Cô gái nghèo thành sinh viên tiêu biểu ở Úc

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nhà nghèo, mẹ bệnh nên Hương đành nghỉ học từ khi 12 tuổi. Đất Hà Nội đầy tủi hờn với những tháng ngày Hương làm ôsin, ngủ dưới gầm cầu thang.

Cô sinh viên đặc biệt này tên đầy đủ là Đặng Thị Hương (sinh năm 1986, học viện Box, Úc). Hương là sinh viên Việt Nam duy nhất và đầu tiên nhận hai giải thưởng danh giá: “Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria” và “Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013" do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng.

Tuổi 12 gồng gánh gia đình

Hương rất ham học. Ngày mẹ rớt nước mắt nói con gái thôi đừng học nữa, Hương vẫn hy vọng mẹ đổi ý. Nhưng mẹ bệnh, anh bệnh, nhà không có người đàn ông làm trụ cột. Hạt ngô, thúng thóc nhà làm ra còn không đủ ăn, phải đi vay mượn chòm xóm thì sao đủ sức để Hương tiếp tục cắp sách đến trường. “Mẹ buồn lắm và tôi hiểu là tôi không nên tiếp tục đi học nữa”, Hương ngậm ngùi.

Việc học đứt gánh giữa đường, cô bé 12 tuổi vốn đen đúa, còi dí vì chỉ toàn ăn rau theo mẹ ra đồng. Việc đồng áng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chẳng đủ ăn. Hương  rời vùng quê Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ra Hà Nội làm ôsin. Giữa đất Hà Nội, cô kể bản thân mình chỉ biết làm việc quần quật và  nghe những lời chì chiết của nhà chủ. Suốt 4 năm trời cô dậy sớm, thức khuya và quanh quẩn xó nhà.

Cô gái nghèo thành sinh viên tiêu biểu ở Úc - 1

Bước ngoặt đến với cô năm 20 tuổi, khi Hương sang Úc du học.

Hương tâm sự: “Ở Hà Nội tôi không có chỗ nào để đi, không quen bạn bè và cũng không có thời gian. Mỗi năm tôi chỉ được về nhà hai lần vào dịp giỗ bố tôi và dịp tết thì được 5 ngày”. Đổi lại là mỗi tháng cô có được 150.000 đồng gửi cho mẹ.

Hơn 4 năm đi làm ôsin, bênh cạnh nỗi sợ “tiếng chim hót, vì nó cho tôi cảm giác cô đơn và nhớ nhà kinh khủng” là khát khao cháy bỏng: được đi học. Cô chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ mơ ước sẽ nuôi anh trai và em gái tôi học xong và hỗ trợ mẹ tôi chữa bệnh. Từ khi tôi biết được rằng có thể được đi học bổ túc lại thì tôi luôn mơ ước rằng, Hà Nội sẽ cho tôi một cơ hội học hành".

Gầm cầu thang và khao khát học

Tuổi 18, Hương nghỉ ôsin, đi học lại lớp 8 ở một TTGDTX. Cô thuê  được gầm cầu thang một khu ổ chuột vừa kê đủ cái giường gãy chân để ngủ. 2h sáng  Hương sáng thức dậy thổi xôi. Sáng bán xôi, rồi đi lau nhà thuê, chiều đi bán bánh, bán ngô, tối học xong lại bán bánh đến nửa đêm. Việc quá nhiều, nên ngày Hương chỉ tròn trèm 2 tiếng được ngủ. Mùa đông lạnh cắt hay những khi trời mưa thì gánh hàng của Hương cứ ế dài. Cô nói: “Sợ hơn khi nơi tôi bán rất phức tạp, có nhiều nghiện ngập, tôi còn sợ công an bắt mỗi lần ngồi bán bánh khoai trên phố”.

Tuy nhiên, điều lo sợ nhất với Hương là gầm cầu thang. Sợ cầu thang quá bẩn, muỗi nhiều mà không thể cẳng được màn. Sợ khi người ta đi lên, cái cầu thang bị gãy sập xuống người. “Trên hết khi đó tôi sợ nhất là bị cô chủ nhà đuổi đi vì như thế tôi cũng không có chỗ bán xôi và không thể đi học lại”, Hương nói.

Qua bạn giới thiệu, Hương tình cờ biết đến KoTo -  một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố. Cô nộp đơn vào và đươc nhận, đó là một ngã rẽ khác thay đổi cuộc đời cô khi tròn 20 tuổi.

Hương kể về trung tâm Koto: “Ban đầu khi nộp hồ sơ tôi khá nghi ngờ. tất cả những gì tôi muốn lúc đó là để có thể có một chỗ ở an toàn hơn và để tôi tiếp tục việc học bổ túc vì tôi vẫn muốn thi đại học sư phạm. Đậu vào KoTo là một bước ngoặt lớn nhất thay đổi cuộc đời tôi”.

Vượt qua quãng thời gian ban đầu không dám giao tiếp với ai vì “mặc cảm mình cô bé vừa đen, vừa lùn, vừa xấu xí”, Hương mở lòng và tập trung học, học thật nhiều. Hương được nhận vào làm tại khách sạn InterContinental Hồ Tây, rồi quay về làm nhân viên KoTo giúp lại trẻ đường phố. Nhưng rồi, Hương và anh trai bị tai nạn ngày 30 Tết năm 2008. Lại một lần nữa, Hương tưởng chừng gục ngã. Nhưng cô gái vốn đã quá chai sạn với cuộc đời vẫn vượt qua, lại đi làm, đi học.

Cô gái nghèo thành sinh viên tiêu biểu ở Úc - 2

Cô may mắn sống với gia đình người Úc tốt bụng, cho Hương sự ấm cúng không khí gia đình

Giấc mơ xứ người

Mọi việc đang ổn định, Hương xin nghỉ để đi du học khi nhận được học bổng du học. Cô chọn ngành quản trị kinh doanh tại học viện Box Hill (Úc) vì muốn được thử sức một  ngành mới.  Ngoài giờ học, cô làm thêm tại khách, làm tình nguyện viên cho KoTo Quốc tế để có thu nhập cho mình, cho gia đình. Chỉ sau một năm nỗ lực, Hương liên tiếp giành được nhiều giải thưởng học tập, mới nhất là cú đúp giải thưởng danh giá  là suất học bổng toàn phần 20.000 đôla Úc tại ĐH Rmit chuyên ngành kinh doanh.

“Với giải thưởng này tôi có thể học năm cuối tại ĐH Rmit Melbourne để lấy bằng cử nhân khởi nghiệp vào năm 2015. Sau đó có thể tôi sẽ về Việt Nam và hi vọng kiếm được việc làm phù hợp và tiếp tục tìm kiếm học bổng học thạc sĩ sau 5 năm nữa và  hy vọng sẽ được đặt chân tới nước Anh để học tiếp”, Hương chia sẻ.

Hiện tại cuộc sống của Hương ổn định. Cô may mắn sống với gia đình người Úc tốt bụng, cho Hương sự ấm cúng không khí gia đình. “Mỗi lần nghĩ lại thì thành công của tôi không chỉ là những gì tôi đạt được trong việc học, mà chính là nhìn thấy anh trai và chị gái đang có cuộc sống ổn định với gia đình, mẹ tôi khỏe và vui hơn”, cô bộc bạch.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Sinh viên xếp hình nhạy cảm ở Hoàng thành

Bị sinh viên thực tập "cám dỗ"

Sinh viên làm thêm: Nỗi lo “bo” tiền phạt

Sinh viên làm ô sin kiếm gần 10 triệu/tháng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Quỳnh (Tri thức trực tuyến)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN