, nên mình chưa được tiếp xúc và tham gia nhiều hoạt động liên quan đến nghệ thuật như các bạn ở trong thành phố. Tuy nhiên cuộc sống vùng nông thôn lại đem tới cho mình vô vàn trải nghiệm và dạy mình cách trân trọng mỗi cơ hội có được. Ngày mình 6 tháng tuổi, may mắn với màn ảnh nhỏ đã tới với mình như một cái duyên khi Đoàn phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ do Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Truyền hình Quân đội đến trực tiếp vùng quê mình sinh sống để quay phim. Đây là bộ phim tài liệu nói về vị tướng tình báo Đặng Trần Đức (tức là bố của mình trong phim). Phim kể về cuộc đời của một nhà tình báo hoàn hảo với 2 lần xây dựng thành công vỏ bọc – trở thành người thân tín của các ông trùm mật vụ của cơ quan đầu não của địch (Sở Nghiên cứu chính trị và Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng Hòa trước 1975).
Mình được thủ vai là con của vị tướng tình báo và vai người mẹ trong phim do NSND Thu Quế thủ vai. Bộ phim đã thành công và đóng máy vào tháng 10/2010, được chiếu lại như một bộ phim lịch sử vào 27/7 hàng năm. Thước phim cũng như một nguồn động lực để mình khi lớn lên đã trở thành một người nghệ sĩ của Quân đội.
Lớn thêm một chút, khi mình đã là học sinh lớp 6, mình may mắn được các thầy cô tạo điều kiện giúp đỡ và mẹ mình cũng rất ủng hộ nên hầu như các cuộc thi lớn nhỏ từ trường cho đến những hội diễn trên thành phố mình đều được tham gia và giành giải: vở diễn Thị Mầu năm 2013, Cuộc thi giai điệu tuổi hổng năm 2016 , và tham gia vào những lần thi Hòa ca của Đài truyền hình VTV,… Tất nhiên, mình vẫn luôn luôn cân bằng giữa việc học văn hóa và tham gia phong trào văn hóa văn nghệ, làm sao để đạt kết quả tốt nhất khi mình cũng là một lớp trưởng.
Bước ngoặt lớn nhất trên con đường sự nghiệp
Vào năm 2020, mình tham gia thi tốt nghiệp THPT. Đối với mình đây là quãng thời gian vô cùng căng thẳng và áp lực. Đứng giữa những ngã rẽ của con đường đại học, mình không tránh khỏi sự phân vân và do dự. Ở vùng ngoại thành để nói về những người tham gia nghệ thuật thật sự rất ít. Hơn nữa trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm đó tuyển sinh rất ít, lấy có 8 thí sinh nữ trên cả nước. Đứng trước con số này, mình thực sự chưa đủ tự tin cho đến khi mẹ nói với mình “Ước mơ là của con, làm sao để sau này con không cảm thấy hối hận”.
Từ câu nói đó của mẹ, trong những tháng cuối ôn thi mình đã cân bằng giữa việc học văn hóa và học thêm thanh nhạc, làm sao để đạt được kết quả tốt nhất. Ngày bố chở mình đi học thêm thanh nhạc trong nội thành, tối lại chở mình về nhà học văn hóa. Đôi khi mình cũng cảm thấy bản thân không chịu được nữa mà muốn buông bỏ, nhưng thấy bố mẹ cố gắng vun đắp cho mình hơn thế gấp trăm nghìn lần, vậy tại sao mình lại từ bỏ? Mẹ lo liệu nhắc nhở thời gian, quần áo, cơm nước cho mình đi học kịp giờ đến nỗi mẹ gầy đi trông thấy. Bố chở mình đi học qua cái nắng tháng 8 bạc cả chiếc quần thô bố đang mặc. Có những hôm bố chở mình do chặng đường đi xa và không có thời gian nghỉ, bố đã mất tay lái mà mặc xe trôi tự do vào vỉa hè giữa thành phố. May sao hai bố con đều không bị trầy xước nặng.
