Cô gái mất 1 chân xuất hiện trên phố đi bộ Hà Nội gây xôn xao: Sau 4 ngày tỉnh lại đã thành người khác

Sự kiện: Giới trẻ 2024

"Mình đã sốc và lặng người đi, nước mắt tự dưng tuôn trào ra ồ ạt. Mọi thứ cứ rối tung lên sau 4 ngày tỉnh giấc đã trở thành 1 người khác, chỉ còn 1 chân", cô gái kém may mắn vì gặp tai nạn nhớ lại khoảnh khắc ám ảnh 7 năm về trước.

Cô gái xuất hiện trên phố đi bộ Hà Nội nhận được nhiều sự chú ý.

Cô gái xuất hiện trên phố đi bộ Hà Nội nhận được nhiều sự chú ý.

Chuyện nghị lực và tình người của cô gái cụt chân lan tỏa trên MXH ngày cuối năm

Những ngày cuối năm 2019, nhiều người trên mạng xã hội như "bừng tỉnh" sau 1 câu chuyện của cô gái khuyết tật vì tai nạn giao thông.

Đó là chuyện cuộc đời đẫm nước mắt đến hành trình lấy lại niềm vui sống và truyền nghị lực cho mọi người của chị Bế Thị Băng (SN 1987, Cao Bằng).

Chị chia sẻ rất dài về dấu mốc năm 2012 đầy bi kịch khi bị mất đi 1 chân sau va chạm với một chiếc xe container.

"Còn nhớ năm ấy là năm 2012, trong lúc mình đi thăm 1 người bạn bị ốm thì có một chiếc xe container đã vô tình đâm vào đuôi xe mình làm mình bất ngờ ngã xuống đường. Và dù đã phanh nhưng vẫn kéo mình và xe máy đi thêm 3m nữa. Vào đến viện, do bị đa chấn thương và đứt động mạch chủ nên bác sĩ đã phải tháo khớp háng 1 bên chân để bảo toàn tính mạng cho mình.

Sau 4 ngày tỉnh dậy biết mình chỉ còn 1 chân, việc đầu tiên là mình hoảng loạn, muốn chết, sốc và hụt hẫng vô cùng, mình không thể chấp nhận được sự thật đấy là mình từ nay sẽ trở thành người khuyết tật trong khi bản thân đã từng lành lặn.

Nhưng sau đó, nhìn lại còn bố mẹ, gia đình và bạn bè mình không muốn họ đau buồn, mình chọn cách sống im lặng với cuộc sống hiện tại. Mình muốn mình khoẻ trở lại, bởi vì điều quan trọng bây giờ mình còn sống thì đó đã là việc hạnh phúc nhất rồi.

Sau 21 ngày điều trị tại Việt Đức, nhà mình nghèo lắm, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mình vẫn ở Hà Nội để điều trị mà không về quê, thành ra bố mẹ vất vả nhất vì phải chăm sóc cho đứa con gái khuyết tật một bên chân. Trong khoảng 2 tháng đầu, bệnh mình vẫn nặng và chưa thể đi được thì vợ anh lái xe gây ra tai nạn cho mình đã luân phiên thay bố mẹ mình chăm sóc mình.

Sau đó, bác sĩ nói mình sẽ phải ngồi xe lăn. Mình lại sợ, mình không thích gắn bó cả đời với xe lăn...Nên mình làm quen với nạng, dù đau đớn đến mấy mình cũng phải làm được. Ngã nhiều lắm, vết mổ cũ còn bục cả dịch ra nữa, nhưng vẫn mặc kệ đau. Chỉ biết tự lẩm nhẩm trong đầu rằng mình phải làm được, phải làm được.

Cuối cùng cũng làm được. Thì bắt đầu ra đường, và chiến đấu với những ánh mắt hiếu kì nhìn về phía mình. Đi mua đồ thì nhân viên không tôn trọng, họ hời hợt, không chu đáo, thật đáng buồn. Thế giới như bé lại chỉ vì mình một chân.

Thế là mình về, tự thiết kế đồ cho mình mặc, ứ thèm mua đồ bên ngoài nữa luôn. Mình cũng thử lắp chân giả, nhưng người ta lại bảo mình thọt, hay què cụt, vì trông 2 chân khác nhau mà. Thế là mình lẳng, tự chiến đấu bằng một chân và nạng cho xong.

Đến bây giờ thì mình hoàn toàn tự tin rồi, mình thích được làm cho người khác hạnh phúc, và muốn có thật nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống để sống".  

