Cô gái “hạt mít” giành học bổng trường công nghệ hàng đầu TG
Giành học bổng của trường công nghệ xếp hạng số 1 thế giới, nữ chủ nhân của HCV Olympic Hóa học quốc tế 2014 Phạm Mai Phương xứng đáng với hai từ xuất sắc.
Gặp Mai Phương (cựu sinh viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) tại buổi giới thiệu dự án hè 2015 của tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader, nghe Phương chia sẻ về trải nghiệm của mình trong suốt quá trình rèn luyện học tập mới thấy được sự thông minh, chững chạc một nữ sinh tài năng từng giành HCV Olympic quốc tế. Phương không nói nhiều, nhưng mỗi câu nói, mỗi câu chuyện của cô bạn đều ẩn chứa kinh nghiệm sống dày dạn mà không phải cô gái trẻ tuổi nào cũng có được.
Từ HCV Olympic quốc tế…
Mùa hè năm ngoái, Mai Phương vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi giành HCV Olympic Hóa học quốc tế (Icho), trở thành 1 trong 3 thí sinh có số điểm cao nhất kỳ thi. Hình ảnh cô gái bé nhỏ có thân hình “hạt mít” giơ cao tấm HCV cùng lá cờ đỏ sao vàng trong lễ trao giải cho đến giờ vẫn hằn in vào tâm trí nhiều người, là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Mai Phương chia sẻ, tấm HCV là phần thưởng lớn cho quá trình dài nỗ lực không ngừng và hơn thế củng cố thêm trong bạn niềm đam mê hóa học. Ít ai biết, ngày đó, trong khi thi lý thuyết Phương sốt nặng, tưởng chừng phải bỏ dở cuộc thi, nhưng rồi nhờ sự động viên của mọi người trong đoàn bạn đã hoàn thành xuất sắc, đem về tấm huy chương vàng danh giá.
Phương khiêm tốn: “Khi tham dự cuộc thi mình không quá đặt nặng chuyện thành tích, chỉ mong được giao lưu, cọ xát với bạn bè quốc tế. Kết quả này khiến mình mình bất ngờ và cảm thấy bản thân thật may mắn”.
Trước đó, Mai Phương từng giành được rất nhiều thành tích ấn tượng như: giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa (năm lớp 9); năm lớp 10 cô bạn thi đỗ cùng lúc 3 trường THPT danh tiếng, là thủ khoa chuyên toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên toán trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội và đứng top đầu trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Đạt nhiều thành tích ấn tượng như vậy nhưng Phương thổ lộ, cô bạn chưa bao giờ bị áp lực bởi việc học. Phương học rất tùy hứng, chỉ học khi thích chứ không quan trọng thời lượng ôn bài. Hơn nữa, vì được nhà trường tạo điều kiện tập trung toàn bộ cho môn Hóa nên cô nàng có nhiều thời gian rảnh cho bản thân.
Phương thích đọc truyện và chơi đàn piano. Với Phương, chơi đàn là cách giữ bản thân thăng bằng trong cuộc sống. Phương thường lên mạng, tải những bài hát trong bộ phim truyền hình yêu thích về rồi tự học và chơi cho cả nhà nghe.
Người có ảnh hưởng lớn nhất đến Phương là bố. Phương chia sẻ: “Bố mình làm kinh doanh nên mọi thứ thường rõ ràng, mạch lạc. Mình học được ở bố sự độc lập và đặt niềm tin vào đam mê của bản thân”.
… đến học bổng trường công nghệ hàng đầu thế giới
Trước đây, khi được hỏi về ước mơ, Phương cho biết muốn xin học bổng theo ngành Kỹ sư hóa học ở Mỹ. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi tháng 8 tới đây, Phương chính thức lên đường sang Mỹ, trở thành tân sinh viên của trường Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những trường công nghệ hàng đầu thế giới.
