Cô gái 27 tuổi sẵn sàng bỏ lương 1,4 tỷ về Việt Nam khởi nghiệp
Cô gái xinh đẹp từng “gây bão” chương trình “Thương vụ bạc tỷ”.
Cô gái gây bão "Thương vụ bạc tỷ" vì nhan sắc xinh đẹp và sự thông minh
Vỏn vẹn 15 phút chia sẻ trên truyền hình đã kêu gọi được 3,5 tỷ tiền vốn cho công ty mới thành lập, Cathy Thảo Trần (tên thật là Trần Phan Thanh Thảo, sinh năm 1991) gây bão chương trình “Thương vụ bạc tỷ” thời điểm đầu tháng 10/2018.
Trước khi về Việt Nam khởi nghiệp, Thảo có trong tay nhiều thứ mà bất cứ cô gái nào đều ao ước. Một nhan sắc xinh đẹp, rạng rỡ khiến Shark Phú phải thốt lên: “Nhìn em là anh muốn đầu tư rồi”, một bảng thành tích khủng trong học tập, một công việc ổn định tại Mỹ với mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Cô nàng khiến Shark Phú thốt lên: "Nhìn em là anh muốn đầu tư rồi"
Vậy mà cô sẵn sàng bỏ trời Tây về Việt Nam khởi nghiệp. 27 tuổi, Thảo sở hữu một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê mang tên Ohana - một dự án mà hiện tại bị các Shark Việt nhận xét là ngây ngô và non nớt.
Nhưng cô vẫn khẳng định, đó là một quyết định đúng đến không thể đúng hơn. Điều gì khiến một cô gái 27 tuổi dám bước ra khỏi vùng an toàn gây dựng sự nghiệp cho riêng mình? Cùng trò chuyện với Cathy Thảo Trần để hiểu hơn về con đường đi của cô.
"Không bao giờ làm việc một mình"
Được biết trước khi về Việt Nam, Thảo đã có nhiều năm “vùng vẫy” tại Mỹ với mức thu nhập cao. Thảo có thể chia sẻ về quãng thời gian này?
Mới ra trường mình đầu quân vào một trong những công ty quảng cáo lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô - công ty làm quảng cáo cho các dòng xe của Mỹ như Lincoln, Chevrolet… Mà cái mình làm thật ra lại không liên quan đến quảng cáo là mấy. Mình được phân công viết phần mềm xử lý dữ liệu liên quan đến quản lý và phân tích hiệu năng của nhân viên trong công ty.
Mức lương lúc này chỉ có 60.000 đô/năm thôi à.
Cathy Thảo Trần từng có công việc ổn định với mức lương như mơ tại Mỹ
Sau đó, mình cùng vài người bạn lập ra một công ty ở Mỹ. Một hợp đồng kha khá mà tụi mình từng “săn” được có giá trị lên tới 500.000 đô. Ngoài ra, mình còn có cổ phần trong một công ty khởi nghiệp ở Mỹ tên là Wingstats, là ứng dụng nguồn nhân lực cho ngành hàng không ở Mỹ.
Tương lai ở Mỹ tươi sáng như thế tại sao Thảo lại từ bỏ để về Việt Nam làm lại từ đầu?
Xét về phương diện cá nhân, mình vẫn thích Việt Nam hơn vì là nơi mình sinh ra mà…
Xét về phương diện chiến lược, hiện tại ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc (GDP là 6.8% cao hơn cả Trung Quốc) nên về mặt lý thuyết, ở đây có nhiều cơ hội để phát triển hơn là ở Mỹ - một đất nước đã phát triển rồi.
Ý tưởng nào khiến Thảo bắt tay vào lĩnh vực “nhà thuê, nhà trọ” để có Ohana của bây giờ?
Mình sống “vô gia cư” suốt 10 năm nên nhà thuê là thứ khiến mình ám ảnh. Hồi mới về Việt Nam, mình phải đi thuê nhà riêng vì tự lập 10 năm rồi, giờ lại về nhà ba mẹ thì nhục lắm.
Quyết định về Việt Nam khởi nghiệp vì muốn làm điều có ích cho cộng đồng
Có một đợt, mình được một chủ nhà nào đó hẹn 9 rưỡi tối đến xem một căn nhà trong hẻm trên đường Nguyễn Trãi. Khi tới nơi gọi điện thì lại có một giọng khác bắt máy, kêu mình đi sâu thêm nữa vào con hẻm vì địa chỉ trên web không phải là địa chỉ thật.
Con hẻm tối om, nhà cửa, hàng quán thì đóng cửa im lìm. Mình ớn lạnh nên khóa điện thoại rồi bỏ chạy. Lúc ấy mình mới thấm, nếu chuyện đi tìm nhà thuê khó với một đứa bản lĩnh như mình thì với các sinh viên lần đầu ra thành phố sẽ thế nào?
Luôn tâm niệm phải làm cái gì đó có ích cho cộng đồng, mình thấy đây là cơ hội tốt và thế là phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Ohana ra đời.
Đối với Thảo, đâu là khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào làm Ohana?
Mình thường không gọi các vấn đề gặp phải là “khó khăn”. Nghe nó bế tắc quá, trong khi với mình thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết khi chúng ta ngồi xuống.
Vấn đề đầu tiên mình gặp phải là định kiến của những người xung quanh. Thường thì bắt đầu làm một cái gì đó mới hay bị phản đối bởi những người thân cận. Thử thách ở đây là làm sao nhìn sự phản đối này bằng con mắt trực diện nhất. Tức là phải hiểu được cặn kẽ điều gì khác lạ ở ý tưởng của mình khiến người khác phản đối, thay vì cảm thấy buồn và uất ức. Từ đó, mình tìm cách chỉnh sửa, thay đổi để cho ra sản phẩm hợp lý hơn.
"Luôn kiên trì với mục tiêu của bản thân"
Nguyên tắc và bí quyết khởi nghiệp của Thảo là gì?
Nguyên tắc đầu tiên của mình là không bao giờ làm một mình.
Mỗi lần gặp vấn đề, mình ngồi xuống với các bạn trong nhóm để tranh luận và đưa ra hướng giải quyết, dù đó là vấn đề cá nhân hay của cả nhóm. Cách này giúp mình vượt qua rất nhiều thử thách.
Nguyên tắc thứ hai là luôn giữ vững mục tiêu, không để cho mình bị lung lay bởi bất cứ thứ gì khác. Có thời gian mình được mời làm việc cho một công ty với mức lương $4000 (chưa tính thu nhập thêm) ở Việt Nam nhưng đã từ chối vì biết tiêu điểm của mình nằm ở đâu.
Để giữ được mục tiêu thì phải hiểu rõ, bạn sống, bạn thở vì cái gì, hay theo cách mình hay nói là cái “WHY” ở mọi thời điểm, phải đủ lớn.
Ví dụ cái WHY của mình cách đây 2 năm, khi ứng dụng còn xập xệ nhóm chỉ có 3 người, 0 nhà đầu tư, 0 đồng vốn và mình phải ngủ dưới gầm bàn, là sự nhận thức ứng dụng của mình dù chưa ổn định nhưng đang phục vụ 2000 người ngoài kia và giúp cho cuộc sống của họ tốt lên phần nào. 2000 là gần bằng một cái sân vận động rồi, nhiều lắm đó!
Sau khi gọi được ít vốn và nhóm tăng lên 7 người thì cái WHY của mình chuyển sang 7 người này. Họ là những người rất giỏi trong lĩnh vực mà họ đang làm và dễ dàng có thể kiếm được nhiều tiền hơn số tiền mình có thể trả họ. Mỗi ngày làm việc, mình luôn cảm thấy tự hào và vinh dự vì được làm việc với họ.
Như bạn thấy đó, mỗi thời điểm, mình đều có cái WHY của mình để mà bám vào nên cho dù là bao nhiêu cánh cửa đóng lại hay mở ra, mình đều biết nên đi con đường nào.
Hạnh phúc nhất khi khởi nghiệp là được gặp nhiều người giỏi
"Người trẻ nên khởi nghiệp nhưng không phải để thể hiện bản thân"
Là một cô gái có trong tay nhiều thứ nhưng lại sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, đến với công việc nhiều rủi ro, thách thức. Điều gì khiến Thảo làm vậy?
Có là con gái hay không không liên quan đến khái niệm về “vùng an toàn”. Thế giới hiện đại có rất nhiều phụ nữ đứng lên làm điều tốt cho xã hội và người ta đều xem điều đó hết sức bình thường.
Khi mới khởi nghiệp, mọi người hay phản đối vì mình là nữ mà không lo lập gia đình, lại đi lo “chuyện bao đồng”. Bản thân mình nhìn sự phản đối này như là sự “dị ứng” với mọi cái mới của những người có tư tưởng hơi truyền thống một tí. Nhưng cái họ quên là, thế giới ngoài kia đang phát triển rất nhanh, phụ nữ đi lập nghiệp một mình không còn có nghĩa là “không hay” hay là “không ổn định” nữa. Một lúc nào đó ở Việt Nam, các bạn nữ khởi nghiệp không còn hiện tượng bất thường nữa mà là dấu hiệu bình thường của một xã hội chuyển mình.
