Chuyên gia tâm lý: Nhiều trẻ bị xâm hại tình dục nhưng không dám nói với bố mẹ
Giáo dục giới tính cho con như thế nào là hiệu quả? Cùng nghe chuyên gia tâm lý phân tích và khuyên nhủ.
Giáo dục giới tính cho trẻ là vấn đề quan trọng (ảnh minh hoạ)
Bố mẹ hiện đại đã quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục giới tính cho con. Nhưng không ít bậc phụ huynh vì thiếu kiến thức và kỹ năng truyền đạt mà rất lúng túng trong việc này. Họ không biết phải làm sao để trò chuyện cùng con về những chủ đề nhạy cảm và giáo dục giới tính cho con như thế nào để đạt hiệu quả.
Cùng trò chuyện với Thạc sĩ Lê Minh Huân (Giảng viên Tâm lý học, Tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình tại Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương), nghe anh chia sẻ thêm về chủ đề này:
Từng tiếp xúc, tư vấn tâm lý cho nhiều bạn trẻ, anh đã gặp những câu chuyện đau lòng nào khi trẻ em không được giáo dục giới tính đầy đủ?
Tôi gặp khá nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần nhưng không dám nói với bố mẹ, trẻ không biết chăm sóc cơ quan sinh sản khi đến tuổi dậy thì, trẻ bị bạn bè trêu chọc vì không mặc đồ lót, thậm chí, bị bạn bè trêu giữa đám đông.
Đặc biệt, có vài trường hợp, vì tò mò về cơ thể mình và cơ thể người khác, sẵn sàng chấp nhận “qua đêm” khi mới là học sinh đầu cấp THCS, kéo theo các hệ quả về sức khỏe tâm thần sau này khi bị người khác và gia đình phát hiện, trách móc, chỉ trích.
Gần đây nhất, một nữ sinh gặp tôi tư vấn tâm lý với ý định tự tử vì bị cả trường phát hiện có bạn trai và bị bạn trai “khám phá cơ thể” trong nhà vệ sinh trường.
Theo anh, tại sao nhiều bậc phụ huynh có tâm lý ngại ngùng khi giáo dục giới tính cho con cái?
Thông thường, người lớn không quản được con những lúc không ở cạnh mình. Hơn nữa, giáo dục giới tính là nội dung phức tạp cần chuyên môn, am hiểu, cũng như sự khéo léo trong truyền đạt.
Ngoài ra, người lớn vì bận rộn với công việc của mình nên chưa quan tâm đúng mức, đầy đủ trong vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. Sau cùng, vì tư tưởng đôi phần còn lạc hậu, trì hoãn “chờ nước tới chân mới nhảy” hoặc sợ “vẽ đường cho hươu chạy” hay quan điểm “con nít biết gì đâu mà dạy”… nên ngại ngùng khi tiếp cận, giáo dục con trẻ, để trẻ tự lớn, tự biết và tự học từ những nguồn khác mà không có sự định hướng đúng đắn về tính an toàn, lành mạnh.
Sự ngại ngùng đó có thể đem đến hệ quả thế nào, thưa anh?
Thứ nhất, cha mẹ và con cái dễ tạo ra khoảng cách ngày càng xa, đặc biệt khi trẻ bước vào tuổi dậy thì vì đôi bên không có tiếng nói chung. Thầy cô giáo và người lớn khác cũng tương tự.
Thứ hai, trẻ thay vì được cung cấp đầy đủ, bài bản các kiến thức cần thiết về cơ thể, giới tính… lại thu lượm, tiếp cận chắp vá, thiếu khoa học, đặc biệt là tự tìm kiếm kiến thức giới tính từ internet – một kho tàng kiến thức rộng và mở, trong khi trẻ không đủ sức phân loại, chọn lọc cái cần xem.
Thứ ba, khi giáo dục giới tính không đầy đủ, trẻ không đủ kỹ năng để chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân, không đủ bản lĩnh từ chối lời chiêu dụ từ người khác khi có cơ hội “tò mò, khám phá” cơ thể hoặc hoạt động tình dục. Và nguy cơ bị tấn công, xâm hại rất dễ xảy ra. Ngoài ra, không biết bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác.
Thứ tư, các hệ lụy khác như kì thị “xu hướng tính dục” của người đồng tính hay mang thai sớm khiến khó tập trung học tập, đánh mất tương lai, sự nghiệp hoặc tìm hiểu ở các cơ sở “hoạt động tình dục” trái phép đều có thể xảy ra.
Chuyên gia tâm lý Lê Minh Huân |
Nhiều phụ huynh thừa nhận, họ rất quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho con cái nhưng lại lúng túng, không biết kỹ năng truyền đạt. Theo anh, nên giải quyết sự “lúng túng” ấy như thế nào?
Đầu tiên, phụ huynh cần quyết đoán trong chuyện “nhất định phải cập nhật kiến thức và kỹ năng giáo dục giới tính cho con”. Chứ chỉ suy nghĩ tới và không hành động cụ thể thì không bao giờ có thể theo kịp sự phát triển của trẻ.
Thứ hai, đọc thêm sách, báo và thông tin từ các trang web chính thống về vấn đề giáo dục giới tính để cập nhật kiến thức. Đó cách hiệu quả nhưng mất nhiều thời gian.
Thứ ba, tham gia các khóa học, tập huấn về giáo dục giới tính do các nhà tâm lý, giáo dục, bác sĩ có chuyên môn giảng dạy để tiếp thu một cách bài bản, khoa học giúp quá trình hỗ trợ trẻ được hiệu quả hơn.
Nhiều bậc cha mẹ “sốc” khi bỗng một ngày phát hiện ra con xem phim, xem tranh, đọc truyện, bàn tán với nhau về chủ đề 18+ và có những phản ứng tiêu cực. Theo anh, cha mẹ nên xử lý ra sao khi rơi vào trường hợp này?
Đầu tiên, cha mẹ cần bình tĩnh, quản lý cảm xúc và hành vi bản thân, tránh gây tổn thương lên con trẻ.
Thứ hai, xem lại mình đã thực sự quan tâm đến sự phát triển của con chưa, đã thể hiện trách nhiệm đầy đủ trong việc giáo dục giới tính cho con chưa? Nếu chưa, chính mình cũng có lỗi với hành động xem phim, đọc truyện 18+ của con. Từ đó, thay đổi hướng ứng xử cho phù hợp
Thứ ba, hãy ôn tồn hỏi chuyện con: Lý do con xem, xem bao lâu rồi, con cảm thấy thế nào… Từ đó phân tích hậu quả và chỉ con cách khắc phục. Hãy là người bạn để con chia sẻ, không phải là người chê bai, chỉ trích, có như vậy, mới dễ dàng cảm hóa và giáo dục con đi đúng hướng.
Có người mẹ kể rằng, chị ấy đã rất mừng khi tìm thấy bao cao su trong cặp sách của con trai. Vì như vậy nghĩa là con đã biết bảo vệ, phòng tránh cho bản thân và bạn gái. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi đồng quan điểm nếu như bạn nam ấy biết cách dùng bao cao su, ba mẹ cũng biết con có người yêu, đồng thời con đã chia sẻ với gia đình về việc này, con cũng được giáo dục giới tính đầy đủ và giữ vững phong độ học tập.
Ngược lại, nếu vì quá tò mò mà hoạt động tình dục khi còn là học sinh thì nguy cơ vi phạm “Luật trẻ em” và bị tố cáo, xa hơn nữa là ảnh hưởng đến việc học hành là tất yếu. Cha mẹ cần xác nhận rõ “tại sao trẻ làm như vậy?”. Không nên chủ quan và vui mừng vội!
Theo anh, việc giáo dục giới tính cho con trẻ nên được thực hiện từ thời điểm nào?
Càng sớm, càng tốt. Khi trẻ bắt đầu biết nói đã có thể dạy trẻ những điều cơ bản như: Đi vệ sinh nơi kín đáo, gọi tên bộ phận trên cơ thể, cư xử tôn trọng với người khác, không nhìn hoặc để lộ cơ quan sinh dục… Còn người lớn thì nên học ngay khi có thể, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, càng sớm càng tốt.
Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh khi giáo dục giới tính cho bé trai/bé gái là gì, thưa anh?
Đó là tìm hiểu về sự khác biệt giới tính, tôn trọng cơ thể mình và người khác, bảo vệ mình nhưng không gây hại cho người khác, chẳng những vậy cũng phải góp phần bảo vệ người khác khi họ gặp khó khăn/bị xâm hại…
Các kiến thức về xu hướng tính dục, bản dạng giới (sự nhận thức về giới tính của bản thân), thể hiện giới, dậy thì, tình yêu, tình dục… đều có vai trò kiến tạo cuộc sống của trẻ sau này, nên cần dạy một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý từng độ tuổi.
Những sai lầm bố mẹ có thể mắc phải khi giáo dục giới tính cho con là gì thưa anh?
- Không quan tâm giáo dục giới tính cho con từ sớm.
- Phó thác cho nhà trường.
- Thiếu kiến thức về tâm lý lứa tuổi dẫn đến dạy trẻ về giới tính không hiệu quả như ngôn ngữ, hành vi, phân tích, diễn tả, minh họa không tương xứng với nhận thức, hiểu biết của trẻ.
- Cấm trẻ tò mò, thích/yêu khi đến tuổi dậy thì.
- Xem nhẹ các cảnh báo của giáo viên, chuyên gia.
- Không dạy trẻ cách phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục.
- Không tôn trọng sự riêng tư của trẻ hoặc ăn nói tục tĩu, thiếu lịch sự về cơ quan sinh dục, quan hệ tình dục, phân biệt/kì thị giới tính hay khuyến khích trẻ “quan hệ tình dục” khi chưa đủ tuổi và không có sự đồng thuận/chưa kết hôn.
Trẻ dậy thì sớm, tiếp xúc với mạng xã hội sớm, dẫn đến tò mò rất sớm về giới tính. Cha mẹ nên định hướng ra sao trong việc con dùng mạng xã hội để tránh xảy ra việc tiếp thu những thông tin xấu và gây ra hậu quả đáng tiếc thưa anh?
Dạy con cách từ chối các trang web có thông tin xấu, tiêu cực. Nếu tò mò về giới tính đừng ngại hỏi người lớn, bố mẹ, thầy cô. Việc tự tìm hiểu không xấu nhưng phải biết điểm dừng, đồng thời, không cổ động và tụ tập bạn bè bàn tán, phát tán những thông tin, hình ảnh nhạy cảm và có hành động vượt quá giới hạn độ tuổi.
Xin chân thành cảm ơn anh!
Trong thời gian vừa qua, đã không ít lần dư luận dậy sóng với các video, clip “thảm sát” mà căn nguyên là những mâu thuẫn tình yêu. Đáng chú ý, kẻ gây tội trong các vụ án...
Nguồn: [Link nguồn]