Chuyện tình đáng ngưỡng mộ của cặp đôi U90
Kết hôn ở tuổi 80 nhưng ông vẫn muốn cho bà một danh phận nên cả hai đưa nhau ra phường đăng ký kết hôn trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Có một điều chắc chắn rằng, nếu như trước nay bạn vẫn loay hoay trong mớ lo lắng hỗn độn rằng mình còn độc thân, đang tiệm cận với cái “ế” thì sau khi đọc câu chuyện cảm động này bạn sẽ được thở phào nhẹ nhõm.
Đưa nhau ra phường đăng ký kết hôn ở cái tuổi “gần đất xa trời”, sau hơn 10 năm chung sống, cụ Nguyễn Văn Tước (90 tuổi, Hưng Yên) và bà Phạm Thị Huệ (65 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) đã chứng minh được rằng, tình yêu không bao giờ là muộn khi gặp được đúng người, đúng thời điểm.
“Tôi bảo không cần nhưng ông ấy vẫn muốn cho tôi một danh phận”
Tận mắt chứng kiến bà Huệ cài khuy cáo, bón cơm cho chồng trên giường bệnh mới thấm thía cái câu “vợ chồng muối mặn gừng cay”. Lấy nhau được hơn 10 năm thì có đến nửa thời gian bà phải chăm sóc, lo lắng cho chồng theo kiểu “cơm bưng nước rót” vì ông già yếu, thế nhưng, bà vẫn vui vẻ bởi trong tâm có cái tình sâu đậm.
Ông Nguyễn Văn Tước là quân nhân thuộc sư đoàn 308, Trung đoàn Thủ đô. Dù đã 90 tuổi nhưng ông vẫn có phong thái đĩnh đạc và giọng nói hào sảng. Ông bảo, được như vậy là bởi ông tham gia kháng chiến từ năm 10 tuổi, chính sương gió và bom đạn đã hun đúc lên khí chất này.
Tình cảm ông Tước và bà Huệ giành cho nhau khiến nhiều người ngưỡng mộ
Hòa bình trở về, ông Tước lấy vợ và sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Khi ông tròn 75 tuổi cụ bà qua đời vì bệnh ung thư phổi. Việc không thể hưởng trọn tuổi già cùng vợ khiến ông vô cùng cô đơn và phiền não. Tuy vậy, ông chưa từng nghĩ đến chuyện tìm một người bầu bạn trong những ngày “xế bóng” cho đến khi gặp được bà Huệ vào 4 năm sau đó.
Bà Huệ là hiệu phó của một trường mầm non ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). Tuổi trẻ, mải mê phấn đấu cho sự nghiệp, lại thêm duyên đến nhưng chưa “chín” nên bà cứ “lần nữa” mãi mặc cho gia đình, họ hàng giục giã. Đến khi 40 tuổi mà vẫn chưa tìm thấy “tấm chân tình” đúng nghĩa, bà đã bỏ hẳn ý định lấy chồng.
Không có gia đình nhỏ, bà Huệ dành mọi tâm huyết cho nghề và coi đó là niềm vui sống. Bà chia sẻ: “Tôi vốn nghĩ, sau này về hưu sẽ đem hết số tiền dành dụm được, “cất” một căn nhà nhỏ rồi ở đó an hưởng tuổi già. Chắc cũng buồn và trống vắng lắm nhưng riết dần thành quen, dù sao tôi cũng đã một mình suốt hơn 50 năm rồi”.
Thế nhưng, trời khéo se duyên, hai người già cô đơn ấy lại được bầu bạn lúc “xế chiều”. Bạn của ông Tước cũng là chú họ của bà Huệ là “ông Tơ” giới thiệu hai người với nhau.
Chuyện thật mà ngỡ như đùa, ban đầu bà Huệ chỉ coi đó là lời tếu táo của ông chú. Nhưng cho đến khi, thấy một người mặc áo quân nhân đến nhà xin trò chuyện, bà Huệ mới “ngã ngửa”, hóa ra là thật.
“Tôi từ chối bao nhiêu người nhưng không hiểu sao tôi lại bằng lòng ngồi tiếp chuyện ông ấy. Ông thẳng thắn chia sẻ với tôi về hoàn cảnh hiện tại rằng, vợ vừa mất được 4 năm, hiện có 5 người con đều đã lập gia đình… Sự chân thành của ông ấy khiến tôi tin tưởng vô điều kiện, duy chỉ có tuổi tác là tôi nghĩ ông nói dối vì sao 80 tuổi mà vẫn trẻ và phong độ quá”, bà Huệ cười.
Chính sự chân thành và đức độ của ông Tước đã làm bà “siêu lòng”. Sau 4 tháng tìm hiểu, họ quyết định “về chung một nhà”. Thời gian đầu khi mới biết bố có ý định tái hôn, con cái ông Tước cũng có đôi lời ngăn cản. Nhưng ông vẫn quyết đến với người phụ nữ mà ông cho là phù hợp.
“Tôi chỉ nói với các con một câu: “Các con ai cũng có gia đình riêng, không thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho bố. Tuổi già, bố muốn có một người bầu bạn, chia sẻ”. Thế là, mấy đứa gật đầu đồng ý. Trước đây, tôi vốn cũng không có ý định đi thêm bước nữa vì già rồi nhưng nếu trời đã cho gặp người phù hợp thì sao lại không về làm bạn?”, Ông Tước nói.
Đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà Huệ không còn quan trọng chuyện giấy tờ, thủ tục . Nhưng vì muốn cho vợ một danh phận , ông Tước vẫn quyết định dẫn bà ra phường đăng ký kết hôn. Hôn lễ của cặp vợ chồng già được tổ chức ấm cúng tại quê ngoại với sự góp mặt của đông đủ họ hàng và bạn bè thân thiết hai bên.
“Xây xong cho bà ấy ngôi nhà tử tế, tôi mới yên tâm nhắm mắt”
Quá nửa đời người mới lấy chồng, bà Huệ “may mắn” không phải làm dâu nhưng lại phải đối diện với mối quan hệ “mẹ ghẻ - con chồng”. Tuy nhiên, bằng sự khéo léo và thấu hiểu, bà đã “biến” mọi rắc rối từ lớn hóa nhỏ, từ nhỏ hóa thành không có.
Bà Huệ luôn thấy mãn nguyện khi nghĩ về chặng đường hôn nhân hơn 10 năm
“Con cái ông ấy đều trưởng thành cả rồi, cũng có con cháu rồi nên rất hiểu chuyện và hiếu nghĩa. Trong nhà tôi không có cảnh “mẹ ghẻ, con chồng” đối đầu, mọi người đều biết cách dung hòa các mối quan hệ nên không khí lúc nào cũng thoải mái và vui vẻ”, bà Huệ chia sẻ.
Còn mối quan hệ giữa cặp vợ chồng già thì chỉ cần nhìn cách họ chăm sóc nhau là đủ hiểu nó thắm thiết và sâu đậm thế nào. Họ đang sống phần đời cuối cùng, đã đủ trải nghiệm để hiểu rằng, việc có một người bên cạnh lắng nghe và chia sẻ lúc này là vô cùng quý báu.
“Tôi bàn bạc với bà ấy mọi việc trong gia đình. Khi rảnh thì cùng nhau về quê ngoại thăm anh em, họ hàng. Thỉnh thoảng bà ấy cũng cáu gắt, giận dỗi, những lúc đó tôi lại trêu: “Để mai tôi trả bà về nơi sản xuất”. Thường, chúng tôi không bao giờ giận nhau quá 1 ngày”, ông Tước chia sẻ.
Lo lắng mình ra đi trước, vợ không còn chỗ dựa, ông Tước đã sắp xếp chu toàn mọi thứ khi còn khỏe mạnh. Ban đầu ông muốn mua cho bà một căn nhà ở Hà Nội để an hưởng tuổi già nhưng bà không chịu, nói sau này còn một mình thì sẽ về quê ở với anh em. Thế là, ông lặng lẳng về quê xây cho bà một căn nhà khang trang trên mảnh đất bà mua trước đó.
“1 năm, sau khi xây xong nhà tôi mới nói với con cháu. Đứa nào cũng vui vẻ ủng hộ và còn nói: “Tại sao bố không cho chúng con biết để chúng con đỡ đần”. Thật ra, tôi rất tin tưởng vào sự hiếu nghĩa của con cái với mẹ nó (bà Huệ). Nhưng đề phòng chuyện tâm ý chúng nó thay đổi khi tôi không còn, tôi phải lo được cho bà ấy chỗ ở đàng hoàng, tử tế thì mới yên tâm nhắm mắt”, ông Tước giãi bày.
Cho đến giờ, sau gần 11 năm chung sống, ông Tước và bà Huệ vẫn chưa một lần to tiếng với nhau. Cả hai luôn hiểu tâm ý của nhau và cố gắng dung hòa mọi mối quan hệ để có những năm tháng tuổi già bình yên và hạnh phúc.
Riêng bà Huệ, người phụ nữ vốn luôn xem mình là kẻ kém duyên, nhìn lại chặng đường hôn nhân vừa qua cảm thấy rất mãn nguyện. “Trước đó, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có được cuộc sống vui vầy cùng chồng, cùng con như bây giờ. Cứ nghĩ mình sẽ phải cô đơn cho đến hết đời, nào ngời duyên đến nhanh hơn gió. Thế nên, chuyện xây dựng hạnh phúc chẳng bao giờ là muộn”, bà cười hiền hậu.