Chuyện đón Tết xa nhà của du học sinh Việt
“Dù thiếu đi rất nhiều mùi vị của một Tết Việt trọn vẹn, nhưng vị của yêu thương sẽ không bao giờ mất đi dù mình có ở đâu”, Phương Linh (du học sinh tại Nga) tâm sự.
Thảo hiện đang vừa học vừa làm thêm tại các quán ăn ở Hàn Quốc.
Cảm xúc khi đón Tết xa nhà
Tết là dịp để đoàn viên, khi “ai đi xa cũng trở về” quây quần bên gia đình, người thân, bên mâm cơm ấm áp. Nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều du học sinh Việt trên thế giới lại không thể về nhà để đón cái Tết đủ đầy.
Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, Nguyễn Thảo (sinh năm 2002, Quảng Ninh, hiện đang sinh sống và học tập tại Gwangju, Hàn Quốc) chia sẻ: “Đón Tết xa nhà làm mình thấy rất buồn và cô đơn. Tết vốn là để sum vầy bên gia đình mà mình lại ở nơi đất khách quê người. Chỉ có một điều may mắn là Tết này mình có người yêu bên cạnh nên cũng vui hơn phần nào. Thực sự, mình muốn về lắm mà dịch bệnh kéo dài nên đi lại rất khó khăn. Và cũng còn do công việc của mình bên này nữa. Mong rằng, năm sau, dịch qua đi mình sẽ được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình như những năm trước đó”.
Xa nhà đến Úc du học đã hai năm, Phương Anh (sinh viên trường ĐH Wollongong, bang New South Wales, Úc) đã quen với việc đón Tết ở xứ sở Kangaroo. Đối với Phương Anh, được quây quần bên các bạn du học sinh giống mình cũng vui và ấm áp như đang ở bên một “gia đình nhỏ” khác vậy.
“Ở Úc, cộng đồng người Việt nói riêng và người châu Á nói chung khá đông nên có tương đối đầy đủ các loại đồ ăn cho Tết Việt. Điều đó khiến du học sinh chúng mình cũng được an ủi phần nào. Chỉ hơi đáng tiếc một chút là Úc nằm ở nửa bán cầu phía Nam, các mùa đối lập với Việt Nam nên Tết rơi vào khoảng cuối Hè đầu Thu chứ không se se lạnh hay có mưa nhẹ đặc trưng như ở Hà Nội”, Phương Anh nói thêm.
Phương Anh cảm thấy đón Tết bên các bạn du học sinh giống như đang ở bên "gia đình nhỏ" khác.
Không khí Tết Việt ở “trời Tây”
Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng ăn mừng Tết Nguyên đán như ở Việt Nam và một số nước Á Đông nhưng chỉ cần nơi đó có người Việt thì chắc chắn Tết cổ truyền vẫn sẽ được nâng niu.
“Vào những ngày cận Tết Nguyên đán mà ra chợ Việt ở Moscow thì đúng là như được trở về Việt Nam vậy, không khí Tết tràn ngập với tiếng người mua bán tất bật. Ở ký túc xá trường mình, các du học sinh Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức Tết xa và chuẩn bị những món quà dành cho nhau. Mình nghĩ, dù ở đâu, đi xa bao lâu thì Tết Việt vẫn luôn trong lòng mỗi người con đất Việt”, Phương Linh (du học sinh trường ĐH Kinh tế Quốc dân Plekhanov, Nga) thổ lộ.
Phương Linh chụp hình bên người bạn Nga của mình.
Nói về dự định riêng của mình dịp Tết cổ truyền sắp tới, Phương Linh cũng rất hào hứng: “Ở Moscow, du học sinh Việt Nam cũng khá nhiều, nên chúng mình sẽ tự gói bánh chưng và chuẩn bị mâm cơm Tết Việt truyền thống có thịt đông, nem rán, canh măng, giò chả... Mình may mắn vì năm nào cũng được soạn mâm cơm Tết cùng mẹ, nên khi xa nhà, mình nghĩ đây sẽ là một trải nghiệm thú vị khi tự tay lên thực đơn và nấu nướng”.
Không thể đón Tết cổ truyền đúng lịch vì bận học và làm, Thu Thảo (du học sinh tại Đức) đã chọn đón Tết sớm bằng cách cùng các bạn du học sinh Việt khác vào bếp chuẩn bị những món ăn đặc trưng của ngày Tết quê hương.
“Chúng mình mỗi người một món, ai giỏi làm món nào thì làm món đó. Sau khi làm xong, mọi người lại cùng nâng ly chúc Tết, tiện làm quen lẫn nhau luôn. Đặc biệt, bữa tiệc hôm đó còn có sự góp mặt của hai anh 'Tây' hàng xóm, với rượu, thịt cừu và những món ăn truyền thống khác của vùng Afrika. Biết hai anh không ăn được thịt lợn nên mình cũng đã làm riêng cho các anh món nem hải sản để quảng bá luôn về ẩm thực nước mình. Cả hai đều rất hứng thú khi nghe mình kể về Việt Nam, một đất nước có nhiều loại hoa quả, nhiều món ăn ngon và nhiều danh lam, thắng cảnh”, Thu Thảo nói.
Thu Thảo rất hào hứng khi kể về đất nước mình với những người bạn quốc tế.
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết cổ truyền. Dù ở xa trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều điều kiện, nhưng các bạn du học sinh Việt Nam vẫn tìm được những cách riêng để đón Tết ta ở xứ người thật trọn vẹn, ấm áp như đang ở chính quê hương!
Sau quá nhiều lần cãi nhau và không tìm được tiếng nói chung, 2 vợ chồng quyết định ai về nhà nấy.
Nguồn: [Link nguồn]