Cô gái 9X yêu tình nguyện
Yêu thích và đam mê các hoạt động xã hội khi còn học phổ thông, Hoàng Thị Thảo (sinh năm 1992, quê Thanh Hóa) thường xuyên tham gia các chương trình tình nguyện hướng về vùng cao xứ Thanh.
Thảo là sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là Phó Đoàn tình nguyện Hàm Rồng.
Sinh ra tại một vùng quê, sớm thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân, chính vì thế, Hoàng Thị Thảo luôn đi đầu trong các phong trào giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Bạn chia sẻ, ngay từ hồi học cấp 3, từng tham gia các hoạt động tình nguyện, và các phong trào giúp đỡ người nghèo.
Lên Đại học, có nhiều cơ hội tiếp xúc các đoàn thể, các tổ chức tình nguyện, bạn đã tham gia rất nhiệt tình và năng nổ.
Không chỉ tham gia phong trào tình nguyện của tỉnh Thanh Hóa, Thảo còn có rất nhiều chuyến đi thực tế tới các tỉnh như Hà Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc.
Hoàng Thị Thảo luôn hướng về đồng bào vùng cao quê hương xứ Thanh
Thỉnh thoảng, bạn cùng nhóm tình nguyện của mình tổ chức thăm và phát thuốc cho các cụ già ở viện dưỡng lão, phát cháo cho các em nhỏ ở bệnh viện nhi…
Thảo cho biết, càng đi thì càng thấy mình may mắn. Thực tế cuộc sống vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ. Thương nhất là các cụ già và em nhỏ. Mùa đông không có áo ấm để mặc, ăn còn chẳng đủ no, nói gì tới việc được đi học.
Khi được hỏi về một vài kỉ niệm trong những chuyến đi ấy, Thảo xúc động, kể lại: “Nhiều lắm, mỗi chuyến đi là lại có biết bao kỉ niệm đọng lại trong lòng. Mình nhớ nhất là chuyến đi lên Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Trên đó còn thiếu thốn nhiều lắm. Mùa đông mà các em nhỏ ăn mặc phong phanh, không có dép đi. Chân tay thâm sì hết cả".
"Nhưng mà các em ngoan lắm. Mình lấy kẹo phát cho các em. Chúng nó chẳng giám ăn, cứ cầm trên tay. Mình hỏi sao không ăn thì một bé trả lời phải để dành đến tối mới ăn".
"Mình nghe đứa lớn nhất kể lại, một viên kẹo bé xíu như vậy mà chúng chỉ ăn có nửa cái thôi. Nửa cái còn lại là để dành cho anh hoặc em trong gia đình. Nghe bé nói mà mình thấy thương. Vì thế, cứ mỗi lần đi về địa phương nào đó, là trong ba lô, túi quần, túi áo của mình đều rủng rỉnh kẹo”.
Thảo chia sẻ, còn nhiều kỉ niệm lắm: “Mỗi lần lên phát quần áo, bánh kẹo, sách vở cho các em trên bản, khi về, các bé cứ chạy theo rồi vẫy tay gọi. Mình chẳng dám ngoảnh lại nhìn, sợ không kìm nổi lòng rồi lại không về được dưới xuôi mất".
Hoàng Thị Thảo cùng các em nhỏ
"Mỗi chuyến đi, mình đều mang theo máy ảnh để chụp chung với các em và người dân. Có nhiều tấm hình dễ thương lắm. Thỉnh thoảng mình vẫn lấy ra ngắm”.
Thảo nói thêm: “Mình quan niệm đi làm tình nguyện để giúp đỡ người nghèo, chứ không phải là một chuyến đi chơi hay đi làm để lấy thành tích”.
Tuy tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhưng Thảo vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình là học tập. Khi được hỏi về việc học ở trường, Thảo đáp: “Mình đang là sinh viên năm cuối, nên cũng có rất nhiều các bài tập, luận văn".
"Mình chịu khó thức khuya và ít dành thời gian cho việc vui chơi hơn để tập trung học. Kết quả học tập của mình vẫn rất ổn. Mình mong muốn sau này sẽ có việc làm ổn định, vì như vậy mình sẽ có nhiều cơ hội giúp đỡ người khác hơn”.
Với sự nhiệt tình và năng nổ trong các phong trào tình nguyện, Thảo đã nhận được rất nhiều bằng khen: Bằng khen của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa; Giấy khen của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thanh Hóa; Giấy khen của thành đoàn Hà Nội; Giấy khen của UBND các huyện nơi thực hiện Mùa hè xanh; Giấy khen huyện đoàn Quan Sơn
Cuộc sống vốn còn nhiều những khó khăn. Vì thế xã hội cần nhiều hơn những tấm lòng. Cái tên Hoàng Thị Thảo đã trở nên quen thuộc với những bạn sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội. Hy vọng Thảo sẽ còn nhiều hơn những chuyến đi để giúp đỡ các em nghèo của vùng cao khốn khó.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Tình nguyện hết mình vì trẻ em miền núi
Tình nguyện trên cao nguyên đá