Chuyện người mẹ trẻ nuôi những đứa con có HIV

Sự kiện: Những tâm sự hay

Đó là câu chuyện về một phần đời của chị Hồ Thị Bích Dung, sinh năm 1974, TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Tuổi thanh xuân của chị chôn vùi trong nghiện ngập ma túy. Chị từng tình nguyện làm mẹ những đứa trẻ bị HIV, yêu thương, tận tụy chăm sóc chúng hết mình, nhưng trớ trêu, ở tuổi tứ tuần chị định bỏ rơi đứa con mới sinh của mình vì hoàn cảnh túng bấn.

Đó là câu chuyện về một phần đời của chị Hồ Thị Bích Dung, sinh năm 1974, TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chuyện người mẹ trẻ nuôi những đứa con có HIV - 1

Mẹ con chị Hồ Thị Bích Dung. Ảnh: Anh Khoa

Hẹn gặp chị vào một buổi sáng trời lất phất mưa, chị phăm phăm đi đôi dép tổ ong, đầu trần đội mưa ra tận ngõ đón khách. Thấy tôi ái ngại, chị cười xòa: “Ôi kiêng khem gì, chỉ có mỗi mình nên vừa sinh xong chị đã dầm nước lạnh, tự tay tắm, chăm sóc cho con hết”.

Tổ ấm của 2 mẹ con chị là căn phòng ở tầng 4 của một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy (Hà Nội), một người bạn thương tình cho chị ở tạm.

Mẹ của những đứa trẻ có H

Là con thứ hai trong gia đình, chị Dung từng có tuổi thơ êm đềm. Nhưng, 11 tuổi, bố mẹ bị tai nạn đột ngột qua đời, từ đó, cuộc đời chị rẽ sang lối khác. Chị phải ở nhờ nhà hết nhà người này đến nhà người khác, bị đối xử bất công.

Năm 22 tuổi, chị khăn gói ra Hà Nội lập nghiệp, mở nhà hàng. Thời gian đầu, chị làm ăn khấm khá có tiền gửi về cho em. Cuộc sống nhiều cám dỗ ở đô thị phồn hoa chị không làm chủ được bản thân sa ngã vào con đường nghiện ngập.

Năm 2001, chị đi lao động, cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động số 2, Ba Vì (Hà Nội). Hết 3 tháng bắt buộc, chị làm đơn xin ở lại trung tâm. Tháng 4/2001, lần đầu tiên Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động số 2 Ba Vì nhận một đứa trẻ có H và chị là người đứng ra nhận chăm sóc bé.

Năm 2004, chị xin rời Trung tâm về Nha Trang lập nghiệp nhưng rồi một lần nữa chị lại sa ngã. Năm 2010, chị bị bắt về lại Trung tâm số 2 để cai nghiện. Quyết tâm làm lại cuộc đời, sợ ra ngoài bị rủ rê lôi kéo, khi hết thời gian cai, chị làm đơn tình nguyện ở lại Trung tâm chăm sóc những đứa trẻ bị nhiễm HIV ở đây.

Chị trở thành một người mẹ nuôi đặc biệt. Đứa trẻ nào trong Trung tâm bị bệnh nặng, ốm sốt chị đều xung phong nhận chăm sóc, có khi chị ở viện cả tháng để chăm các con bị ốm. “Nhiều lúc vì thương, lo cho sức khỏe các con mà tôi nổi cáu với cả lãnh đạo trung tâm. Nhưng hiểu được tấm lòng của tôi nên họ đều cảm thông hết”, chị Dung kể.

Chị thuộc hết ngày sinh, ngày ra, vào Trung tâm của từng đứa trẻ. Trong đó, đứa trẻ chị dành nhiều yêu thương nhất là Quang Anh, cậu bé 2 tháng tuổi bị bố mẹ bỏ rơi hai lần, bị nhiễm HIV, viêm phổi, và ghẻ.

Nhìn thấy con, nhiều người tỏ ra e ngại, tôi thì cứ thế lao vào ôm con, mang con đi tắm, cắt tóc. Con bị ghẻ tay chân dính bết vào nhau, máu mủ khắp người. Tôi xót lắm! Con bệnh nặng quá, đêm nào nằm ngủ tôi cũng ôm con vào lòng vì sợ ngày mai không được gặp con nữa”, chị Dung tâm sự.