Con gái khởi nghiệp là dấu hiệu bình thường cho một xã hội đang chuyển mình
Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn khởi nghiệp. Phải chăng, ngoài mục tiêu kiếm tiền, đóng góp cho cộng đồng đó còn là cách thể hiện bản thân?
Mình thấy người trẻ nên khởi nghiệp nhưng không phải để thể hiện bản thân.
Nhìn chung thì khởi nghiệp là một hiện tượng, một giai đoạn khá quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Dĩ nhiên mình biết, trên 90% startups thất bại nhưng số ít ỏi thành công thường là thành công lớn và thực sự có ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày nên càng có nhiều người tham gia thì càng tốt.
Riêng mình thấy, khởi nghiệp là nơi có thể gặp gỡ những con người tuyệt vời và học hỏi từ họ, đồng thời là nơi mình có thể thử thách và nâng tầm giới hạn của bản thân. Xem mình chịu được bao nhiêu, khác người được bao nhiêu, đi được bao xa.
Một dự án khởi nghiệp, nếu đúng, mỗi cá nhân phải tự đặt kỳ vọng cho bản thân là làm sao để tăng trưởng 1% mỗi ngày. Chỉ cần 1% đều đều mỗi ngày thôi thì tích hợp lại đã là tốt hơn gấp 40 lần trong vòng 1 năm rồi!
Làm chủ chính mình, chính công việc của mình là một cảm giác thế nào?
Là cảm giác mình phải TỰ chịu trách nhiệm cho cái mình làm khi thất bại, mà không đổ thừa được cho ai hết, cho gia đình, cho cấp trên, hay là cho xã hội.
"Giữ lời hứa là quan trọng nhất, sau đó là chạy bộ"
Thay vì dùng mạng xã hội nhiều, người trẻ nên tập trung vào các mối quan hệ thực
Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến suy nghĩ của Thảo?
Nói đến người có ảnh hướng đúng nghĩa, thì có 2 người quan trọng. Một là thầy Nguyễn Thời Sáng (thầy giáo dạy cấp 2 của mình). Thời đó mình học rất dở môn Hình học và từng nghĩ chắc không bao giờ ngoi đầu lên nổi cấp 3.
Thầy đã kiên nhẫn với mình và cũng là người chứng tỏ cho mình thấy, không điều gì là không thể nếu bản thân đặt trọn niềm tin vào sứ mệnh mình đang làm. Kết quả là mình đỗ cấp 3 với 10 điểm môn Toán.
Người thứ 2 ảnh hưởng đến mình là mẹ. Mẹ dạy mình tính kỉ luật, chịu khó, với chân lý là cuộc đời không nợ mình cái gì cả, muốn tạo ra thành quả trong bất cứ việc gì thì phải xắn tay áo mà làm.
Từ nhỏ mẹ mình phải làm qua rất nhiều nghề, từ dạy học, bán rau quả, tạp hoá, thậm chí là giặt đồ thuê cho người ta. Tuy cuộc sống khó khăn, mẹ mình vẫn cố nuôi 2 chị em ăn học. Một điều rất kỳ diệu là mẹ mình không bao giờ từ chối khi mình đòi mua sách. Mẹ nói: “Với sách thì mẹ không bao giờ tiếc tiền!”. Nhờ vậy mà mình lớn lên với niềm yêu thích đọc sách cộng với thói quen tìm tòi mà mình nghĩ, đã giúp mình rất nhiều trong thời gian thành lập công ty.
Mạng xã hội mỗi ngày đều có nhiều bài viết khuyên người trẻ nên thế này thế kia để thành công. Ví dụ như nên dậy sớm, nên tiết kiệm, nên đọc sách… Riêng Thảo, bạn có lời khuyên gì và thói quen nào là quan trọng nhất đối với bạn?
Mình muốn khuyên các bạn bớt dùng mạng xã hội lại, thay vào đó dành thời gian xây dựng mối quan hệ ở bên ngoài, đặc biệt là tranh thủ tìm cho mình một người dẫn dắt thật tốt trong lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi.
Giữ lời hứa là thói quen quan trọng nhất. Sau đó là chạy bộ.
Rất tò mò là ngoài công việc, Thảo là một cô gái thế nào?
Như tuần gần đây mình chỉ đi thẳng từ công ty về nhà, sau đó là chạy bộ và đọc thêm sách vì còn nhiều cái mình chưa biết quá. Ngoài ra, Thảo có tìm hiểu về công nghệ sinh học, tìm cách làm nâng hiệu suất cho não chịu được nhiều stress hơn, xử lý nhiều vấn đề nhanh hơn (Vẫn là công việc!!!).
Chân thành cảm ơn những chia sẻ của Thảo!
Nhà hàng ẩm thực tại Hà Nội khẳng định chia sẻ mức lương thật của một nhân viên chan bún.