Cô bé gọi vốn thành công 800 triệu đồng ở tuổi 11 giờ ra sao?
“Bống chè bưởi” đã bước sang tuổi 16, trở thành thiếu nữ xinh xắn, năng động, đặc biệt đam mê các hoạt động thiện nguyện.
Bảo Ngọc - cô bé nổi tiếng với danh xưng "Bống chè bưởi"
“Bống chè bưởi” (tên thật là Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, sinh năm 2007) nổi đình đám từ năm 2018 khi tham gia chương trình “Thương vụ bạc tỷ” (Shark Tank) và thành công gọi vốn 800 triệu đồng cho dự án “chè bưởi Bống nấu” của mình. Không chỉ gây ấn tượng bởi tư duy kinh doanh khi còn rất nhỏ, khả năng thuyết trình, thương thảo của cô bé 11 tuổi cũng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Có được số tiền khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ, Bảo Ngọc mở rộng mô hình kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm cả về công thức lẫn hình thức, mở các khóa học dạy nấu chè… “Bống chè bưởi” xuất hiện trong nhiều chương trình chia sẻ kỹ năng sống, tham gia những chương trình khởi nghiệp của VTV… Cũng năm 11 tuổi, cô bé được mời làm Đại sứ thương hiệu cho một hệ thống trung tâm Anh ngữ.
Bảo Ngọc thành công gọi vốn 800 triệu đồng từ năm 11 tuổi
Giờ đây, có bé 11 tuổi năm nào đã bước sang tuổi 16, trở thành thiếu nữ xinh xắn, năng động. Bảo Ngọc không chỉ nỗ lực hết mình trong học tập, kinh doanh để thực hiện ước mơ của bản thân, mà còn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện. Từ năm 2022, cô bé bắt đầu phụ trách dự án “Nuôi em Tuyên Quang”, góp phần giúp những em nhỏ vùng cao có bữa ăn trưa chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng.
Trò chuyện với chúng tôi, Bảo Ngọc say mê kể về sự án này cùng những trải nghiệm đáng quý cô bé có được khi phụ trách dự án.
Dự án "chè bưởi Bống nấu" được Bảo Ngọc mở rộng
Việc học của Bảo Ngọc trong những năm qua thế nào?
Hiện mình là học sinh lớp 11 của một trường cấp ba ở Hà Nội. Mình luôn nghĩ, học là để bản thân có kiến thức, kỹ năng để sau này có cuộc sống tốt hơn. Bởi vậy, bận rộn đến đâu mình cũng ưu tiên việc học, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Mình học tốt môn Toán, thường hỗ trợ các bạn ở lớp ôn tập môn này trước các kỳ thi. Mình là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn Văn, ngoài ra cũng rất yêu thích môn Tiếng Anh. Năm nào mình cũng nằm trong top học tốt của lớp, khối và được vinh danh học sinh xuất sắc của trường. Bên cạnh đó, mình cũng nhiệt tình tham gia công tác ngoại khóa, công tác Đoàn tại trường nên vừa được nhận Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội.
Còn công việc kinh doanh thì sao, Bảo Ngọc đã mở rộng dự án “Chè bưởi Bống nấu” thế nào sau khi nhận được khoản vốn đầu tư đáng ngưỡng mộ?
Mình thích kinh doanh từ nhỏ. Trước đây mình bán sách và đồ chơi trẻ em nhưng giờ không có nhiều thời gian nên chỉ duy trì dự án “Chè bưởi Bống nấu” - là dự án mình đã làm từ khi còn là học sinh lớp 2.
Hiện tại, mình nấu và bán chè tại Hà Nội, khách hàng của mình rất thích hương vị thanh mát của món chè bưởi. Tháng 12/2013, mình mở tiệm chè ở thành phố Tân Uyên - tỉnh Bình Dương và được khách hàng ủng hộ nhiệt tình. Mình mong muốn hợp tác với các bạn trẻ yêu thích ngành dịch vụ ăn uống để có thể phục vụ được nhiều khách hàng hơn.
Bảo Ngọc gắn bó với dự án "Nuôi em Tuyên Quang" từ năm 2022
Bảo Ngọc đã và đang rất tâm huyết với dự án “Nuôi em Tuyên Quang”. Nhìn vào những việc bạn làm có thể thấy rõ điều đó. Bạn đến với dự án này thế nào và điều gì khiến bạn gắn bó với nó lâu như vậy?
Từ khi biết làm ra những đồng tiền đầu tiên, mình đã được mẹ hướng dẫn chi tiêu theo cách chia tiền vào 6 ví, và số tiền của ví “Cho Đi” đã giúp mình làm những việc từ thiện nhỏ bé, từ việc giúp đỡ các bạn khó khăn ở trường, ủng hộ các chương trình từ thiện, đến việc trở thành “chị nuôi” của dự án “Nuôi Em” – một dự án hỗ trợ học sinh nghèo có bữa ăn trưa tại trường do anh Hoàng Hoa Trung sáng lập.
Tháng 1/2022, sau 4 năm là thành viên đồng hành cùng dự án này, mình thấy ở quê hương Tuyên Quang có những em bé học mầm non tại các thôn bản vùng sâu vùng xa là người dân tộc thiểu số, em nào đi học cũng phải mang cặp lồng cơm nguội với vài cọng rau đến trường để ăn trưa. Các em cần có sự chung tay giúp đỡ của mọi người để có bữa ăn chất lượng hơn.