Sau những lời bộc bạch ấy, chị Băng nhắn nhủ: "Sắp tết rồi, mọi người khi tham gia giao thông xin cũng cẩn thận, an toàn cho chính mình cũng như cho người khác để có một năm mới tràn ngập niềm vui và hạnh phúc nhé! Cuối cùng, những người khuyết tật như mình, hãy mạnh mẽ lên, còn được sống là còn được hạnh phúc".

Ngoài ra, nhiều người còn rất xúc động với hành động đẹp của chị khi vào những ngày cuối năm này chị có mặt tại bờ hồ Hoàn Kiếm để múa gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân mổ tim.

Câu chuyện của chị Băng khiến người ta thực sự cảm phục.

Câu chuyện của chị Băng khiến người ta thực sự cảm phục.

Nước mắt và bước ngoặt của cô gái 24 tuổi

Sau khi bài viết được lan tỏa với hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội, chúng tôi đã tìm đến chị Băng với hy vọng chia sẻ 1 phần đời buồn nhưng sau tất cả lại niềm tin, nghị lực và yêu thương của chị.

Nhắc đến bước ngoặt ở tuổi 24, chị Băng nhớ như in cảm xúc của mình sau 4 ngày bất tỉnh trong phòng bệnh. Khi ấy, y tá nói chị đã 1 cắt 1 bên chân rồi, cơ thể chị nóng ran và việc đầu tiên chị làm là "tự kiểm chứng cho mình xem đó là thật hay mơ. Mình cố gắng dùng 2 ngón tay phải để gỡ cái tay buộc trên thành giường xuốn, rướn người kiểm tra xem nó cắt bị cụt đến đâu".

Nhưng sau khi dịch dần từ trên đầu gối lên từ từ, chị biết không phải là cắt cụt nữa mà là tháo hẳn 1 chân đến tận khớp háng. Chị đã sốc và lặng người đi nước mắt tự dưng tuôn trào ra ồ ạt.

Không chỉ mất 1 chân mà thành bụng của chị cũng phải phẫu thuật từ thịt chân đã mất, chân trái cũng bị chấn thương rất nặng. Bác sĩ nói khả năng sẽ phải tháo 2 chân.

Rồi chị nhớ như in đôi mắt đỏ hoe của bố nói với mọi người rằng "nó không chết được đâu" khi người ta nói rằng con ông không sống được, thịt sẽ thối dần dần ra. Lúc ấy, chị nghĩ mình sắp chết, chị nhắm mắt lại, lặng người đi trong lúc sốt 39 độ. Vậy là chỉ sau 1 cơn mê thôi, chị đã vô tình đánh mất tất cả, hình hài và mọi thứ.

Gia đình chị Băng lúc ấy đang nuôi 2 con học Đại học, hoàn cảnh lại khó khăn. Con trâu là tài sản lớn nhất nhà chị khi ấy được bố bán đi để chữa chân cho chị. Bản thân thấy có lỗi với gia đình, cô gái 24 tuổi khi ấy tự dặn mình tập quên đi những điều xấu, suy nghĩ tích cực lên. 

Như có một luồng điện chạy trong người, chị muốn khỏe trở lại để thoát khỏi nơi khổ cực này, nơi có thể nói là địa ngục của cuộc đời chị.

Bác sĩ nói chị phải ngồi xe lăn nhưng vì sợ hãi cả đời gắn với chiếc xe ấy, chị dành 1 tuần tập đứng, 2 tuần tập đi nạng và hơn 2 tháng sau chân chị đã khéo leo hơn khi "làm bạn" với nó.

"Lần đầu ra ngoài, mình không dám ngẩng cao đầu. Người ta nhìn chằm chằm bàn tán cái chân cụt, chân què rồi cảm thán "thật đáng tiếc", rồi "tội nghiệp",... Những câu nói như cứa vào tim mình. Nước mắt mình ứa ra không biết bao nhiêu lần".

"Nhưng rồi mình cũng lờ đi, dần dần sau vài tháng nó thành thói quen. Sau mình thấy mình đã khỏe trở lại, sau 9 tháng lần đầu tiên sau tai nạn mình mạo hiểm 1 mình ra bến xe leo lên xe bus để về quê thăm bố mẹ", chị Băng nhớ lại.

Làm quen với những lời thương cảm và cả kì thị cũng là lúc chị không còn "xù lông" với chúng nữa. Chị kể, sau 1 năm lắp chân giả chị thử đi ra đường với 1 chân xem mọi chuyện tồi tệ đến mức nào. "Thấy mình đi 1 chân, có người nói rằng sao không lắp cái chân giả vào mà đi, đi 1 chân ra đường như thế. Mình trả lời, 1 chân có gì xấu đâu, có phải yêu quái đâu mà sợ".

Cô gái mất 1 chân xuất hiện trên phố đi bộ Hà Nội gây xôn xao: Sau 4 ngày tỉnh lại đã thành người khác - 3

Chị Bế Thị Băng đã vượt lên nghịch cảnh và trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, lạc quan.

Chị Bế Thị Băng đã vượt lên nghịch cảnh và trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, lạc quan.

"Mình tập múa trong nhà vệ sinh, nơi không ai biết mình đang múa"

Làm quen với cơ thể 1 chân và chiếc nạng cũng là lúc chị Băng có ý tưởng tập múa.

"Trong 1 lần sáng sớm mẹ gọi mình lên tầng thượng ngắm bình minh. Ánh nắng đó đã phả vào đôi nạng mình ngoe nguẩy bàn tay 1 cái bóng khá dẻo. Mình nghĩ hay thử múa xem sao. Lúc đó thì chưa thể đứng được 1 chân như bây giờ, mình lại 1 lần nữa tập đứng 1 chân mà không cần dùng nạng".

"Sau đó dần dần mình tập đứng tập xoay người, bao lần ngã xuống nền gạch tím cả vai, mông. Rồi mình tập múa trong nhà vệ sinh, ở 1 nơi không ai biết mình đang múa", chị kể.

Với người 2 chân múa đã khó rồi, chị Băng chỉ có 1 chân và không biết nên bắt đầu như thế nào. Ban đầu chị coi múa như 1 môn thể thao để rèn luyện cho chiếc chân còn lại khỏe mạnh và tự biên đạo cho phù hợp với chân của mình. Bây giờ, nhảy múa với chị không chỉ là niềm vui mà còn là phương tiện để chị truyền cảm hứng và giúp đỡ những người khó khăn hơn.

Chị còn tham gia nhiều bộ môn thể thao khác như: võ, ném đĩa, cưỡi ngựa, lặn, bơi, nhảy dây, đi xe đạp,...

Những ngày cuối năm này, chị thường xuyên có mặt tại bờ hồ Hoàn Kiếm để múa gây quỹ cho những bệnh nhân mổ tim. 

Trước đó, chị Băng cũng đã mang những điệu múa trên 1 chiếc chân của mình để tham gia nhiều chương trình thiện nguyện như: Tiếp sức đến trường, Đại sứ Mottainai, Thương thương handmade hát vì người bệnh , Cổ tích hội tụ (BV Châm cứu TW), Trái tim cho em (BV nhi TW),...

Ngoài công việc chính là kinh doanh, chị Băng cũng có 1 kênh Youtube riêng mang tên Thi Bang Be với những video được đăng tải nhằm mục đích truyền cảm hứng. Chị sử dụng số tiền nhỏ thu được từ kênh này để làm từ thiện hàng tháng.

"Mình muốn chia sẻ cuộc sống của mình đến với những mảnh đời đang còn bất hạnh, những bệnh nhân hiểm nghèo, những trẻ em là nạn nhân của tai nạn giao thông, tiếp sức đến trường cho những sinh viên vượt khó trở nên sống vui hơn. Bởi mình cũng đã từng đau và đau khổ", chị Băng chia sẻ động lực đến với các hoạt động thiện nguyện của mình.

Chưa từng nghĩ có thể múa trước mặt một ai đó, cuối cùng chị đã dũng cảm thể hiện điệu múa do chính mình biên đạo tại chung kết cuộc thi "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019" và giành giải Nhất.

Ở thời điểm hiện tại, chị Băng đã đem điệu múa của mình để gây quỹ từ thiện ủng hộ cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Không chỉ vậy, chị còn coi đó là sân khấu để những người khuyết tật như mình được hòa nhập.

"Những cái ôm từ mọi người thật trân quý cho bản thân mình biết mấy. Mình muốn làm cho mọi người trở nên hạnh phúc", chị bộc bạch.

Nguồn: [Link nguồn]

Gặp cô gái một chân xứ Thanh đang khiến dân mạng ”xôn xao”

“Em chẳng bao giờ được chạy nhảy, chẳng bao giờ được mặc quần soóc ra đường, chẳng bao giờ được đi giày cao gót…"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN