Chuyên gia: Đứa trẻ được nuông chiều quá mức sẽ không bao giờ thấy vui vẻ vì con người có lòng tham vô đáy
Cha mẹ Việt mắc phải không ít sai lầm khiến con ỉ lại, lười biếng, thiếu tự lập.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương
Một người con tự tin, tự lập, trưởng thành là niềm mơ ước của mọi cha mẹ. Ngày càng nhiều bậc phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc rèn con tự lập thế nhưng, không phải ai cũng có phương pháp đúng đắn trong việc này.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) đưa ra một số lời khuyên về cách nuôi dạy một đứa trẻ tự lập.
Bắt đầu từ khi nào cha mẹ có thể dạy con tự lập thưa chị? Liệu có phải là khi con đã lớn như nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ bởi “con nhỏ thì biết gì mà tự lập”?
Tôi chắc rằng nhiều bố mẹ không tin nhưng dạy con tự lập thì phải làm từ khi con còn trong bụng. Đó là lúc bố mẹ cần đọc sách thật nhiều, chuẩn bị tư tưởng, kiến thức và phương pháp để dạy con. Vững vàng cả về kiến thức lẫn phương pháp thì khi con chào đời, cha mẹ sẽ biết mình phải làm gì.
Các bạn nhỏ từ 6 tháng có thể tự cầm nắm và ngồi vững thì cũng là lúc bố mẹ rèn con tự lập từ việc để con tự bốc ăn, nhặt đồ chơi vào giỏ. “Con nhỏ thì biết gì mà tự lập” là đúng nhưng vì thế nên chúng ta mới phải tạo môi trường để con phát triển tính tự lập.
Có một lộ trình cụ thể nào để các bậc cha mẹ dạy con tự lập không thưa chị?
Bố mẹ nên tự xây dựng phương pháp, lộ trình rèn luyện tuỳ theo đặc điểm của con nhưng nên bắt đầu từ tầm 6 tháng với các loại kĩ năng riêng và đến mốc tròn 6 tuổi, con đã có thể ở lại một mình trong nhà trong thời gian khoảng 4 giờ liên tục. Con cần biết tự lo mọi thứ cho bản thân một cách an toàn và khỏe mạnh.
Có một vài cột mốc cha mẹ cần quan tâm:
Từ 0 đến 4 tuổi, cha mẹ cần dạy con các kỹ năng tự phục vụ bản thân cơ bản như ăn, ngủ, mặc đồ, tắm… và phòng tránh các tai nạn như xâm hại, hoả hoạn, điện giật, đuối nước…
Từ 4 đến 6 tuổi cha mẹ cần dạy con các kỹ năng chăm lo bản thân nâng cao như giặt đồ, gấp chăn màn, xếp đồ, mang vác đồ cá nhân, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại…
Mốc từ 0 đến 6 tuổi được xem là thời gian vàng cho việc học tập kỹ năng sống, kỹ năng tự lập của trẻ, từ chỗ tự chăm sóc bản thân cho đến nết ăn, nết ở, sự nghiêm túc, lễ phép, giao tiếp, ứng phó hiệu quả, thực hiện tốt mọi quy định trong gia đình, kiến thức giới tính cơ bản.
“Để trẻ tự làm, tự trải nghiệm” là chìa khoá để dạy con tự lập (ảnh minh hoạ)
“Để trẻ tự làm, tự trải nghiệm” là chìa khoá để dạy con tự lập nhưng nhiều bậc phụ huynh lại vướng phải khó khăn như nói mãi trẻ không nghe, dạy mãi trẻ không biết làm theo. Những lúc này cha mẹ phải làm gì?
Dạy trẻ không phải chỉ nói mà là tạo môi trường. Bố mẹ cần tạo ra môi trường có luật (tức là quy định rõ ràng) để trẻ hướng theo. Khi có ai đó chống đối, phá luật, cần có các hình phạt nhẹ nhàng để con hiểu mà tuân thủ.
Cha mẹ Việt thường mắc phải những sai lầm nào khiến con trở nên thiếu tự lập thưa chị?
Thường thì cha mẹ sẽ sốt ruột vô cùng khi các con làm chậm, làm ề à, làm hỏng, bẩn thỉu… Lúc này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Con mới làm sẽ không khéo nhưng làm nhiều con sẽ giỏi dần.
Điều thứ hai là cha mẹ không tạo luật lệ gia đình mà thường tùy hứng, bạ đâu hay đó. Điều này sẽ khiến con lười và ỉ lại, thích phá luật, mè nheo và kêu ca.
Điều thứ ba là các bố mẹ hay cho rằng, phạt con là bạo hành, là phản giáo dục. Điều này không đúng. Phạt con là hình thức răn đe để con hiểu mình đã vượt qua ranh giới cho phép nên con sẽ biết giữ mình trong khuôn khổ.
Có rất nhiều hình phạt nhẹ mà đau, khiến trẻ rất sợ như: cả nhà được ăn kem mà người sai phạm không được ăn. Phải làm gấp đôi lượng việc quy định. Phạt con nhưng cũng phạt mình, chính cha mẹ cũng cần chịu phạt khi sai phạm thì con sẽ ngoan ngay.
“Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, tức cha mẹ có thể chịu khổ nhưng bằng mọi cách cho con cuộc sống sung sướng. Quan điểm này liệu có khiến con ỉ lại, lười biếng và thiếu tự lập?
Tôi luôn phải lo nắn chỉnh những đứa trẻ mà bố mẹ chúng đã nuông chiều với quan điểm như trên. Thật sự, khi cha mẹ chăm lo, bảo bọc để con sung sướng quá mức thì họ mới chỉ lo đến hiện tại mà không để ý đến tương lai.
Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường không bao giờ thấy thật sự vui vẻ được vì bản chất con người là lòng tham vô đáy, luôn muốn nhiều hơn nữa. Các con không tìm được niềm vui đơn sơ, giản dị.
Ngoài ra, các con ít được làm việc thì thường ít vận dụng não (tìm cách làm nhanh và hiệu quả), khiến não trở nên lì hơn, chậm chạp hơn. Hai bàn tay chúng ta nối với não, việc ít vận động bàn tay sẽ khiến não con chậm phát triển hơn hẳn.
Các bậc cha mẹ rất quan tâm đến cách dạy một đứa trẻ tự lập (ảnh minh hoạ)
Con không tự lo thân cũng dễ bị ảnh hưởng đến đạo đức như vô trách nhiệm, lười biếng, ỉ lại, hay đòi hỏi, chê bai…
Cha mẹ cần để con được tham dự mọi thứ trong gia đình y như một thành viên nhỏ. Đói nghèo, vất vả, mọi việc mỗi ngày, kế hoạch tương lai… mọi thứ đều phải để con cùng gánh. Đó là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của con.
Có một nguyên tắc dạy con bố mẹ cần tuân thủ, đó là “Chiều chuộng con, làm hộ con là ngăn cản con phát triển”. Con càng tự lập tốt, các bộ phận trên cơ thể của con, đặc biệt là não, càng phát triển mạnh, linh hoạt và nhanh nhẹn. Ngoài ra, một nguyên tắc nằm lòng nữa của dạy con tự lập là: Để con tự làm, tự trải nghiệm, không trợ giúp dù trong hoàn cảnh nào.
Cho trẻ tự đến trường liệu có phải cũng là một cách rèn con tự lập hiệu quả như người Nhật vẫn làm?
Tuổi thơ bạn và tôi từng đi bộ đến trường. Con gái tôi cũng tự đi học từ lớp 3 đến hết lớp 12. Việc của con hãy để con tự làm, con sẽ có trách nhiệm và tự lo cho bản thân tốt hơn.
Tuy vậy, để trẻ tự đến trường cũng có nhiều mối nguy hiểm rình rập như giao thông, cạm bẫy hoặc đôi khi chỉ là đoạn đường quá xa… Theo chị, cha mẹ cần lưu ý những gì, chuẩn bị những gì để con tự đến trường một cách an toàn nhất?
Dù là thời xưa hay thời nay, việc trẻ tự đi học cũng phải đối mặt với tai hoạ rình rập. Nếu thời nay xe cộ nhộn nhịp thì thời xưa là bom đạn, hầm hố… Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy con các kỹ năng ứng phó và phòng tránh tai nạn trước khi cho con ra đường.
Từ khi con 5, 6 tuổi, cha mẹ nên để con tự đi một quãng đường ngắn để con làm quen dần. Nếu lo lắng, cha mẹ có thể kín đáo đi theo sau con cho đến khi nào thấy con đã sẵn sàng tự đến lớp.
Sau nhiều lần đi trên con đường đơn giản mà con đã xử lý tốt những vấn đề gặp phải thì cha mẹ hướng dẫn con đi những đoạn đường khó hơn. Dần dần, con sẽ vững vàng đi một cách an toàn.
Chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị!
Làm sao mà trẻ em tiểu học ở Nhật có thể tự bắt tàu điện, bắt xe buýt đến trường một mình. Câu trả lời có lẽ...
Nguồn: [Link nguồn]