Cô gái Hưng Yên học chuyên Toán có IELTS 8.0 lựa chọn Học viện Ngoại giao thay vì đi du học Hà Lan
Khánh Linh hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế của Học viện Ngoại giao. Cô được sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên trong một gia đình có bố mẹ đều hết sức tạo điều kiện cho con phát triển. Cô bạn rất yêu thích môn Toán và có năng khiếu ngoại ngữ, nhưng lại quyết định lựa chọn khoa Truyền thông làm bến đỗ.
Khánh Linh hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế của Học viện Ngoại giao.
Ngay từ lúc nhỏ, bố mẹ đã cho mình tiếp xúc với tiếng Anh, việc học tiếng Anh của mình đã luôn được duy trì từ khi đó. Lên cấp hai, mình may mắn được học những giáo viên Toán giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và tâm huyết, thế nên mình đã chuyển sang yêu thích môn học này và thành công đỗ vào chuyên Toán. Dẫu vậy, mình vẫn luôn đảm bảo việc trau dồi và rèn luyện tiếng Anh song song với học môn chuyên.
Tuy nhiên, việc học chuyên sâu vào môn Toán cũng như các môn tự nhiên khác như Lý, Hóa quá nhiều lại dần dần trở thành một gánh nặng với mình. Vào thời điểm đầu năm lớp 11, việc thi IELTS dần được phổ biến tại nơi mình sinh sống, nên mình đã quyết định “thử”, vì tiếng Anh vẫn luôn là thế mạnh của mình suốt nhiều năm. Bên cạnh đó cũng là bởi mình muốn đổi khối học do quá áp lực khi liên tục học nâng cao các môn tự nhiên. Tuy có nền tảng tiếng Anh rất tốt, nhưng thời gian đầu do cấu trúc bài thi IELTS lúc đấy còn rất xa lạ đối với mình, kết quả làm các bài thi thử của mình không quá tốt, chỉ rơi vào khoảng 5.0-5.5.
Thế nhưng mình không hề nản lòng mà tiếp tục nghiên cứu cấu trúc bài thi, cách làm các dạng bài cũng như nâng cao, trau dồi nền tảng kiến thức tiếng Anh của mình hơn nữa. Mình được học tập dưới sự hướng dẫn của cô giáo dạy tiếng Anh cho mình từ ngày bé, cũng như tham khảo rất nhiều tài liệu trên internet, thậm chí cả các “mẹo” nữa. Hành trình ôn luyện của mình cũng không hề dễ dàng do kỹ năng viết và nói còn kém.
Có một thời gian dài mình phải liên tục thức khuya dậy sớm để có thể cân bằng cả việc học IELTS và học tập trên lớp. Những ngày gần thi, hôm nào mình cũng trằn trọc vì lo lắng. Thế nhưng những công sức mà mình bỏ ra đều được đền đáp khi vào đầu năm lớp 12, mình đã may mắn đạt được điểm số 8.0 overall ngay lần thi đầu tiên. Việc sở hữu chứng chỉ IELTS đã mở ra rất nhiều cơ hội cho mình, đặc biệt là khi đứng trước ngưỡng cửa tuyển sinh Đại học khi ấy.
Đừng bao giờ đợi đến “lúc” (Stop waiting for the “right” time).
Đừng tự ti vì xuất thân từ “tỉnh lẻ”
Khác với hình ảnh một sinh viên dám làm, dám thử như hiện tại, mình của những ngày học cấp ba lại là một cô bé vô cùng nhút nhát. Trong suốt những năm học ấy, mình chưa từng tham gia bất cứ một câu lạc bộ hay hoạt động dự án xã hội nào. Một phần vì là học sinh ở tỉnh lẻ nên cơ hội được tiếp cận với những hoạt động xã hội của mình ít hơn so với các bạn ở những thành phố lớn. Chính vì thế, vào giữa năm lớp 12, khi mẹ gợi ý cho mình việc xin học bổng của một trường Đại học nước ngoài, mình đã rất tự ti khi bản thân mình vẫn chưa có thành tựu đáng kể gì, cũng như chưa đóng góp được điều gì ý nghĩa cho xã hội ngoài cái danh “IELTS 8.0”.