Khi đề xuất và được anh Trung đồng ý cho lập dự án “Nuôi em Tuyên Quang”, mình đã liên hệ với các anh chị ở Tỉnh đoàn Tuyên Quang để đi khảo sát những trường hợp cần hỗ trợ, lập Fanpage và chia sẻ thông tin, kêu gọi mọi người tham gia dự án. Chỉ với số tiền 150 ngàn đồng ủng hộ từ các anh chị nuôi là các em có một tháng ăn trưa là cơm nóng với trứng, thịt tại trường.
Công việc chính của Bảo Ngọc ở dự án này là gì? Với hoạt động thiện nguyện này, Ngọc có những trải nghiệm thế nào?
Là người phụ trách dự án, mình phải cung cấp thông tin cho các thành viên, cập nhật tiền góp quỹ của các anh chị tham gia dự án, gửi tiền đến các trường qua tài khoản tại kho bạc của các trường, liên hệ với các cô giáo trên bản để có những tấm ảnh, câu chuyện của các bé chia sẻ với các anh chị nuôi, viết bài đăng Fanpage…
Việc quản lý quỹ cần nghiêm túc, tài khoản quỹ “Nuôi em Tuyên Quang” chỉ dùng cho mục đích của dự án, có sự giám sát của đại diện Tỉnh đoàn, luôn đảm bảo sự minh bạch trong suốt quá trình hoạt động.
Ngoài việc duy trì bữa ăn cho các em, mỗi năm mình tổ chức 2-3 chuyến đi vùng cao để các anh chị nuôi trực tiếp lên gặp mặt các em bé. Mỗi chuyến đi đều để lại cho các thành viên những kỷ niệm đẹp về việc tử tế nhỏ bé mà mọi người cùng chung tay.
Dự án đã cho mình những trải nghiệm, cảm xúc đặc biệt, nhất là khi nhận được thư cảm ơn của cô giáo hiệu trưởng trường mầm non. Cô nói rằng, học sinh của cô đều là người dân tộc thiểu số, nhờ có dự án này mà các bé đi học chuyên cần hơn. Các bé tăng cân, tăng chiều cao, bé nào cũng hồng hào, mạnh khỏe, các bé tập nói và nói sõi tiếng Kinh, tự tin bước vào lớp 1… Đó là thành quả vô cùng tuyệt vời khiến mình cùng các “anh chị nuôi” hạnh phúc.
Bảo Ngọc có những trải nghiệm tuyệt vời với dự án này
Vừa học, kinh doanh, vừa phụ trách dự án “Nuôi em”, Bảo Ngọc phân bổ thời gian ra sao để hoàn thành tốt các vai trò?
Mình thấy bản thân cũng khá bận rộn khi làm nhiều việc cùng lúc. Mình thường lập kế hoạch theo tuần, theo tháng, ưu tiên việc cấp bách. Cũng có những buổi, mình phải thức khuya thêm 1-2 tiếng để kịp tiến độ. Thế nhưng, mình không thấy quá áp lực về thời gian. Mình vẫn có thể làm việc nhà và vẫn có 2-3 buổi tập thể thao, gặp gỡ bạn bè mỗi tuần.
Gia đình ủng hộ Bảo Ngọc thế nào trong những công việc thiện nguyện?
Từ nhỏ, bố mẹ đã hướng dẫn mình cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc nên mình khá tự lập. Thấy mình vẫn đảm bảo việc học, bố mẹ hoàn toàn ủng hộ mình kinh doanh, làm thiện nguyện.
Ngoài ra, bố mẹ còn góp ý, hỗ trợ mình trong nhiều việc nên các dự án tập tành kinh doanh khá thuận lợi. Bố mẹ mình thích các chương trình từ thiện, thi thoảng cùng mình đến tận nơi gặp gỡ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Điều khiến mình tự hào nhất là bố mẹ ủng hộ mình kể từ những ngày đầu tiên mình tham gia dự án “Nuôi em Tuyên Quang”…
Trưởng thành sớm hơn bạn bè đồng trang lứa, Bảo Ngọc có gặp khó khăn gì không?
Mình sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, được bố mẹ tạo điều kiện học tập, phát triển bản thân nên mình luôn thấy bản thân rất may mắn. Ngoài việc học, mình còn được làm một vài việc khác, từ đó hiểu thêm về giá trị của sức lao động. Mình biết quản lý thời gian, biết thêm nhiều kỹ năng như: đàm phán, thuyết phục…Từ việc trải nghiệm những dự kinh doanh nhỏ, mình biết quản lý tài chính, biết sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả nhất, biết cho đi và biết kêu gọi mọi người cùng làm những việc thiện nguyện ý nghĩa.
Mình nghĩ rằng, bản thân cũng như nhiều bạn GenZ, sẽ luôn phấn đấu để làm được nhiều việc có ích cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Trong tương lai, Bảo Ngọc muốn phát triển nhiều hơn các hoạt động thiện nguyện
Bảo Ngọc dự định thi vào ngành nào, trường nào và theo đuổi lĩnh vực nào trong tương lai?
Với sở trường của mình, mình hướng tới khối ngành kinh tế - xã hội, còn việc chọn trường thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Mình tin, mình sẽ tìm được môi trường học phù hợp để có thêm kiến thức, kỹ năng cho công việc sau này.
Mỗi tháng mỗi năm qua đi, có thêm rất nhiều người tốt, việc tốt xuất hiện, đó cũng là động lực để mình học tập, rèn luyện bản thân. Mình sẽ làm việc, học tập chăm chỉ để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Chảo Yến là người đầu tiên trong làng xuống xuôi học đại học. Hành trình theo đuổi con chữ và thành tích của cô đã thay đổi định kiến của bản nghèo về chuyện học hành.