Phương tâm sự: “Mình vô cùng hạnh phúc khi giành được học bổng vào trường vì trước đó mình chỉ định làm hồ sơ theo phong trào và thử sức bản thân chứ không hy vọng nhiều. Hơn nữa, hồ sơ của mình không được đánh giá cao để vào những trường top trên thế giới và khả năng tiếng Anh của mình không quá tốt nên gặp nhiều khó khăn trong bài luận. Nhưng thật may, mình đã được chọn”.
Chất lượng đào tạo tốt, môi trường năng động không phải là lý do quan trọng nhất khiến Phương nộp hồ sơ vào trường MIT. Phương chia sẻ, vì cô bạn rất ấn tượng với một giáo sư trong trường, từng hướng dẫn một cựu sinh viên về đề tài ứng dụng hợp chất thiên nhiên tạo ra nhiên liệu sạch nên muốn vào đây học… Đó cũng là hướng đi Mai Phương muốn theo đuổi trong tương lai.
Để được nhận vào trường công nghệ hàng đầu thế giới, Mai Phương phải làm một bài luận bằng tiếng Anh với 5 câu hỏi: Tại sao lại chọn trường này?; Điểm gì ở đất nước góp phần hình thành nên giấc mơ của bạn?; Trở ngại nào từng trải qua có ảnh hưởng lớn nhất đến bạn?; Việc làm bạn thích? Và điều gì ở bản thân khiến bạn tự hào nhất?
Mai Phương đã phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành bài luận. “Mình chỉ trả lời trung thực và bày tỏ niềm mong muốn được vào trường một cách chân thành nhất. Có lẽ, sự chân thành ấy đã giúp mình được chọn”, Phương chia sẻ.
Mai Phương tự nhận mình là một người liều lĩnh. Cô bạn không ngại thử thách, luôn tò mò, đặt mình trong trạng thái “không biết gì” để tìm hiểu mọi việc.
Trước khi sang Mỹ du học, Phương từng là thành viên ban quản trị nhân sự của dự án “Sinh viên Đại sứ Công nghệ Microsoft) thế hệ 5. Đây là dự án chỉ dành cho các sinh viên đại học, nhưng Phương vẫn “liều lĩnh” đăng ký. Cho đến khi vượt qua hai vòng, vào vòng tuyển thứ ba, Phương mới thú nhận mình chưa từng học đại học. Và chính sự “liều lĩnh”, mạo hiểm ấy đã giúp Phương trở thành học sinh cấp 3 duy nhất có mặt trong dự án.
Trong thời gian hoạt động với vai trò là thành viên ban quản trị nhân sự, Mai Phương đã có được một bài học đắt giá về việc nắm bắt cơ hội.
Phương kể lại: “Ngày đó, mình được giao quản lý một fanpage. Nhưng vì chưa trải qua 3 tháng thực tập, chưa biết trình tự làm việc nên mình đã tự ý cho triển khai một hoạt động đi ngược với kế hoạch dự án. Vì việc này, sếp mình đã bị cấp trên khiển trách rất nhiều. 11 giờ đêm hôm đó, mình đã thẳng thắn chia sẻ với sếp ý tưởng của bản thân. Sau khi nghe xong, sếp chỉ hỏi “Em cần bao nhiêu người để thực hiện ý tưởng này và có thể làm lãnh đạo được không? Nếu em thành công tôi không dám nói trước phần thưởng, nhưng nếu em thất bại thì chắc chắn phải rời khỏi dự án này”.
“Mình nhận lời và thật may mắn dự án đó đã thành công. Phần thưởng của mình là được tham dự một bữa tiệc tại Đà Nẵng do Microsoft tài trợ kinh phí. Sau lần đó, mình nhận ra rằng, đối với cơ hội chúng ta không chỉ “đón” mà còn phải “săn” nó cho dù có phải mạo hiểm và liều lĩnh một chút”.
Từng ấy trải nghiệm có lẽ đủ giúp cô nàng “hạt mít” tự tin hơn trong hành trình chinh phục ngôi trường quốc tế của mình. “Sau khi hoàn thành khóa học mình sẽ ở lại Mỹ rèn luyện một vài năm và quay trở về Việt Nam khởi nghiệp”, đó là lời hẹn của Mai Phương với đất nước trước khi cất cánh đến vùng đất mới.