Chuyện tình thầy giáo mù lấy "học trò" làm vợ
Bao năm qua, hình ảnh người phụ nữ không quản mưa gió, sáng đưa chồng đến, tối đón về là hình ảnh quen thuộc với mọi người, ngay cả thời gian chị bụng mang dạ chửa.
Thạc sĩ mù
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Xuân Hạnh (SN 1975, quê Hà Tĩnh) vào một buổi chiều mùa hè khi anh kết thúc buổi dạy. Thoạt nhìn không ai nghĩ anh là người khiếm thị khi đôi mắt ấy biết cười, khuôn mặt rạng ngời kèm theo giọng nói hào sảng toát lên sự tự tin hơn người.
Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, do ảnh hưởng của di chứng chiến tranh từ người cha, anh Hạnh bị mù bẩm sinh. Từ nhỏ, Xuân Hạnh đã ham học hỏi, tham gia các hoạt động cùng bạn bè trang lứa.
Khổ luyện, anh Hạnh nhận 2 tấm bằng đại học (ảnh nhân vật cung cấp)
Với tinh thần ham học, chịu khó, anh học lớp chính quy như học sinh bình thường, không học chữ nổi. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký vào nhiều trường đại học nhưng không được chấp nhận. Anh phải tự học ở nhà 3 năm qua chương trình giáo dục từ xa trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Năm 1997, chàng trai Hà Tĩnh ham học, không có đôi mắt sáng lặn lội từ Hà Tĩnh ra Hà Nội mang theo ý chí, quyết tâm để được đặt chân vào giảng đường đại học. Hoàn cảnh gia đình khốn khó, anh vừa ôn luyện, vừa đi làm thêm kiếm tiền học phí.
Vào buổi tối, anh đến ôn luyện tại KTX Mễ Trì thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn. Trời không phụ lòng người, năm 2000 anh thi đỗ Khoa triết, ngành Quản lý xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội với số điểm 21,5.
Con đường học tập của người bình thường khó khăn vất vả bao nhiêu thì con đường nâng cao trình độ của người khiếm thị còn vất vả nhiều hơn thế. Vừa học tại trường, tối đến anh vẫn tiếp tục ôn luyện theo chương trình giáo dục từ xa.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học anh được đặt cách vào Khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Mở. Không có được đôi mắt lành lặn nhưng chàng trai này đã thực hiện được ước mơ của mình khi cầm trên tay hai tấm bằng đại học.
Không ngừng nâng cao trình độ, anh còn theo học chuyên ngành Quản lý Hành chính công của học viện Hành chính Quốc gia. Hiện, anh đang làm thầy giáo tại Trung tâm Đào tạo cán bộ và phục hồi chức năng của người mù. Ngoài giờ dạy,tranh thủ thời gian rảnh, anh đi làm tẩm quất kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Tại trung tâm, anh trực tiếp tham gia giảng dạy nhiều bộ môn, trưởng nhóm bộ môn tin học của người khiếm thị. Anh là một trong những giáo viên có trình độ thạc sỹ trong số gần 2 triệu người khiếm thị Việt Nam.
Dạy trò và yêu trò
Chị Kim Anh và anh Xuân Hạnh (ảnh nhân vật cung cấp)
Mải mê học hành, anh dường như không có thời gian để tìm hiểu yêu đương bất kỳ cô gái nào. Đến khi anh nghiêm túc suy tính đến chuyện lập gia đình thì không có đối tượng. Nhiều người quý, yêu mến anh nhưng để họ gắn bó với anh là chuyện không thể. Không phải cô gái nào cũng dũng cảm để đi đến cuối cùng với chàng trai nghị lực, nhìn đời trong bóng tối.
Vẻn vẹn một chữ duyên, anh gặp chị trong đợt tập huấn cán bộ hội người mù các tỉnh. Vợ anh, chị Bùi Thị Kim Anh, sinh năm 1977, nguyên là cán bộ Hội người mù tỉnh Quảng Ngãi ra Hà Nội tập huấn. Lúc đó, anh Hạnh là thầy giáo đứng lớp. Là người lành lặn, nói đến người khiếm thị với chị là sự tò mò, chị không tưởng tượng được cách họ đi đứng, sinh hoạt như thế nào.
Anh Hạnh có khuôn mặt hiền lành, am hiểu kiến thức, phong thái đứng giảng trên lớp thể hiện sự tự tin. Thấy anh đi lại vất vả, những ngày đầu chị Kim Anh tình nguyện làm “xe ôm” đưa anh đi về. Biết sự thương cảm của chị nhưng anh vẫn khước từ vì không nỡ để thân gái mỏng manh đèo bòng mình.
Nhưng rồi, sau bao lần từ chối, anh đồng ý cho chị Kim Anh chở mình về. Quãng đường về nhà, anh chia sẻ với chị về gia đình, dự định tương lai. Những câu chuyện không đầu không cuối, câu nói vui phiếm của tuổi trẻ đã gắn họ với nhau.
Anh Hạnh vui vẻ cho hay: “Chúng tôi yêu nhau nhưa những cặp đôi bình thường, khác, lạ nhất là đi đâu tôi bạn gái cũng chở. Khi chúng tôi đi ăn cơm ngoài, cô ấy ngồi cạnh và gắp thức ăn cho tôi. Nhiều người không biết tôi khiếm thị, thấy vậy họ bảo tôi sướng”.