Cô gái giúp người câm điếc hòa nhập với cộng đồng
Nhiệt tình, hăng say, Trần Đại Phước đã dẫn dắt nhiều người câm điếc hòa nhập với cộng đồng. Đam mê này đã đưa Phước trở thành Phó Chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ kí hiệu duy nhất tại Thành phố Đà Nẵng.
Năng nổ và đầy nhiệt huyết
Đó là những gì mà nhiều người cảm nhận về Trần Đại Phước – cô sinh viên khóa 12 lớp Công tác Xã hội, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.
Với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười rạng rỡ và giọng nói đầy truyền cảm, Phước luôn trở thành tâm điểm mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Phước từng chia sẻ rằng cô ấy muốn đem đến thật nhiều tiếng cười cho mọi người, nhất là với những người chưa có được nhiều may mắn trong cuộc sống.
Phước là một cô sinh viên rất năng động và hoạt bát.
Chính sự cảm thông sâu sắc đó đã đưa Phước đến với con đường tình nguyện, đến với những hoạt động xã hội để giúp đỡ cộng đồng. Phước được đánh giá là một trong những gương mặt đi đầu trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hoạt động tình nguyện của Khoa và Đoàn trường. Sở hữu giọng hát ngọt ngào, người con của Phố Hội – Quảng Nam đã thêm vào bảng thành tích của mình không ít các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ.
Không chỉ có thành tích học tập đáng nể, sôi nổi trong các hoạt động tập thể, Trần Đại Phước còn nhận được nhiều thiện cảm từ những người bạn xung quanh cũng như các thầy cô.
Bạn Lại Thị Mai Trâm - Chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ kí hiệu và cũng là sinh viên khóa 12 lớp Công tác xã hội,chia sẻ: “Phước là người hướng ngoại và rất có khiếu hài hước. Bạn ấy năng động này, đặc biệt rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường. Ngoài ra Phước còn hát hay và rất thích hát, khá là hoạt ngôn, tên bạn ấy thường bị nhầm là tên con trai nhưng lại rất là nữ tính (Cười). Về mặt học tập thì Phước thường xuyên được học bổng của trường, dạng nhất nhì lớp Trâm đó.” (Gật đầu)
Lắng nghe bằng… trái tim
Theo thống kê gần đây, hiện tại Thành phố Đà Nẵng có khoảng hơn 220 nghìn người điếc. Trong khi đó các hoạt động hỗ trợ cho họ hầu như rất ít, số người biết ngôn ngữ kí hiệu lại không nhiều. Từ đó, tạo nên một rào cản lớn giữa những người điếc và cộng đồng. Đó cũng là điều trăn trở lớn nhất của cô sinh viên trẻ Trần Đại Phước.
Bảo vệ quyền lợi của người điếc và giúp họ hòa nhập với cộng đồng là động lực khiến Phước bước chân vào CLB Ngôn ngữ kí hiệu vào năm thứ hai đại học. Khi ấy CLB này chỉ có khoảng 5 thành viên, tưởng chừng không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Phước (thứ 2 bên phải) còn gặt hái được khá nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.
Thế nhưng, chính niềm đam mê với ngôn ngữ kí hiệu và những động lực ban đầu, Phước cùng với những thành viên còn lại đã quyết định làm một cuộc cách mạng để vực dậy CLB. Từ đó đến nay, CLB đã thu hút được hàng chục thành viên và kết nối với nhiều CLB khác trong địa bàn thành phố, tiêu biểu là CLB Người điếc Đà Nẵng.
Khi được hỏi vì sao lại muốn giúp đỡ những người điếc, Phước đã có những chia sẻ hết sức chân thành : “Trong cuộc sống hằng ngày,mình nói ra một câu thì nó có rất là nhiều nghĩa, có thể nói bóng nói gió này nọ. Nhưng mà đối với người điếc thì bạn nói một là một, hai là hai, chỉ một nghĩa duy nhất mà thôi. Nên là Phước cảm thấy sống với họ rất là chân thật, mình nói mà không cần phải suy nghĩ hay lựa lời gì cả. Như vậy, Phước cảm thấy cuộc sống của mình nó yên bình và nó thật hơn, bản thân mình cảm thấy thật sự muốn hòa mình vào cộng động người điếc.”
Hiện tại CLB Ngôn ngữ kí hiệu do Phước làm Phó Chủ nhiệm đang tiến hành chiến dịch mang tên “Đôi bàn tay nói”.Đây là một trong những hoạt động của UN Women tại Việt Nam, được tổ chức bởi Trung Tâm Tình nguyện Quốc gia. Và Phước là một trong 30 thành viên trên toàn quốc được chọn để ra Hà Nội tham gia tập huấn về chiến dịch này. Mục tiêu của chiến dịch này là hướng đến việc kêu gọi ủng hộ phong trào bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là với người khuyết tật.
Các hoạt động về bình đẳng giới luôn nhận được sự tham gia tích cực của Phước.
Trong suốt chặng đường hoạt động tình nguyện của mình, cô sinh viên Trần Đại Phước đã giúp đỡ biết bao số phận kém may mắn vượt lên hoàn cảnh để hòa nhập vào cộng đồng. Cô gái trẻ đầy bao dung và nhiệt huyếtấy đã dùng trái tim để lắng nghe và thấu hiểu, đã dùng đôi tay để bẻ gãy những rào cản trong tâm thức của người điếc, bẻ gãy rào cản giữa người khuyết tật nói chung với cộng đồng.
Trần Đại Phước cũng đã gặt hái cho bản thân nhiều thành công đáng khâm phục, minh chứng là một bảng thành tích mà mọi sinh viên đều mơ ước.
+ 03/2013 : Đạt học bổng tiếng Anh do Trung tâm Equest Đà Nẵng tài trợ. + 04/2013 : Đạt giải nhì Cuộc thi “Tôi - sinh viên Tâm lý” do Khoa Tâm lý - Giáo dục , Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức. + 5/2013 : Vào vòng bán kết Cuộc thi “Nam giới và bình đẳng giới” do Dự án : “Hỗ trợ 3 mạng lưới các tổ chức Phi Chính phủ (Gencomnet: Mạng giới và Phát triển cộng đồng, Dovipnet: Mạng phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em, New: Mạng hành động vì Phụ nữ) trong hợp tác và thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ hiệu quả hơn tại Việt Nam” tổ chức. + 10/2013 : Đạt phần thưởng của Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng về mặt hoạt động tích cực trong công tác của Khoa và Trường. + 10/2013 : Huy chương bạc và Huy chương đồng Cuộc thi “Nghiệp vụ Sư phạm - Văn nghệ - Thể thao” toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. + 12/ 2013 : Giải Khuyến Khích Cuộc thi “Nhà Giáo tài năng” do Khoa Tâm lý- Giáo dục - Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng và Khoa Sư Phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức. + 02/2014 : Tham gia Đêm nhạc Acoustic Gây Quỹ Từ Thiện hỗ trợ người nghèo tại Thành phố Đà Nẵng. + 5/2014 : Top 10 Dự án xuất sắc nhất Cuộc thi “Chuyển động 50/50 tăng quyền năng phụ nữ” do British Council và Csip tổ chức. + 11/2014 : Giải nhất Cuộc thi Equest Idol do Trung tâm Anh ngữ Equest tổ chức. + 12/2014 : Tham gia Cuộc thi “Bài ca Sinh viên” toàn quốc do Tập đoàn Quân đội Viettel tổ chức. + 5/2015 : Giải nhất Cuộc thi Liên hoan tiếng hát Cách mạng “ Người là niềm tin tất thắng” của Quận Thanh Khê - Thành phố Đà Nẵng. + 7/2015 : Giải 3 Cuộc thi “Tuyên truyền ca khúc Cách mạng” do trường Cao Đẳng nghề số 5 tổ chức. + 9/2015 : Top 7 thí sinh trong hơn 200 sinh viên được chọn vào vòng loại Cuộc thi “Tuổi 20 hát” khu vực miền Trung do VTV6 tổ chức. |