Trải qua những tháng ngày ôn thi vất vả, may mắn đã đến với mình khi nhận kết quả trúng tuyển. Bữa cơm trưa đã ngon lành hơn mọi khi khi nhận Giấy báo trúng tuyển của 2 trường: Đại học Kiếm sát Hà Nội và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cảm xúc của mình như vỡ òa và không thể tin được vào mắt mình nữa . Và lúc đó, mình thực sự muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả thầy cô đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho Trâm trong suốt 12 năm học vừa qua, đặc biệt là cô giáo NSƯT Thúy Nội - người đã dẫn dắt và truyền lửa nghề cho mình ở những bước đi đầu tiên. Nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, em xin được gửi tới cô lời kính chúc sức khỏe và lời tri ân sâu sắc nhất!
Đó lại là một lựa chọn lớn nữa, nhưng ngọn lửa Nghệ thuật như kéo mình theo vậy, cho tới tận bây giờ quyết định học tại ngôi trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội của mình chưa bao giờ là sai.
Tình yêu đối với nghệ thuật
Tháng 10/2020 mình chính thức nhập học và trở thành tân học viên thanh nhạc, H40 Quân sự trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Cánh cửa đại học mở ra, như một môi trường mới hoàn toàn đối với mình, mọi thứ đều khác xa trong tưởng tượng của mình.
Nhất là trong 27 ngày huấn luyện tân binh tại Hòa Lạc – huyện Thạch Thất, mình được học cách sinh sống như một chiến sĩ thực thụ, đối với một người yêu bộ đội như mình thì đó là điều mình mong muốn từ lâu: ăn ngủ đúng giờ, thực hiện 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần và được học cách xếp nội vụ mà trước đây mình chỉ được ngắm nhìn qua tivi,… Thế nhưng đôi khi, nỗi nhớ nhà lấn át vào đầu mình rất nhiều. Có những hôm nhớ nhà đến phát khóc, rồi cũng đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải rèn luyện khổ cực nữa, đôi lúc đã cảm thấy hơi nản, nhưng nghĩ lại về tương lai của chính mình và hậu phương phía sau, mình lại tiếp tục cố gắng.
Sau khi hoàn thành gần 1 tháng huấn luyện tân binh, mình trở về trường và chính thức bước vào học thanh nhạc. Mình may mắn được là học trò của cô giáo Thượng úy Lương Nguyệt Anh – Quán quân Sao Mai năm 2011 phong cách dân gian. Cô đã giảng dạy và thị phạm cho mình rất nhiều để có được giọng hát như ngày hôm nay. Đối với một giọng hát chưa được “mài giũa” như mình, cô đã không khỏi lo âu, suy nghĩ làm sao cho mình tiến bộ hơn từng ngày. Qua đây, em cũng xin cảm ơn cô giáo và kính chúc cô ngày lễ Truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam thật hạnh phúc!
Và đây là MV mình tham gia cùng cô giáo Lương Nguyệt Anh nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Em đứng trước giảng đường hôm nay, một bài hát vô cùng hay và ý nghĩa dành tặng cho những người giáo viên nhân dân.
Trong quá trình học ở trường, vào tháng 11 /2020 mình đã tham gia thi hát band nhạc tại trường. Đây là sân chơi đầu tiên mình được tham gia cùng nhóm nhạc tại trường, là trải nghiệm vô cùng thú vị và đem lại cho mình rất nhiều bài học kinh nghiệm sau này khi mình thực hành làm nghệ thuật. Mình nghĩ đây cũng là một cách trau dồi kiến thức học lý thuyết đi đôi vơi thực hành, cách vận dụng mà các bạn trẻ nên có để xây dựng cho mình một nền tảng học tập vững chắc trên bất cứ lĩnh vực nào.
Đối với Trâm, trong cuộc sống chúng ta có muôn vàn mục tiêu cần hoàn thành, nhưng trên con đường hoàn thành mục tiêu và thực hiện ước mơ đó, chúng ta không được đánh mất chính mình, mà hãy luôn tự tin, rèn luyện tài năng và phẩm chất đạo đức tốt, xứng đáng là niềm tự hào của gia đình và xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]
Lê Hoàng Thuỳ Khuê (sinh năm 2000) là sinh viên năm cuối, lớp 59B1- Kinh tế đầu tư, Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế - Trường...