Tuy vậy, nhờ có sự động viên và cổ vũ từ bố mẹ, cũng như một lời khuyên mình nhận được vào thời điểm đó: Đừng bao giờ đợi đến “lúc” (Stop waiting for the “right” time), đã tiếp cho mình rất nhiều động lực để nộp hồ sơ cho một trường Đại học ở Hà Lan. Lúc đó, lợi thế duy nhất của mình chỉ là một bảng thành tích học tập khá đồng đều cũng như một kết quả IELTS khá cao. Còn về mục hoạt động ngoại khóa hay kinh nghiệm thì CV của mình “trống không”.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô gái nhỏ đã chinh phục được ước mơ của bản thân.
Thế nhưng, sau buổi phỏng vấn đánh giá năng lực của trường, mình đã chính thức trúng tuyển. Trong buổi phỏng vấn đó, mình đã tập trung nói về những điểm mạnh của bản thân thay vì cứ mãi suy nghĩ về những “thiếu sót” trong CV cá nhân của mình. Giáo sư phỏng vấn nói rằng thầy rất ấn tượng với khả năng ngôn ngữ của mình, tâm huyết cùng công sức mình bỏ ra để nghiên cứu về trường và ngành mình ứng tuyển, cũng như cách mình thể hiện nguyện vọng và định hướng trong tương lai.
Sau buổi phỏng vấn đó, mình cũng được thông báo là mình đủ tiêu chuẩn để ứng tuyển xét học bổng tài năng của trường, và mình cũng rất may mắn khi giành được học bổng ấy. Dù không thể sánh bằng các học bổng danh giá khác ở các quốc gia như Anh hay Mỹ nhưng một chút thành tựu này cũng khiến mình tự hào.
Trải nghiệm này đã giúp mình nhận ra một điều rằng: không xuất thân từ thành phố lớn không phải là trở ngại cản bước ta đến với những cơ hội lớn. Chỉ cần chúng ta chịu khó tìm hiểu, mạnh mẽ nắm bắt cơ hội và cố gắng tận dụng những điểm mạnh của bản thân mình thì chắc chắn thành công sẽ đến với ta.
Thế nhưng, cuối cùng mình đã chọn ở lại Việt Nam thay vì tới Hà Lan do một vài lý do cá nhân. Khi nộp hồ sơ xét tuyển đại học ở Việt Nam, mình đã đỗ cả Đại học Ngoại thương lẫn Học viện Ngoại giao, nhưng cái duyên đã khiến mình chọn Ngoại giao làm bến đỗ. Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lạ khi một học sinh chuyên Toán như mình, thay vì chọn một trường thiên hướng về kinh tế, lại chọn học ngành Truyền thông của một ngôi trường thiên về học thuật như Học viện Ngoại giao.
Với Khánh Linh: "Mỗi chúng ta đều là những cá thể riêng biệt, có những điểm mạnh riêng cùng câu chuyện riêng của mình."
Chọn Ngoại giao khi ấy là một quyết định táo bạo nhưng đến bây giờ mình vẫn chưa hề hối hận vì điều đó. Mình được học tập trong một môi trường chuyên nghiệp, nhận được sự giúp đỡ tận tình tới từ cả thầy cô lẫn bạn bè. Sinh viên Ngoại giao cực kỳ giỏi và xuất sắc, điều đó đã khiến cho mình không ít lần cảm thấy áp lực từ bạn bè đồng trang lứa. Nhưng chính áp lực ấy đã thúc đẩy mình không ngừng cố gắng hoàn thiện và phát triển bản thân.
Ngoại giao đã dạy cho mình từ một cô bé nhút nhát, ngại phát biểu dần trở nên dạn dĩ và năng động hơn. Từ khi vào Ngoại giao, mình có chủ động tham gia một vài dự án bên ngoài và cũng đã đạt được một số thành tựu – điều mà mình của thời cấp ba đã không dám làm.
Mặc dù bản thân mình chưa có nhiều trải nghiệm, kể cả so với các bạn đồng trang lứa, nhưng những gì mình trải qua đã giúp mình đúc kết ra một bài học rằng: Xung quanh chúng ta lúc nào cũng có rất nhiều cơ hội đang rộng mở và chào đón. Mỗi chúng ta đều là những cá thể riêng biệt, có những điểm mạnh riêng cùng câu chuyện riêng của mình. Và không có nhiều hoạt động trải nghiệm bằng người khác không có nghĩa là chúng ta yếu kém hay thiếu sót. Chỉ cần chúng ta chủ động nắm bắt cơ hội và tận dụng những gì mình có, thì nhất định thành công sẽ đến với ta.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc trường ĐH Lâm nghiệp đến học bổng du học toàn phần Thạc sĩ châu Âu, chàng trai Hà Nội nhớ lại hành trình du học sóng gió và cú sốc văn...