Để chữa bệnh ghẻ cho Quang Anh, hằng ngày chị đi khắp các quả đồi tìm lá về sắc tắm cho con, thay cho con mỗi ngày 20 bộ quần áo. Chị bị lây ghẻ, lở ngứa khắp người nhưng vẫn không nề hà. Sự cố gắng không mệt mỏi của chị được đền đáp xứng đáng. Bé Quang Anh phục hồi nhanh chóng. Một tháng cậu bé tăng hơn 2 kg.

Từng có ý định bỏ rơi con đẻ

Ôm con gái mới sinh được hơn 2 tuần tuổi vào lòng, giọng chị Dung chùng xuống nghèn nghẹn: “Đây là thiên thần của chị. Cuộc đời chị trải qua bao đắng cay, nghiệt ngã không ngờ ở độ tuổi này, chị vẫn có thể làm mẹ của thiên thần này”.

“Thế sao chị lại có ý định bỏ rơi con ở bệnh viện?”, tôi hỏi.

Không, em đừng nhắc lại nỗi đau của chị, chị không có ý định đó. Nhưng hoàn cảnh của chị bi đát lắm”, chị giàn giụa nước mắt, câu chuyện bị đứt quãng giữa chừng.

Giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động số 2 Ba Vì (Hà Nội) Phạm Đình Giang cho biết: “Sau khi cai nghiện xong, chị Dung làm đơn tình nguyện ở lại Trung tâm chăm sóc các bé mồ côi, bị bỏ rơi, có H. Trong thời gian ở lại Trung tâm chăm sóc các bé, chị Dung rất yêu quý trẻ, yêu thương, chăm sóc các con hết mực như chính ruột thịt của mình”.

Chị mang bầu trong một lần về nghỉ phép. Lường trước những khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng chị không nỡ bỏ đi đứa con của mình. Ngày chị sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong túi chị có 11, 2 triệu đồng (do chị dành dụm được và bạn bè cho), chị giấu cẩn thận trong gối ngủ, đó là tài sản lớn nhất của chị. Không ngờ, trước xuất viện một ngày số tiền đó không cánh mà bay.

“Mất tiền mình chỉ biết ôm con khóc nấc, hoang mang không biết 2 mẹ con sẽ sống ra sao với hai bàn tay trắng. Không có tiền thanh toán viện phí, tương lai mù mịt, không biết đi đâu về đâu. Trong giây phút hoảng loạn, mình đã có ý nghĩ điên rồ, bỏ con lại bệnh viện”, chị Dung nói trong nước mắt.

Chị gửi con nhờ các sản phụ trong phòng trông giúp. Đi nửa ngày, thì chị Phương Dung, y tá Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gọi điện bảo chị về, khó khăn gì mọi người sẽ chung tay giúp.

“Cái giây phút mình quay trở lại chân tay run lên, rồi ôm con bé vào lòng và chỉ biết khóc. Mình nói với nó điều gì đó như lời xin lỗi. Mọi người xung quanh cũng khóc theo mẹ con mình, vừa mừng, vừa thương. Bệnh viện quyết định miễn phí hoàn toàn 100% viện phí. Các sản phụ khác thương tình người cho bỉm, người cho sữa, quần áo, tiền”, chị Phương Dung kể.

Ra viện hơn một tuần, chị đang ở nhờ nhà bạn. Các bà mẹ trẻ trong nhóm từ thiện “Các bố mẹ nhân ái đồng hành cùng bé Quang Anh” liên hệ một số trung tâm cho mẹ con chị ở nhưng chưa được.

Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động số 2 Ba Vì, nơi chị gắn bó bao năm rất thương cảm với hoàn cảnh của chị nhưng cũng không thể tiếp nhận vì sợ con gái chị không bị khi ở chung với những đứa trẻ có H dễ bị phơi nhiễm HIV.

Chị đang tính, về lại Nha Trang ở cùng gia đình em trai. Ước mơ của chị bây giờ là muốn về Nha Trang để ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa thể về được vì chưa có đủ tiền tàu xe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Trinh (Tiền phong)
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN