Chuyện tình cổ tích của cô dâu 1m1 và chú rể 1m45
Sự chênh lệch về ngoại hình và tuổi tác không phải là “rào cản” giữa hai người.
Đám cưới của cặp đôi này đã nhận được sự quan tâm và sự chúc phúc của nhiều người dân trên cả nước. Và, bé gái bụ bẫm ra đời chính là kết tinh tình yêu của họ.
Cuộc hôn nhân định mệnh
Ngày cưới của 'cặp đôi tí hon' trong hạnh phúc.
Cặp đôi đặc biệt chúng tôi muốn nhắc tới là anh Lê Văn Công (SN 1993), cao 1m45 và chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1984), cao 1m1 trú tại xóm Đức Trung (xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Lúc mới nghe tin Công lấy vợ, ai cũng bất ngờ và sửng sốt. Họ cho rằng cặp đôi này chênh lệch quá nhiều về tuổi tác và ngoại hình.
Đám cưới của họ không phô trương nhưng rất ấm cúng. Rất nhiều bạn bè của cô dâu và chú rể chụp ảnh đưa lên mạng xã hội để chúc phúc cho họ. Nhiều người mới nhìn qua những bức hình cứ nghĩ chú rể và cô dâu còn trong độ tuổi học sinh.
Thậm chí, khi nhìn ảnh cưới, không ít người nghĩ đây là một vụ tảo hôn, bởi chú rể nhìn như một học sinh lớp 7, cô dâu như lớp 3. Nhưng khi biết về hoàn cảnh và thông tin thật từ cặp đôi này ai cũng thán phục và khen ngợi.
Chị Nguyễn Thị Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Tân Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), chị bị khuyết tật bẩm sinh. Cuộc sống quá khó khăn nên học đến lớp 9, cô bé phải nghỉ học giữa chừng. Vì không muốn bố mẹ vất vả, Xuân đã xin tham gia sinh hoạt hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Mặc dù xa nhà nhớ bố mẹ nhưng bù lại Xuân lại được sống trong tình yêu thương của các thầy cô và bạn bè ở trong Hội. Được học, được giao lưu với bạn bè khiến Xuân bớt tự ti về bản thân hơn. Điều đặc biệt, ở đây, Xuân có thể tự nuôi sống bản thân mình, thỉnh thoảng lại có tiền gửi về cho bố mẹ ở quê lo thuốc thang.
“Thời đi học, em tự ti về ngoại hình của mình lắm. Thỉnh thoảng em lại bị các bạn trêu đùa cảm giác rất khó chịu. Đi học em luôn khép mình không chơi với ai cả. Đến lớp 9, do hoàn cảnh quá khó khăn nên em đã nghỉ học tìm cách để phụ giúp bố mẹ về kinh tế. Em tham gia vào Hội người khuyết tật, hàng ngày đi bán tăm kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân. Vào Hội có rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình nên em có thể đồng cảm và chia sẻ với nhau được”, Xuân cho biết.
Với ngoại hình như vậy, chị Xuân chưa bao giờ nghĩ đến tình yêu lứa đôi càng không dám mơ mình sẽ có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Chỉ đến khi gặp Công, được anh yêu thương, chị mới có ý nghĩ mình cũng có quyền được hạnh phúc.
Một số hình ảnh bạn bè chụp trong ngày cưới của anh Công và chị Xuân.
Giống như chị Xuân, anh Lê Văn Công sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Nghĩa Đức. Mới sinh ra, sức khỏe còn yếu, phải uống nhiều thuốc kháng sinh nên thân hình anh nhỏ bé, còi xương. Học đến lớp 7, anh Công cũng phải bỏ học giữa chừng vì kinh tế rồi xin vào Hội người khuyết tật và trẻ em mồ côi ở huyện Tân Kỳ. Anh Công cười rất duyên và cách nói chuyện rất hóm hỉnh, dễ lấy thiện cảm của người đối diện.
Sống và sinh hoạt cùng Hội nên anh Công và chị Xuân thường xuyên chia sẻ công việc và những buồn vui trong cuộc sống. Cảm mến trước nghị lực của cô gái tý hon, anh yêu chị lúc nào không hay. “Mới đầu, vào Hội, em gọi Xuân là chị.
“Hai chị em” mới gặp nhau nhưng nói chuyện hợp “gu” lắm. Rồi những cử chỉ quan tâm, khiến em yêu “chị” lúc nào không hay”, anh Công kể. Theo anh Công, chị Xuân không phải là người dễ “tán”. Phải mất gần một năm theo đuổi, chị Xuân mới chịu nhận lời yêu anh.
Vượt qua mọi rào cản
Không phân biệt tuổi tác và ngoại hình, chị Xuân và anh Công đã quyết định đến với nhau dù biết gia đình anh Công sẽ phản đối quyết liệt. Ngày anh Công dẫn người yêu về ra mắt, gia đình anh phản đối kịch liệt.
Họ sợ hai người lấy nhau sẽ khổ. “Bố mẹ sợ anh Công lấy người tàn tật như tôi về sẽ khổ suốt đời. Rồi sinh con cái, hai đứa sức khỏe đều yếu lấy gì mà nuôi?”, chị Xuân cho biết.